Việc "bôi trơn" trong các dự án ODA đã trở thành một đề tài nóng trong nhiều ngày nay, sau sự việc quan chức đường sắt Việt Nam dính nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng của một doanh nghiệp Nhật liên quan tới một dự án ODA về đường sắt tại Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với TSKH Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng.
Bắt tay nhau thì khó mà lộ
- Bà nghĩ sao khi dư luận đặt câu hỏi: Có hay không tham nhũng trong các dự án ODA?
- Nếu thông tin của tờ nhật báo trên là đúng thì nó chỉ chứng tỏ thêm rằng, nạn tham nhũng hối lộ rất phổ biến trong các dự án ODA hoặc các dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Các dự án này người ta dễ để tham nhũng hơn là bởi các khoản đầu tư rất lớn, nhiều những hạng mục công trình có thể biến báo đi.
- Nhớ lại câu chuyện đưa hối lộ trong dự án đại lộ Đông Tây ở TPHCM mấy năm trước đây, cũng phải đến khi phía đối tác là nhà thầu Nhật Bản lên tiếng thì chúng ta mới thực hiện các điều tra. Bà có cho rằng, quản lý các dự án này của ta đang hổng?
- Chính Bộ trưởng Bộ GTVT cũng nói rằng có sự bắt tay giữa nhà đầu tư và nhà thầu. Một khi đã có sự bắt tay ấy thì người ngoài làm sao biết được. Nó khó mà bị bại lộ, trừ khi có những đợt thanh tra kiểm tra. Nhưng có phải dự án nào cũng thanh kiểm tra đâu. Khi chưa có những dấu hiệu sai phạm thì không ai thanh tra cả.
- Vì sao trong vụ việc này, phía JTC lại tố cáo, phải chăng không thể giấu được nữa?
- Khi các cơ quan chức năng thấy có nghi vấn họ sẽ truy vấn nhà tư vấn Nhật Bản, khi đó họ sẽ buộc phải khai ra hối lộ bao nhiêu tiền để nhận được hợp đồng tư vấn hoặc trúng thầu. Còn phía Nhật Bản phát hiện ra vì họ kiểm tra, họ có công cụ kiểm soát tốt hơn mình.
- Theo bà thì có dễ để tìm ra bằng chứng của việc đưa hối lộ này? Vì được biết hồi ở dự án Đại lộ Đông - Tây, quá trình thu thập bằng chứng, xác minh, vô cùng phức tạp?
- Phía nước ngoài thì tôi nghĩ những bằng chứng này là rất dễ, chỉ khó ở Việt Nam thôi. Người ta có các hạch toán rành mạch, thu chi rõ ràng, làm công tâm... thì nó dễ lắm. Vụ này ta cũng phải làm quyết liệt thế.
|
TSKH Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng nói về “bôi trơn” trong dự án ODA. |
Làm một vụ, ăn cả đời
- Vì sao chúng ta đã xử rất quyết liệt vụ đại lộ Đông – Tây mà vẫn có những vụ việc tương tự như thế, phải chăng tính răn đe của pháp luật chưa nghiêm?
- Người ta quên đi cái sợ vì đó là những khoản tiền quá lớn. Bao giờ kẻ phạm tội cũng nghĩ rằng mình sẽ không bị phát hiện. Hơn nữa, khi phát hiện cũng họa hoằn lắm mới có một người bị xử. Còn nếu trót lọt thì con mình cháu mình, họ hàng mình sẽ sung sướng. Tham nhũng một vụ mà ăn cả đời thì họ nhắm mắt thôi, bất chấp nguy hiểm, “được ăn cả, ngã về không”. Rồi chẳng may bị phát hiện khi đã về hưu rồi chẳng hạn thì “hòa cả làng”.
- Bà có đặt câu hỏi, những vụ việc hối lộ như vậy trong các dự án tương tự cũng không ít?
- Chắc chắn những người nhận hối lộ này biết rằng có rất, rất nhiều trường hợp đã trót lọt, chỉ có một số rất nhỏ trường hợp bị phát hiện. Họ nghĩ mình nằm trong cái số lớn trót lọt ấy nên họ mới dám làm như thế chứ. Các dự án ODA tiêu biết bao nhiêu tỷ đô la, thì cũng biết bao nhiêu đồng tiền trong số đó phục vụ cho việc hối lộ. Cái xác xuất bị phát hiện rất thấp nên họ yên tâm cầm những đồng tiền hối lộ đó.
- Việc quản lý vốn ODA từ trước đến nay vẫn là vấn đề lùm xùm, cái được và mất ở đây là gì?
- Để nhận được các hợp đồng như tư vấn, giám sát... thì kiểu gì nhà đầu tư cũng phải “bôi trơn”. Tình trạng đó khá phổ biến, ở hầu khắp các dự án hiện nay. Chỉ có điều ta phát hiện ra đến đâu mà thôi. Tham nhũng để có được dự án, trúng thầu... đang có chiều hướng tăng lên. Chính sách, cơ chế không thể kín hết được, bao giờ cũng có những kẽ hở. Trong khi đó, việc điều tra giám sát kém.
Dại gì mà nhận
- Có khi nào những tố cáo phía JTC là không có căn cứ không, thưa bà?
- Tôi nghĩ một vấn đề có tầm ảnh hưởng quốc gia như vậy, khi đã đưa ra công luận thì nếu không có căn cứ họ không đưa ra đâu. Đây không phải là chuyện nội bộ của nước Nhật, nó liên quan đến một đối tác là quốc gia khác, đến thanh danh quốc gia đó cơ mà, người ta không làm hồ đồ đâu.
- Liệu họ đã có đủ bằng chứng?
- Tôi nghĩ là họ đã có.
- Nhưng trong cuộc họp bất thường của Bộ GTVT chiều 23/3, tất cả các lãnh đạo nguyên là chủ tịch hội đồng quản trị, trưởng ban quản lý dự án đường sắt... đều khẳng định không vi phạm?
- Chả lẽ họ lại bảo tôi có nhận à? Phải chối tội chứ! Cứ phải nói là không có để lỡ mà không tìm ra bằng chứng hối lộ thì mình thoát tội chứ. Tất cả các vụ án, có mấy đương sự nhận ngay mình phạm tội đâu?
- Nhưng nếu nhận sớm thì pháp luật sẽ khoan hồng?
- Nếu có tư chất như thế thì người ta đã không nhận hối lộ rồi. Vấn đề nó có logic của nó. Đã trót làm rồi thì cứ bảo là không thôi, mất gì mà mình bảo có, xưa nay là thế mà. Họ sẽ nói rằng “tôi không sai phạm, nếu có vấn đề gì thì tôi xin chịu trách nhiệm”, còn nếu không phát hiện thì thôi, bỏ qua, thoát.
- Trong việc này, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GTVT đến đâu thưa bà?
- Đó là làm rõ vụ việc, làm rõ các cá nhân liên quan và xử lý nghiêm minh. Bộ trưởng nói trong 1 tuần phải làm xong thể hiện một thái độ làm việc nghiêm túc. Phải căn cứ vào các điều luật để làm.
- Tới đây tất cả các dự án có nhà thầu JTC tham gia sẽ được thanh tra, bà có dự đoán được kết quả?
- Tôi nghĩ nếu thanh tra nghiêm túc sẽ tìm ra nhiều vấn đề khác nữa, bởi tình trạng “bôi trơn” như tôi đã nói, rất phổ biến trong các dự án ODA. Nó sẽ lòi ra thêm các vụ khác thôi.
- Xin cảm ơn bà!
Tờ nhật báo lớn nhất nước Nhật Yomiuri Shimbun đã tung ra một thông tin chấn động: Chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã hối lộ cho một vài lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam khoảng 80 triệu Yên (782.640 USD) trong dự án trị giá 4,2 tỷ Yên (41 triệu USD). Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu các cá nhân có liên quan đến các dự án có sự tham gia của JTC, kể cả những người đã chuyển công tác, tạm dừng thực hiện các nhiệm vụ đang được phân công để tập trung giải trình về trách nhiệm cá nhân trong thời gian tham gia tại dự án.