Công khai, minh bạch: Chìa khóa thành công

Google News

(Kiến Thức) - Đọc bài trò chuyện “Người ta còn mải xin lễ hội” với ý kiến của PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, tôi vừa buồn, lại vừa vui.

 Ảnh minh họa.
Buồn do đây là một thực tế đã trở thành phổ biến, lại kéo dài từ nhiều năm. Còn vui là bài viết là sự cảnh báo nhãn tiền về thái độ vô cảm của một bộ phận không nhỏ cán bộ đã đến lúc cần được thay đổi, bài viết được nhiều bạn đọc quan tâm, đồng cảm.
Có lần, trên một nhật báo uy tín, bạn đọc đã đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng: Xóa bỏ cơ chế xin cho, vì đây là một nguyên nhân dễ nảy sinh việc đưa và nhận hối lộ. Sau đó, ý kiến này đã được tiếp thu và đưa vào văn kiện “... phải xóa bỏ cơ chế xin cho. Nếu còn cơ chế này sẽ phát sinh tiêu cực...” (Văn kiện Đại hội X). Như vậy, có thể nhận thấy, Nghị quyết của Đảng luôn được ban hành kịp thời, nhưng việc thể chế hóa để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu mà thực tiễn đòi hỏi.
Nhân dân mong sao, cùng với việc thực thi các chính sách cụ thể, cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia). Sự công khai, minh bạch gắn liền với phát huy dân chủ thực sự sẽ là cơ chế hữu hiệu khắc phục những “điểm nghẽn” trong phương thức quản lý xã hội, hướng tới một nền công vụ thực sự của dân, do dân, vì dân. Đó cũng là giải pháp căn cơ – là gần dân để lắng nghe được những lời nói thật của dân và góp phần giải quyết những bức xúc của người dân.
Lê An Khánh (Thụy Khuê, Hà Nội)

Bình luận(0)