Bất chấp những hành động thiếu thiện chí của phía Trung Quốc, Việt Nam đang nỗ lực và có những hành động thiện chí để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không hợp tác, không rút giàn khoan. Điều này là hoàn toàn trái với những tuyên bố sẵn sàng đàm phán mà phía Trung Quốc rêu rao.
Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam và giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay bằng các biện pháp hòa bình.
Phần tiếp theo của cuộc họp báo, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã trình bày những bằng chứng về việc Việt Nam có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và việc Việt Nam từ lâu đã có hoạt động khảo sát và khai thác dầu khí tại khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế.
17h42, ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - trình bày tình hình trên thực địa Trung Quốc hạ đặt giàn khoan. Điểm lại ngày 27/5, giàn khoan di chuyển từ vị trí Tây Nam Tri Tôn 27 hải lý đến vị trí Đông Nam Tri Tôn 25 hải lý, ông Thu cho biết, giàn khoan đến nay đã ổn định tại vị trí mới và bắt đầu tác nghiệp.
Ngày 15/6 vừa qua, Trung Quốc sử dụng 115 lượt tàu để bảo vệ giàn khoan, trong đó có 6 tàu chiến (2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu tên lửa tấn công nhanh, 2 tàu quét mìn, 34 tàu hải cảnh, 2 tàu hải giám, 14 tàu vận tải, 33 tàu cá...). Cũng ngày này, có 2 lần máy bay quân sự của Trung Quốc bay nhiều vòng trên các tàu Việt Nam trên độ cao 300-500m.
Phương thức hoạt động của các tàu bảo vệ Trung Quốc từ đầu tháng 6 đến nay cơ bản không thay đổi. Trung Quốc dùng nhóm 15 tàu áp sát bao vây phía 2 mạn, đầu, đuôi mỗi tàu chấp pháp của Việt Nam để tàu Việt Nam không thể tiếp cận giàn khoan. Trung Quốc còn dùng súng phun nước, dùng sóng âm tần số cao để gây nhiễu loạn, ảnh hưởng đến tàu Việt Nam, sức khỏe và tâm lý lực lượng trên tàu.
Nói về những vụ việc cụ thể trên thực địa, ông Thu nói, ngày 13/6, Trung Quốc tổ chức họp báo về vụ giàn khoan, nêu những thông tin sai lệch về sự việc, nói các tàu Việt Nam đã đâm húc 1.547 lần các tàu Trung Quốc làm các tàu này hư hỏng nhiều phần mũi tàu. Bác bỏ thông tin này, ông Thu khẳng định, thực tế chỉ có tàu Trung Quốc chủ động đâm va, phun nước làm 36 lượt tàu của Việt Nam bị hư hỏng.
Đặc biệt nhấn mạnh vụ đâm chìm tàu cá Đà Nẵng, ông Thu cho biết, tính đến thời điểm này đã có 15 kiểm ngư viên và 2 ngư dân Việt Nam bị thương. Cảnh sát biển Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về việc này. Những vật nổi trên biển mà Trung Quốc thu nhặt được là các mảnh ván của tàu Việt Nam bị đâm va vỡ văng xuống biển, không có chuyện Việt Nam thả lưới, vật cản trở cũng như cho người nhái hoạt động trên biển.
Trong hơn 40 ngày qua, ông Thu cho rằng, không thể nói ngày nào cũng có 4-6 chiếc tàu chiến của Trung Quốc "ngẫu nhiên" đi qua khu vực này. Trong khi đó, Việt Nam cho đến nay vẫn nhất quán không sử dụng vũ lực, không đe dọa sử dụng vũ lực trên biển.
17h54, Cục phó Cục Kiểm ngư Việt Nam, ông Hà Lê, thông tin thêm, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam có mặt trên thực địa, cùng Cảnh sát biển yêu cầu Trung Quốc hút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam. Suốt thời gian qua, Trung Quốc duy trì trung bình 120 tàu bảo vệ trên khu vực mỗi ngày, chủ động tấn công, đâm va tàu Kiểm ngư Việt Nam.
Trung Quốc cũng dùng các phương thức để tạo cớ như chặn đuôi, cắt mặt tàu Việt Nam để tạo tư liệu giả vu cáo Việt Nam đâm va tàu Trung Quốc. Kiểm ngư Việt Nam có đầy đủ bằng chứng để khẳng định Việt Nam chưa hề có hành động chủ động đâm va, gây hấn nào trên biển.
Ngày 16/5, Trung Quốc có lệnh cấm đánh bắt cá nhưng thực tế có cả trăm tàu cá vỏ thép của Trung Quốc có mặt trên vùng biển trong ngày này, với mục đích không phải để khai thác hải sản mà để phá hoại hoạt động của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống, như cắt lưới của ngư dân, đâm va gây hư hỏng tàu, làm bị thương hàng chục ngư dân, trong đó có 3 ngư dân bị thương nặng.
Phản đối thông tin Trung Quốc đưa ra rằng chiều 23/5 tàu cá Việt Nam đâm tàu cá Trung Quốc, tàu Trung Quốc định vào cứu nhưng có 30 tàu cá Việt Nam ngăn cản, không thể cứu hộ được; ông Hà Lê khẳng định trên khu vực chỉ luôn có chuyện tàu Việt Nam bị tấn công, bị đâm đến lật úp, chìm. Ngoài ra, tàu Trung Quốc còn ngăn cản hoạt động cứu hộ của Việt Nam với 10 ngư dân trên con tàu bị đâm chìm.
18h 05, họp báo chuyển sang phần hỏi đáp.
- PV đã được xem những hình ảnh Trung Quốc cung cấp về việc tàu Việt Nam đâm va tàu Trung Quốc và đề nghị đại diện Cảnh sát biển Việt Nam bình luận về những hình ảnh này? Phóng viên Nhật cũng đề cập việc Trung Quốc thông tin Việt Nam cử lực lượng đặc công người nhái đến hoạt động trong khu vực biển.
Ông Ngô Ngọc Thu trả lời: "Chúng tôi chưa xem clip do Trung Quốc đưa ra trong buổi họp báo ngày 13/6 vừa qua. Thông tin Trung Quốc nói tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc 1.547 lần là hoàn toàn sai sự thật. Thực tế, tại khu vực, chỉ có hoạt động đâm va, phun nước để chế áp của tàu Trung Quốc với tàu Việt Nam. Hình ảnh Trung Quốc đưa ra là tàu Trung Quốc bị đâm chùn mũi, rõ ràng chỉ có thể dùng mũi tàu nọ đâm vào mạn tàu kia chứ không thể có chuyện bị tấn công vào đúng mũi tàu.
Ông Thu cũng bác bỏ thông tin Việt Nam sử dụng người nhái trên hiện trường khu vực giàn khoan. Về các vật trôi nổi và lưới mà Trung Quốc vớt được, chụp ảnh đưa về, ông Thu lý giải là do tàu Trung Quốc chủ động cắt lưới tàu ngư dân Việt Nam, ngư dân Việt cũng nhiều lần bị truy đuổi buộc phải bỏ lưới để chạy tránh. Ngoài ra, còn có những vật dụng như thùng sơn, thùng dầu sơn dùng làm vật huấn luyện của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, bị vòi rồng phun văng xuống biển, Trung Quốc vớt và lại coi đó là bằng chứng chống lại Việt Nam.
- Trung Quốc bác bỏ thông tin đã xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974, thực ra đó chỉ là hành động tự vệ của nước này?
Ông Trần Duy Hải trả lời: "Các phát biểu của Trung Quốc là xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử. Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam đã bàn giao quyền quản lý 2 quần đảo cho chính quyền Việt Nam cộng hòa. Năm 1974 Trung Quốc đã lợi dụng tình hình chiến tranh đã tấn công lực lượng đồn trú của Việt Nam cộng hòa trên 2 quần đảo. Ngay các trang web của Trung Quốc cũng đưa những hình ảnh, thông tin về cuộc xâm chiếm này".
- Những bằng chứng thu được từ những văn bản từ thế kỷ 17 sẽ giúp Việt Nam thế nào trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền?
- Ông Trần Duy Hải trả lời: "Các châu bản của nhà Nguyễn đã thể hiện việc nhà nước phong kiến cử các đội ra quản lý Hoàng Sa. Đây là hoạt động quản lý của nhà nước nên có giá trị về mặt pháp lý".
- Cục Kiểm ngư bình luận về thông tin Trung Quốc nêu lực lượng Việt Nam đã cản trở hoạt động bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc?
Ông Hà Lê trả lời: "Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của Việt Nam nên ngư dân Việt Nam hoạt động ở khu vực này là hoàn toàn bình thường. Không biết Trung Quốc nói tàu cá Việt Nam quấy nhiễu hoạt động của lực lượng chấp pháp nước này thế nào vì tàu cá Việt Nam thực tế là tàu gỗ rất nhỏ, trong khi các tàu của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều, trang bị đầy đủ. Vậy nên nói như phía Trung Quốc, ông Lê cho là vô lý".