|
Ảnh minh họa. |
PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam kể, ông vừa đi công tác lên Hà Giang để triển khai trồng cây thuốc. Dự án trồng dược liệu được coi là hướng đi mới để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Theo tính toán, đầu tư trong 1ha mất khoảng 350 triệu đồng/năm bao gồm thuê nhân công, mua cây giống, phân bón, chăm sóc... Dự án đầu tư 1.000ha sẽ mất khoảng 300 - 350 tỷ đồng. Theo quy định của Nhà nước, địa phương được phép chi 2% tổng thu ngân sách cho khoa học. Thế nhưng 2% của Hà Giang không đủ cho 1 dự án, chưa nói gì đến phát triển các lĩnh vực khoa học khác. Vậy là dự án vẫn chỉ là ý tưởng, chưa thể triển khai đồng bộ được.
PGS.TS Phạm Gia Điền kể, trước đây ở địa phương này, các doanh nghiệp cũng đồng loạt triển khai trồng dược liệu. Nhưng vì không có sự tham gia của các nhà khoa học, không nghiên cứu trồng cây gì là phù hợp nên đã thất bại. Nhiều doanh nghiệp trồng Đương quy, lấy giống của Nhật Bản. Nhưng thị trường lại chỉ tiêu thụ Đương quy giống của Trung Quốc, thế là các doanh nghiệp thất bại.
Vậy là một bên dù đã tìm ra hướng để phát triển, nhưng lại không thể phát triển được. Một bên có tiền, nhưng không nghiên cứu kỹ nên thất bại. Vấn đề là làm thế nào để kết hợp được “hai nhà” này, thì PGS.TS Phạm Gia Điền bảo cũng có những cái khó. Bởi doanh nghiệp họ phải tính toán và nắm chắc lợi nhuận, còn phía các nhà khoa học thì không thể, không dám khẳng định chắc chắn điều đó. Không chấp nhận rủi ro, nên cả hai bên không gặp nhau.
Ấy thế mà có những địa phương, tiền cho khoa học không biết tiêu gì, chuyển sang để làm đường, xây nhà văn hóa, nếu không tìm ra được cách tiêu thì mới đành phải trả lại. Sử dụng và quản lý ngân sách dành cho khoa học sao cho khoa học chứ đừng để có một tí tiền cũng không biết tiêu!