Hoàn toàn không có chuyện cán bộ về hưu chây ỳ
Thông tư 01/2014 của Bộ Xây dựng quy định về việc thu hồi nhà công vụ với các quan chức về hưu được thực hiện từ ngày 6/3/2014, nhưng đến nay, khu nhà công vụ Hoàng Cầu (ngõ 61, Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội), vẫn còn rất nhiều cán bộ, quan chức về hưu lâu năm sở hữu. Thực hư vụ việc thế nào, phóng viên Kiến Thức đã tìm gặp phía ban quản lý, tổ trưởng tổ dân phố nhà công vụ Hoàng Cầu để tìm hiểu và ghi nhận về vụ việc.
|
Toàn cảnh khu nhà công vụ Hoàng Cầu, ngõ 61 Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội. |
Hiện, khu nhà công vụ Hoàng Cầu được chia thành 4 khu, mỗi khu có 20 hộ, đi vào hoạt động từ năm 2000. Những người có tiêu chuẩn nhận căn hộ ở đây đều là các cán bộ cao cấp từ Thứ trưởng trở lên. Hiện, có không ít bộ trưởng đang đương chức hoặc đã về hưu có căn hộ trong khu nhà này.
Trao đổi với Kiến Thức, bà Nguyễn Thị Phi Yến, ở căn phòng 407 nhà A1, làm Tổ trưởng tổ dân phố kiêm Bí thư Chi bộ nhà công vụ Hoàng Cầu khẳng định ngay: “Hoàn toàn không có chuyện các cán bộ, quan chức ở đây chây ỳ, không chịu trả lại nhà hay làm trái quy định về việc thu hồi của Bộ Xây dựng”. Bà Yến còn kể lại nhiều câu chuyện từ ngày bà và các cán bộ đến nhận nhà, từ đây PV ghi nhận rất nhiều sự thật bất ngờ.
Thời điểm năm 2000, khu nhà Hoàng Cầu thuộc quản lý của Văn phòng Chính phủ, khi các cán bộ nhận nhà, họ chỉ nhận được “xác nhà” không, bên trong không hề có nội thất, tiện nghi... khác hẳn với nhà công vụ ở hiện tại, người chỉ việc “xách vali đến và ở”. Theo lời kể của bà Yến, việc giao nhà cho các cán bộ, quan chức trong thời điểm những năm 1999 - 2000 tại khu nhà Hoàng Cầu đều là nhà ở không có thời hạn kèm theo điều khoản “về hưu vẫn có thể thuê nhà”. Nhưng đáng nói hơn là, các căn hộ khi đó, muốn ở được thì chẳng thể nào không sửa chữa bên trong. Căn hộ khép kín nhưng không có quạt thông gió, tường, sàn nhà đều có chất lượng kém... Các cán bộ nhận nhà xong thường xin phép ban quản lý và phải tự bỏ tiền túi ra để sửa chữa bên trong và mua sắm đồ nội thất, bởi bộ phận quản lý chỉ nhận sửa chữa những hỏng hóc bên ngoài căn hộ.
Do đã tốn một khoản lớn trong việc đầu tư tu sửa, nâng cấp các căn hộ để có thể ở được, nên nay trước khi trả lại nhà công vụ, các cán bộ về hưu hoặc chuyển công tác đã gửi ý kiến, yêu cầu ban quản lý hoàn trả lại khoản tiền đầu tư này để đảm bảo quyền lợi cho họ. Nhưng cho đến nay, ban quản lý khu nhà vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn trao trả số tiền các hộ đầu tư sửa nhà này. Bên cạnh đó, do chế độ “được ở lâu dài”, không thời hạn nên không ít cán bộ, quan chức đã bán hết đất, nhà ở quê và đưa toàn bộ gia đình lên Hà Nội định cư. Vậy nếu bây giờ buộc phải trả lại nhà, các cán bộ, quan chức về hưu cùng với gia đình họ sẽ biết sống ở đâu?
Có trả cũng không biết trả cho ai, trả thế nào?
Bà Phi Yến và một số cán bộ về hưu ở khu nhà Hoàng Cầu đều tỏ ra bức xúc khi “đùng một cái, Bộ Xây dựng áp mạnh quy định mới trong thông tư 01/2014, đòi thu hồi nhà công vụ, nếu không, sẽ sử dụng đến biện phạm cưỡng chế... họ nói vậy mà đâu biết rằng việc giao nhận và ở nhà công vụ ngày nay đã khác xa với thời mà chúng tôi mới đến khu nhà này (năm 1999, 2000 - PV) với vô vàn vấn đề”.
|
Chủ nhiều căn hộ ở khu nhà công vụ Hoàng Cầu đã phải đầu tư một khoản lớn để tu sửa, nâng cấp các căn hộ thời điểm mới nhận nhà (năm 20000). |
Bà Yến cho biết thêm: “Từ ngày thông tư 01 được đưa ra đến nay, chúng tôi, các cán bộ về hưu ở đây chưa hề nhận được bất kì một giấy tờ nào, quyết định nào về việc thu hồi nhà. Chúng tôi không biết họ sẽ thu hồi nhà thế nào, thu hồi từng căn hay tất cả cùng lúc và chúng tôi có trả nhà thì biết trả cho ai? Nhiều người chỉ nhìn bề nổi, không biết bản chất của vấn đề, nói chúng tôi chây ỳ không chịu trả nhà khiến nhiều cán bộ ở đây cảm thấy bị xúc phạm. Chúng tôi làm công tác bao nhiêu năm, nhiều người bán nhà đất ở quê lên đây vì muốn ‘an cư lạc nghiệp’, nhưng đến giờ mới chỉ ‘lạc nghiệp’ chứ chưa thể ‘an cư’...”.
Một cán bộ về hưu ở khu nhà cho biết đã viết đơn đề nghị được cấp đất, nhà trên đất để ở sau khi trả lại nhà công vụ từ tháng 11/2012. Trong đơn, các cán bộ kiến nghị với Văn phòng Chính phủ sắp xếp, giới thiệu cho họ một nơi hợp lý, có giá thành theo chính sách để làm nơi ở lâu dài, ổn định, an dưỡng tuổi già sau khi họ trả lại nhà công vụ... Nhưng từ khi đơn gửi đi đến nay vẫn chưa nhận được hồi đáp.
|
Đơn xin cấp nhà, đất sau khi trả lại nhà công vụ trình Thủ tướng Chính phủ và Ban quản lý khu nhà công vụ của các cán bộ có căn hộ gửi đi từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa được hồi đáp. |
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Quân, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cán bộ đang sử dụng nhà ở công vụ, khi phải trả lại nhà, nếu chưa có nơi ở mới, họ vẫn được hỗ trợ về nhà ở. Điều 61, luật Nhà ở 2005 có nêu rõ: “Trường hợp trả lại nhà ở công vụ mà người thuê nhà ở công vụ có khó khăn về nhà ở thì cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi người đó sinh sống căn cứ vào tình hình cụ thể để giải quyết cho họ được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội. Chính phủ quy định cụ thể về đối tượng, đầu tư xây dựng, quản lý và cho thuê nhà ở công vụ”.
Hiện tại, các cán bộ ở khu nhà Hoàng Cầu đang ở trong cảnh muốn trả nhà nhưng cũng không biết trả cho ai khi phía ban quản lý vẫn chưa có giấy quyết định hoặc có trả nhà xong cũng chưa biết sẽ sống ở đâu. Đáng nói hơn, theo lời kể của bà Phi Yến, thời điểm cuối năm 2013, khu nhà công vụ Hoàng Cầu được Văn phòng Chính phủ bàn giao lại cho Bộ Xây dựng quản lý, ngay sau đó Bộ Xây dựng đã chỉ đạo lấy lại những căn hộ của những ai không thuộc diện sử dụng nhà công vụ ở đây. Tuy nhiên từ thời điểm đó đến nay (hơn 3 tháng) vẫn chưa thấy người của Bộ xuống khu nhà để liên hệ công việc, hướng dẫn các hộ phải bàn giao lại nhà và giải quyết các vấn đề một cách thỏa đáng. Có thể thấy sự lúng túng, lỏng lẻo của bộ phận quản lý cho đến nay đã kéo cả những hộ dân ở khu nhà vào tình thế khó xử.