TP Hạ Long “phớt” chỉ đạo Phó Chủ tịch tỉnh, phá nát nhà dân?

Google News

(Kiến Thức) - Thành phố Hạ Long vẫn cho cưỡng chế, phá nát nhà ông Hỵ dù Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh có ý kiến yêu cầu chưa thực hiện cưỡng chế.

Lên UBND tỉnh kêu cứu, lực lượng cưỡng chế đã phá nhà
Phản ánh đến Kiến Thức, ông Nguyễn Văn Hỵ (thường trú tại tổ 8, khu 10, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết, lực lượng cưỡng chế UBND TP Hạ Long đã cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông để tạo quỹ đất sạch thực hiện chi tiết KCN Cái Lân (Phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) được UBND TP Hạ Long tiến hành chưa đúng theo quy định của pháp luật.
Theo phản ánh của ông Hỵ, năm 1992, gia đình ông nhận chuyển nhượng từ ông Trần Ngọc Ánh và bà Nguyễn Thị Tấn 1 khu đất và 1 ao cá tại tổ 1 (khu 10A, Bãi Cháy, TP Hạ Long) để thả cá trồng cây và làm nhà ở (có giấy xác nhận của tổ dân phố và khu trưởng). Sau đó, gia đình ông Hỵ đã khai phá thêm khu đất liền kề để trồng cây, toàn bộ khu đất này thuộc thửa 5, tờ số 29, bản đồ địa chính phường Bãi Cháy đo đạc năm 1998. Từ năm 2001 đến 2004, nhà máy dầu thực vật bồi thường cho gia đình ông Hỵ để sử dụng khoảng 2000 m2 đất. Số diện tích còn lại gia đình ông Hỵ tiếp tục quản lý sử dụng ổn định, không có tranh chấp.
Căn nhà ông Hỵ trước khi bị cưỡng chế.
“Đến năm 2012, UBND TP Hạ Long có thông báo số 152/TB-UBND về việc thu hồi đất để GPMB tạo quỹ đất sạch thực hiện quy hoạch chi tiết KCN Cái Lân. Tại biên bản xác định ranh giới mốc giới, diện tích đất giải phóng mặt bằng ngày 18/11/2012 của hội đồng Bồi thường hỗ trợ (BTHT) và Tái định cư (TĐC) TP Hạ Long xác định, gia đình tôi bị thu hồi 2 thửa đất tại tổ 8, khu 10 gồm thửa số 2 với diện tích 853m2 và thửa số 3 có diện tích 336,3m2. Đến ngày 27/5/2013,UBND TP Hạ Long ban hành quyết định 1151/QĐ-UBND thu hồi gia đình tôi thửa 2 có diện tích 853,2 m2 và thửa 3 với diện tích 336,3m2, tổng diện tích là 1.189,5m2. Diện tích còn lại là 380m2.
"Tuy nhiên, trong các lần phê duyệt phương án bồi thường cho gia đình tôi lại có những thay đổi, sai khác, không đúng với thực tế nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất mà gia đình tôi đã kê khai và được hội đồng BTHT và TĐC TP Hạ Long xác minh, kiểm đếm tại các biên bản mà gia đình đã ký nhận. 
Ví như trong các quyết định mà UBND TP Hạ Long đã ban hành về phương án BTHT cho gia đình tôi như Quyết định số 1158/QĐ –UBND ngày 27/5/2013, Quyết định số 1781/QĐ-UBND ra ngày 26/3/2013 thu hồi và hủy bỏ giá trị BTHT của hộ gia đình tôi có số tiền là 6.191.000 đồng. Thế nhưng, đến quyết định 1782/QĐ-UBND ngày 26/3/2013 lại phê duyệt phương án BTHT phần cây cối hoa màu cho gia đình tôi số tiền 6.191.000 đồng. 
Tuy nhiên, theo quyết định này thì toàn bộ diện tích 1.189,5m2 đất của gia đình đang sử dụng đã chuyển thành đất chuyên dùng do UBND phường Bãi Cháy quản lý nên không thực hiện bồi thường. Việc không bồi thường cho gia đình tôi là chưa đảm bảo sự công bằng, chưa đúng quy định của pháp luật. Bởi diện tích đất trên, gia đình tôi đã sử dụng ổn định thửa đất này trước khi cả luật đất đai năm 1993 ra đời”, ông Hỵ bày tỏ.
 Lực lượng cưỡng chế thực hiện cưỡng chế gia đình ông Hỵ khi vợ chồng ông Hỵ không có mặt tại nơi cưỡng chế.
Cũng theo ông Hỵ phản ánh, ngay trong cùng một văn bản như quyết định 2361/QĐ-UBND ngày 11/8/2014 của UBND TP Hạ Long cũng có nhiều điểm không đồng nhất. 
Cụ thể, trang 3 của quyết định này khẳng định về nguồn gốc cũng như quá trình sử dụng đất của gia đình ông với nội dung:“Diện tích đang GPMB là phần đất còn lại tại thửa đất nhận chuyển nhượng của ông Trần Ngọc Ánh. Đồng thời gia đình khai phá thêm sau khi chuyển nhượng, trên đất này có quán bán hàng của gia đình dựng từ năm 1996, tháng 4/2004 xây dựng lại quán trên, khi xây dựng không bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý vi phạm”. Nhưng đến trang 5 lại có nội dung “Gia đình ông bà Nguyễn Văn Hỵ - Trần Thị Nga không cung cấp được các giấy tờ liên quan đến quá trình thanh kiểm tra, xác minh nguồn gốc đất năm 2002…”.
Ông Hỵ bức xúc phản ánh: “Trong ngày 16/10, UBND TP Hạ Long tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của gia đình tôi trong khi gia đình tôi còn đang đi kêu oan tại UBND tỉnh Quảng Ninh, lực lượng cưỡng chế đã phá khóa nhà, thu hồi toàn bộ tài sản, phá dỡ toàn bộ nhà ở của gia đình, sau đó quây tôn toàn bộ khu đất mà không kiểm đếm tài sản trên đất. Hơn nữa, gia đình tôi sinh sống trên đất này được 22 năm không có cơ quan chức năng nào lập biên bản về việc vi phạm, nhưng năm 2014, UBND TP Hạ Long ra quyết định cưỡng chế “thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra” là việc làm áp đặt, trái quy định của pháp luật. Ngoài ra sau quyết định thu hồi số 1151 với tổng diện tích thu hồi là 1,189,5m2 gia đình tôi vẫn còn 380m2 có cả nhà cửa, vật kiến trúc, tài sản những tất cả cũng bị thu hồi hết, gia đình tôi phải ra đường”.
PCT tỉnh chỉ đạo ngừng cưỡng chế nhưng cấp dưới vẫn cưỡng chế?
Để làm rõ nội dung đơn phản ánh của gia đình ông Nguyễn Văn Hỵ, PV Kiến Thức đã có buổi làm việc với ông Hà Hữu Trọng, Phó chủ tịch UBND phường Bãi Cháy (TP Hạ Long).
Nói về nguồn gốc đất của hộ ông Nguyễn Văn Hỵ, ông Hà Hữu Trọng cho biết, phần diện tích đất của gia đình ông Hỵ có một phần chuyển nhượng từ một phần đất của ông Trần Ngọc Ánh và khai phá thêm để sử dụng trồng cây lâu năm từ năm 1992 và đã được bồi thường từ dự án kho bãi container của đại lý hàng hải Quảng Ninh – Vosa năm 2003. Phần diện tích nằm trong ranh giới GPMT dự án tạo quỹ đất sạch thực hiện quy hoạch KCN Cái Lân là đất do UBND phường Bãi Cháy quản lý, ông Hỵ, bà Nga đã tự ý trồng cây lâu năm.
 Ông Nguyễn Văn Hỵ bên đống đổ nát từng là nhà ở sau khi cưỡng chế.
“Đất không phải mang tên nhà ông Nguyễn Văn Hỵ, không kê khai, không đăng ký sử dụng đất, không đóng thuế. Năm 1997 các hộ dân kê khai đăng ký nhưng hộ ông Hỵ không kê khai. Hơn nữa lại không có hồ sơ chứng minh, giấy viết tay mua bán lại không ghi vị trí, không thể hiện trên bản đồ. Bây giờ phần đất này mới vào dự án nên mới cưỡng chế”, ông Trọng cho biết.
Nói về việc lực lượng cưỡng chế tiến hành cưỡng chế đất nhà ông Hỵ khi gia đình ông Hỵ không có nhà, ông Hà Hữu Trọng cho biết, trước khi cưỡng chế, ban cưỡng chế đã tiến hành giải thích cho người dân, thực hiện đầy đủ các bước theo luật định. Trước khi cưỡng chế, có mời ông bà Hỵ thống kê tài sản nhưng gia đình ông Hỵ, bà Nga không đồng ý nên khi cưỡng chế không thống kê tài sản trên đất nữa.
 Thông báo của Trụ sở tiếp công dân tỉnh Quảng Ninh nêu rõ ý kiến của Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đỗ Thông, giao UBND TP Hạ Long chưa thực hiện việc cưỡng chế nhà ông Hỵ.
Điều đáng nói là trước đó, ngày 15/10, Trụ sở tiếp công dân tỉnh Quảng Ninh có văn bản thông báo số 05/TD nêu rõ ý kiến của Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đỗ Thông, giao UBND TP Hạ Long chưa thực hiện việc cưỡng chế để tiến hành kiểm tra rà soát lại vụ việc, tổ chức đối thoại với dân nhưng sáng 16/10 đoàn cưỡng chế vẫn thực hiện cưỡng chế với gia đình ông Hỵ, PV Kiến Thức sẽ làm việc với trưởng ban cưỡng chế và tiếp tục cập nhật nội dung đến bạn đọc.
Cưỡng chế không đền bù là không đúng quy định của pháp luật
Về việc phản ánh, khiếu nại của gia đình ông Nguyễn Văn Hỵ xung quanh vấn đề giải phóng mặt bằng và tái định cư trên, Luật sư Nguyễn Công Tá, Giám đốc Công ty luật TNHH Khôi Việt nhận định, việc UBND TP Hạ Long thu hồi diện tích 1.189,5 m2 của gia đình ông Hỵ để GPMB tạo quỹ đất sạch không đền bù là không đúng quy định của pháp luật.
Việc gia đình ông Hỵ mua nhà, vườn, ao của ông Trần Ngọc Ánh năm 1992 có xác nhận của tổ dân phố và khu trưởng khu 10A và khai phá thêm khu đất liền kề để trồng cây, phục hóa đất đồi rừng là phù hợp với quyết định 327/Ct ngày 15/9/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Hơn nữa gia đình ông Hỵ nhận chuyển nhượng nhà và đất năm 1992, trước ngày 15/10/1993 Luật đất đai được ban hành có hiệu lực, trong quá trình sử dụng không có tranh chấp, phù hợp với khoản 5,6, điều 8 quy định: “Điều kiện bồi thường đất tại Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ quy định hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp…Hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1,2,3 điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước 15/10/1993, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không tranh chấp…
Hơn nữa, trong Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư. Điều 14, nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ nêu rõ “…Nhà nước thu hồi đất của người đang sử dụng có đủ điều kiện quy định tại các khoản 1,2,3,4,5,7,9,10 và 11 điều 8 nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của CP về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và các điều 44,45,46 nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai (Nghị định số 84/2007/CP-NĐ) thì được bồi thường, trường hợp không đủ điều kiện được bồi thường thì UBND cấp tỉnh xem xét hỗ trợ.
Hải Ninh

Bình luận(1)

Minh Hiền

DAT

Lộng quyền lại lộng quyền quá nguy hiểm.