Sau hơn 2 năm triển khai thu phí đường bộ xe máy, đã có những dư luận trái chiều về chủ trương này. Một số tỉnh đề nghị dừng thu, trong khi nhiều địa phương khác vẫn muốn tiếp tục. Điều này phản ánh thực tế gì? Phải chăng, đó là sự thất bại của một chủ trương không hợp lòng dân?
Đúng nhưng chưa phù hợp
Hơn 3 năm trước, khi đề xuất thu phí bảo trì đường bộ với xe máy được đưa ra, ông đã không đồng tình. Đến bây giờ, nhìn lại, ông có thấy nuối tiếc điều gì không?
Từ năm 2012, đề xuất thu phí bảo trì đường bộ với xe máy được đưa ra và dự kiến sẽ thu từ ngày 1/7 năm đó. Khi ấy, tôi với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã đi khảo sát các địa phương để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân và thấy rằng rất nhiều nơi người ta không đồng thuận. Tôi cũng đã lên tiếng đề nghị lùi thời gian thực hiện, đồng thời miễn, giảm cho gia đình chính sách, người nghèo, dân tộc thiểu số. Ý kiến đó đã được tiếp thu, thời gian thực hiện được lùi lại, tính từ ngày 1/1/2013. Thế nhưng đến bây giờ nhìn lại, rõ ràng việc thu phí xe máy là không phù hợp, dù cho chủ trương rất đúng theo tinh thần của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định của Chính phủ.
Lý do để ông đề xuất chưa nên thu phí khi ấy là gì?
Lý do lớn nhất lúc đó là vì đời sống của người dân còn thấp. Với nhiều người, chiếc xe máy Tàu có khi chỉ vài ba triệu nhưng là vật mưu sinh của họ, để họ phải kiếm tiền trang trải cho cả gia đình. Số tiền 100.000 – 150.000đ có thể chẳng là gì với một bộ phận không nhỏ người đi xe máy, nhưng nó đủ sức làm tăng gánh nặng cho những người chưa có công ăn việc làm ổn định, người phải chạy chiếc xe máy cũ kỹ vì không có tiền thay xe mới... Điều đó tạo ra sự không bình đẳng trong xã hội, hơn nữa không có chế tài kiểm soát và khi ấy, nếu thu phí ngay thì chúng ta chưa có sự chuẩn bị nên rất dễ dẫn đến việc thu phí không được như mong đợi.
Đến bây giờ, qua thực tế triển khai thu phí này, ông thấy những điều mình từng lo lắng ấy còn có cơ sở không?
Nó vẫn có cơ sở. Và thực tế thì còn phát sinh nhiều chuyện như sự bất bình đẳng giữa người đã nộp và người chưa nộp vì không có chế tài để kiểm tra, giám sát và xử lý. Ngay như với việc bắt buộc phải mua bảo hiểm xe cơ giới mà người ta còn không mua thì nói gì đến chuyện nộp phí bảo trì đường bộ. Hay việc ai đi thu phí cũng chưa được tổ chức chặt chẽ. Các địa phương giao về cho Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn thu phí, vậy nhưng khi tôi đi khảo sát, nhiều người trong số họ cũng không đồng tình và muốn bỏ thu phí.
|
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói về thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. |
Người đóng, người không: Khó chấp nhận
Mới đây, một số địa phương đã đề xuất tạm dừng thu phí này như TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đà Nẵng đã quyết định bỏ thu phí. Ông bình luận gì về động thái này?
Điều đó chứng tỏ chủ trương này cần phải được xem xét lại. Bởi nó chưa nhận được sự đồng thuận trong xã hội.
Điều đó có thể coi là chủ trương này đã thất bại không, thưa ông?
Thực tế, chúng ta cũng đã thu được nguồn quỹ nhất định để bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, rõ ràng việc thu phí đã không được như mong đợi khi địa phương thu, địa phương muốn dừng, năm sau thu thấp hơn năm trước. Như với Hà Nội, năm 2014 chỉ thu được khoảng 2,5 tỷ đồng tiền phí này. Trong khi đó, dự án thay đá lát quanh Hồ Gươm là 40 tỷ đồng. Như vậy, số tiền phí thu được kia chẳng có giá trị gì!
Sao ông lại bảo phí không có giá trị gì, vì ít ra cũng đóng góp vào ngân sách một khoản nhất định đấy chứ?
Đúng là dù có một đồng thì cũng đóng góp vào cho ngân sách địa phương. Nhưng cần phải xem xét xem sự đóng góp ấy ở mức nào, đóng góp có bình đẳng, công bằng, công khai không chứ người đóng, người không thì khó chấp thuận.
Hãy bớt hội hè đi!
“Mình làm theo phong trào, hứng lên là ra lệnh; đáng ra phải xuống nghiên cứu cơ sở xem nếu làm, họ sẽ làm như thế nào, sẽ có vướng mắc gì… để kịp thời điều chỉnh. Đằng này cứ cấp trên quyết rồi ban hành và thực hiện mà chẳng cần biết cấp dưới có làm được không”.
Ông Bùi Danh Liên
Theo ông bây giờ, tình hình có đến mức buộc phải thu phí bảo trì đường bộ với xe máy không?
Tôi vẫn bảo lưu quan điểm rằng đó là chủ trương đúng, hợp với quy định của pháp luật. Nhưng bây giờ chưa phải lúc mà nên lùi lại.
Vậy đến bao giờ mới phải lúc để thu?
Thứ nhất, phải phù hợp với mặt bằng thu nhập của người dân, đảm bảo việc thu phí ấy không là gánh nặng cho một bộ phận dân chúng. Thứ hai, chỉ nên thu phí khi đã áp dụng công nghệ thông tin thì mới tạo ra sự bình đẳng, như cách mà Singapore đang làm. Nên nhớ, Singapore là nước phát triển hơn chúng ta nhiều lần song họ cũng mới thực hiện thu phí này thôi.
Thực tế là chúng ta có thể đợi kinh tế khởi sắc, thu nhập dân chúng tăng lên để áp dụng thu phí, nhưng không thể ra lệnh cho những con đường rằng chúng không được hư hỏng để khỏi tốn tiền bảo trì, sửa chữa được, thưa ông?
Không phải không thu phí bảo trì đường bộ thì chúng ta hết cách, chúng ta không có tiền. Nhà nước hãy giảm bớt các lễ hội, các sự kiện tốn kém, hạn chế mua sắm ô tô, xây dựng trụ sở, liên hoan tổng kết thường niên... Số tiền tổ chức các sự kiện này thừa sức để bảo trì đường bộ rồi!
Ông nghĩ gì về sự chia sẻ khó khăn của đất nước từ phía người dân?
Đó là việc cần làm. Nhưng nộp phí bảo trì đường bộ không phải là cách duy nhất để chia sẻ khó khăn với Nhà nước, trong khi Nhà nước vẫn có thể điều tiết được nguồn ngân sách thông qua kế hoạch chi tiêu hiệu quả!
Cá nhân ông có tin tưởng nguồn quỹ bảo trì đường bộ hoạt động hiệu quả?
Thú thực là đến giờ, ngay như Hiệp hội của chúng tôi cũng không biết được số tiền ấy được sử dụng như thế nào thì nói gì đến người dân. Và chính sự thiếu minh bạch, thiếu công khai này mà tôi thấy khó tin vào hiệu quả hoạt động của nó.
Việc Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính, trong cuộc họp mới đây, đã đưa ra hướng là đề xuất Chính phủ dừng thu phí này hẳn sẽ là một tín hiệu tích cực, thưa ông?
Dừng là phải. Tôi ủng hộ việc làm này và chắc chắn, đây sẽ là quyết định được nhân dân đồng thuận.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, hiện cả nước có khoảng 18.000km đường quốc lộ và 300.000km đường từ cấp tỉnh trở xuống. Mỗi năm, riêng với đường quốc lộ cần khoảng 20.000 tỷ đồng bảo trì. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai thu phí mới chỉ đáp ứng được 30 – 40% nhu cầu bảo trì các tuyến đường. Dù gặp nhiều khó khăn song một số địa phương vẫn thu được ở mức khoảng 20 tỷ đồng/năm như Thanh Hóa, Hà Nội, Bình Dương…