Những việc làm không hay của Hào Anh
Sự việc Hào Anh - cậu bé cách đây vài năm được cứu thoát khỏi sự ngược đãi
bạo hành dã man của cặp vợ chồng chủ đầm tôm ở Cà Mau, có những hành vi không hay được báo chí phản ánh thời gian qua khiến dư luận không khỏi bất ngờ, xót xa, nhất là những người đã và đang theo dõi cuộc sống của em, từng ủng hộ tiền của cho em làm lại cuộc đời.
Mới đây, ngày 3/9, tin từ Công an Phường 8, Thành phố Cà Mau xác nhận đang lập hồ sơ xử lý hành vi “ngược đãi” cha mẹ đối với Hào Anh (tên thật là Nguyễn Hoàng Anh).
Trước đó, đêm 30/8,
Công an Phường 8, thành phố Cà Mau nhận được tin tố giác của người dân về vụ “ngược đãi cha mẹ” ở khóm 4, phường 8, TP Cà Mau. Lực lượng Công an phường 8 có mặt tại hiện trường để lập biên bản sự việc, đồng thời mời đối tượng về phường xử lý.
|
Hào Anh thương tích đầy mình khi mới được giải cứu từ ngôi nhà của vợ chồng chủ trại nuôi tôm ở Cà Mau. |
Tại cơ quan công an, người bị tố giác ngược đãi cha, mẹ là Nguyễn Hoàng Anh (tên gọi khác Hào Anh), sinh năm 1996, thường trú khóm 4, phường 8, TP Cà Mau. Hào Anh chính là cậu bé bị vợ chồng chủ trại tôm giống Giang – Thơm ngược đãi vào năm 2010.
Thông tin ban đầu cho biết, vào khoảng 20h30 ngày 30/8, sau khi đi chơi cả ngày về nhà, Hào Anh xin tiền mẹ ruột là bà Phạm Thị Thoa, sinh năm 1972 để đi chơi tiếp. Do lúc sáng bà Thoa đã đưa Hào Anh 120.000 đồng nên không đồng ý đưa thêm nữa. Sau khi bị từ chối, Hào Anh dùng chân đá bể hai cây quạt bàn, dùng những lời lẽ xúc phạm bà Thoa và ông Nguyễn Xuân Hùng (cha dượng của Hào Anh), đồng thời đuổi hai người ra khỏi nhà.
Bức xúc trước hành vi của con trai, bà Thoa cùng ông Hùng đành âm thầm ra khỏi nhà. Hào Anh tiếp tục đập phá một số đồ đạc và mang tất cả quần áo của bà Thoa, ông Hùng ném ra ngoài sân, ném luôn cả tủ, bàn, ghế trong nhà.
Ngôi nhà trên do Hào Anh đứng tên sở hữu bằng nguồn tiền tài trợ từ các cá nhân, tổ chức từ thiện quyên góp sau khi “Vụ án hành hạ trẻ em” xảy ra. Hành vi “ngược đãi” cha mẹ của Hào Anh đang được Công an phường 8 hoàn tất hồ sơ để xem xét xử lý.
Sau khi thông tin Hào Anh đuổi bố mẹ ra khỏi nhà bị đưa lên báo, phóng viên một số báo đã về gặp bà Thoa, mẹ ruột Hào Anh và nghe bà kể những chuyện đau lòng liên quan tới cậu con trai của mình.
Nhắc đến cậu trai lớn vừa bước sang tuổi 18, người mẹ chèo đò trào nước mắt. Bà Thoa thương con tuổi thơ bất hạnh, nhà nghèo nên Hào Anh phải nghỉ học sớm để làm công cho vợ chồng Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm là chủ trại tôm giống Minh Đức ở xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi (Cà Mau).
Bà Thoa biết vợ chồng chủ trại tôm hơn chục năm trước, lúc đưa đò chung với Giang. Hay tin đồng nghiệp cũ ăn nên làm ra, người mẹ 42 tuổi gửi con cho "cậu mợ" chăm sóc, tạo công ăn việc làm nhưng không ngờ Giang - Thơm đã nhẫn tâm hành hạ cậu bé làm thuê, gây tỷ lệ thương tật đến gần 67%.
Sau khi được chủ nhà trọ bán lại thửa đất với căn nhà vợ chồng bà Thoa thuê 4 năm qua với giá gần 400 triệu đồng, Hào Anh cất lại nhà mới cho mẹ và cha dượng, tốn thêm hơn 100 triệu đồng. Lúc này cậu hỏi mẹ cho mua xe gắn máy hơn 10 triệu đồng để đi học cắt tóc nhưng chưa lành nghề đã bỏ. Chiếc xe máy mới mua sau đó bị chủ nhân đập hỏng sau những đêm đi chơi khuya, về nhà lầm bầm, bực dọc bạn gái.
Ngày dọn vào nhà mới, Hào Anh về ra mắt cha mẹ một cô gái lớn hơn mình 2 tuổi. Theo bà Thoa, cô gái quê huyện U Minh, đẹp người nhưng nết na chưa biết thế nào. Nhiều lần cô gái đến chơi sau đó, mẹ Hào Anh biết bạn của con trai mình làm thuê cho một điểm kinh doanh trò chơi trẻ em tại Công viên Văn hóa Hùng Vương, TP Cà Mau.
"Từ ngày có bạn gái, con tôi trở nên ngỗ ngược, xài tiền như nước. Hào Anh hết đập hỏng xe này lại đòi mua xe khác hàng chục triệu đồng mỗi chiếc. Giờ nó chạy chiếc xe máy thứ tư, tôi mua trả góp vì tiền các nhà hảo tâm cho đã hết sạch", bà Thoa kể.
Dù được mẹ cưng chiều, mua cho chiếc xe máy thứ 4 chỉ trong nửa năm nhưng từ ngày đuổi vợ chồng bà Thoa ra đường đến nay, hàng xóm thấy Hào Anh đi bộ. Người mẹ nghi ngờ con trai đã đập hỏng hoặc bán mất để lấy tiền tiêu xài vì Hào Anh giờ vô công rỗi nghề, chỉ biết chơi suốt ngày sáng đêm.
"Lần nào đi chơi với bạn gái về khuya Hào Anh cũng đập hỏng xe. Có tiền nó đòi mua toàn iPhone, giận bạn gái thì đập bỏ và đã đập gần chục chiếc", người mẹ nói về con trai và cho biết giấu lại 50 triệu đồng để trong ví phòng bệnh tật cho Hào Anh nhưng đã bị cậu lấy mất.
Hiện vợ chồng bà Thoa bị con trai đuổi ra khỏi nhà. Bà tạm bỏ nghề chèo đò, 2 vợ chồng dắt díu đứa con gái đi thuê nhà trọ gần cảng cá Cà Mau với giá 700.000 đồng/tháng để lột vỏ đầu tôm.
Bà Thoa còn kể rằng hai tháng trước con trai chở bạn gái đi Bạc Liêu chơi đã bị cảnh sát giao thông phạt vì phóng nhanh vượt ẩu, không giấy phép lái xe. Vừa đóng phạt gần 4 triệu đồng, lấy xe về chạy vài ngày thì cậu đập hỏng.
Chuyên gia tâm lý nói gì?
Theo chuyên gia tâm lý Bùi Nhài, Trung tâm Tư vấn Thành Đạt (Hà Nội), việc Hào Anh có những hành vi, hành động không hay như báo chí đưa tin là do ảnh hưởng từ quá khứ, tuổi thơ quá nghiệt ngã của em. Những hành động tàn nhẫn mà vợ chồng chủ trại tôm giống đối xử với Hào Anh như dùng kìm kẹp bẻ răng, lấy thanh sắt nung gí vào người... đến bây giờ người đọc vẫn không thể quên được, thì làm sao nó có thể nguôi ngoai với Hào Anh. Quá khứ kinh hoàng khi làm thuê cho vợ chồng chủ trại tôm giống đã khiến Hào Anh không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần, tâm lý cậu bé.
|
Chuyên gia tâm lý Bùi Nhài (bìa phải). |
Môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn tới tính cách, thậm chí quyết định tính cách một con người, nhất là môi trường thưở thơ ấu. Cậu bé Hào Anh chắc chắn đã bị sang chấn tâm lý khi có một tuổi thơ bị bạo hành như thời trung cổ như vậy. Sự sang chấn tâm lý đã khiến cậu bé không có động lực trong cuộc sống, thêm vào đó lại nhận được một số tiền ủng hộ khá lớn từ các nhà hảo tâm, khiến Hào Anh sống ỷ lại, chơi bời, không chịu lao động...
Có thể xem trường hợp của Hào Anh là sản phẩm của cách chúng ta giải quyết hỗ trợ người bị tổn thương, bị bạo hành trong xã hội.
Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường bạo lực thì nguy cơ có hành vi bạo lực sẽ lớn hơn những đưa trẻ khác. Rõ ràng chúng ta đã có giúp đỡ nhưng lại không tới nơi tới chốn. Những đứa trẻ bình thường nhưng tới trưởng thành mà không có công ăn việc làm, không được định hướng cũng rất dễ dính vào tệ nạn xã hội huống chi một đứa trẻ không được học hành, đã từng bị bạo lực, bị sang chấn tâm lý thì lẽ ra cần phải được cộng đồng quan tâm nhiều hơn.
Sự sang chấn, đau nhức trong tâm lý Hào Anh nếu không được chữa trị thì chắc chắn sẽ bộc lộ sự bực bội và dễ nổi nóng khi gặp những vấn đề không hài lòng trong cuộc sống, nhất là khi hào Anh đang ở tuổi 18, cái tuổi chuyển từ giai đoạn thiếu niên sang trưởng thành, người lớn.
Trong câu chuyện của Hào Anh, còn có một bài học nữa, đó là trong nhiều trường hợp làm từ thiện, tiền không giải quyết được mấu chốt vấn đề. Với những trường hợp như Hào Anh, việc cho “cần câu” quan trọng hơn cho “con cá”.
"Tất nhiên, tôi không có ý nói các nhà hảo tâm không nên ủng hộ tiền cho Hào Anh. Họ không có lỗi gì. Trách nhiệm ở đây thuộc về những cơ quan có chức năng giáo dục, hỗ trợ trẻ em, chính quyền địa phương, gia đình... Họ cần có những hình thức hỗ trợ như thế nào để giải quyết vấn đề sang chấn tâm lý, công ăn việc làm cho Hào Anh… Cần phải có quá trình hỗ trợ lâu dài, theo dõi việc hỗ trợ chứ không phải chuyển một cục tiền cho nạn nhân rồi để họ muốn làm gì thì làm", bà Bùi Nhài phân tích.
Cũng theo bà Nhài, về người mẹ của cậu bé Hào Anh, dù cũng là một người phụ nữ đáng thương khi bị chính con đẻ mắng chửi, đuổi ra khỏi nhà, song chị ta cũng là một người mẹ đáng trách.
Chị ta nhận thức vấn đề nuôi con quá kém. Khi sinh con, chị ta phải có trách nhiệm nuôi nấng che chở cho những đứa con mình. Trong khi không đủ khả năng nuôi hai con mình (Hào Anh và người anh em sinh đôi), chị đã lấy một người chồng khác và có thêm con. Chị cho Hào Anh đi làm thuê khi cháu chưa đến 15 tuổi là vi phạm Luật Lao động. Điều đáng nói hơn, mẹ Hào Anh cho cậu bé đi làm thuê, ở đợ cho nhà người ta bao nhiêu năm mà cả năm không tới thăm con lấy một lần, không biết con mình bị đối xử ra sao, đánh đập thế nào, đến khi người dân, báo chí phanh phui sự việc, người mẹ mới biết thì chị ta thật đáng trách.
Đến khi Hào Anh được về nhà, người mẹ này nói rằng vì thương con nên rất cưng chiều con, thường cho Hào Anh tiền để đi chơi, mua cho cậu bé 3-4 chiếc xe máy... Những việc làm này theo lời người mẹ Hào Anh là vì thương con có tuổi thơ nghiệt ngã, bị đánh đập, bạo hành nên ra sức chiều chuộng con, nhưng sự thương con này vô tình lại gây hại thêm cho cậu bé, khiến cậu sống càng ỷ lại, lười lao động và ích kỷ.