Giàn khoan Hải Dương 981 hạ thấp, 6 tàu chiến bảo vệ
Ngày 11/6, tàu cảnh sát biển VN 4032 phát hiện giàn khoan trái phép của Trung Quốc đã hạ thấp hơn so với trước, đồng thời có một số tàu hàng áp sát vào giàn khoan. Trung Quốc vẫn sử dụng khoảng 112 tàu để bảo vệ giàn khoan, trong đó có 6 tàu chiến, bao gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu tên lửa tấn công nhanh, 2 tàu quét mìn. Cùng với đó có nhiều tàu hải cảnh, hải giám, tàu ngư chính.
Ngư dân chuẩn bị đồng loạt khởi kiện Trung Quốc
Chưa bao giờ ngư dân miền Trung đánh bắt ở Hoàng Sa lại gặp sự đe dọa hung hăng của tàu cá, tàu hải giám Trung Quốc như hiện nay. Liên tiếp nhiều tàu cá Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam trở về trong thương tích. Nhiều ngư dân đã tính đến chuyện đồng loạt khởi kiện phía Trung Quốc.
|
Ngư dân Việt Nam thường xuyên bị tấn công ở Hoàng Sa (trong ảnh: tàu cá Trung Quốc đang lao tới đâm va tàu cá Đà Nẵng). Ảnh: Tiền Phong. |
Anh Lê Văn Chiến, thuyền trưởng tàu ĐNa 90351 khẳng định: “Chúng tôi có đầy đủ chứng cớ trong tay, sẽ khởi kiện đồng loạt hoặc làm nhân chứng”.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (Lý Sơn) cho biết: “Hiện nghiệp đoàn đang phối hợp với các ngành chức năng, xác minh để thu thập bằng chứng, chứng minh hành vi thô bạo, vi phạm luật biển quốc tế để khởi kiện Trung Quốc”.
Theo ông Chinh, những ngày qua, việc Trung Quốc có những hành động ngang ngược, vô nhân đạo khiến nhiều ngư dân Lý Sơn lâm vào cảnh khốn đốn, trắng tay vì mất toàn bộ tài sản, đe dọa đến tính mạng khi họ đang hành nghề hợp pháp trên vùng biển Việt Nam. Hàng chục tàu cá bị hại không đủ khả năng để mua sắm lại trang thiết bị máy móc và ngư cụ để tiếp tục vươn khơi, nhiều ngư dân bị trọng thương do chống chọi với sự tấn công của vòi rồng tàu Trung Quốc vẫn chưa thể bình phục.
“Chúng tôi đang hướng dẫn ngư dân kê khai thiệt hại cùng những bằng chứng cụ thể để được tư vấn pháp lý, tiến hành khởi kiện Trung Quốc đã sử dụng tàu bảo vệ giàn khoan vô cớ tấn công tàu cá của ngư dân, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa về tính mạng khi đang hành nghề trong vùng biển Việt Nam”.
Ông Chinh khẳng định - ông Nguyễn Thanh- Bí thư huyện ủy Lý Sơn cho biết, trước thông tin tàu cá của bà con ngư dân bị Trung Quốc tấn công, cướp tài sản tại ngư trường Hoàng Sa thời gian vừa qua dồn dập chuyển về, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời vận động ngư dân cứ yên tâm bám biển. Mặt khác, đề xuất tỉnh và chính phủ có cơ chế ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ ngư dân.
Tàu Trung Quốc đang chở vật liệu tới Trường Sa của Việt Nam
Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trái phép tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đâm chìm thuyền ngư dân gây xôn xao trong cộng đồng quốc tế. Trong khi gây sóng dữ dội tại Hoàng Sa (Việt Nam), Trung Quốc lại âm thầm đi một nước cờ nguy hiểm tại Trường Sa. Hãng tin Bloomberg mới đây đã cảnh báo cho các nước ASEAN về âm mưu thâm độc này.
|
Trung Quốc xây nhà trên biển của Việt Nam. |
Cát, xi măng, gỗ và thép là những công cụ mới nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc trong việc thay đổi hiện trạng biển Đông theo mưu đồ của Bắc Kinh. Tàu Trung Quốc đang miệt mài chở vật liệu xây dựng tới các khu vực họ chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo ngư dân mà Bloomberg tìm hiểu, Trung Quốc thường xuyên thực hiện công việc này trong thời gian gần đây để cải tạo các hòn đảo.
Bloomberg so sánh những nỗ lực của Trung Quốc là gợi nhớ của phong cách cải tạo đất của Dubai trong việc tạo ra những resort kiểu cành cọ đắt tiền trên biển. "Họ đang tạo ra hòn đảo nhân tạo mà không bao giờ tồn tại trước đây, như những gì làm ở Dubai", Eugenio Bito-onon, 58 tuổi - một người dân Philippines thường qua lại khu vực biển này cho biết.
Chỉ có điều khác là Dubai xây resort cành cọ trên biển của họ còn Trung Quốc đang ngang nhiên xây đảo nhân tạo trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. "Việc xây dựng là rất quy mô và không ngừng. Điều đó sẽ dẫn đến việc họ kiểm soát toàn bộ biển Đông", Bito-onon than thở.
Theo tờ Một Thế Giới đưa tin từ hãng thông tấn Bloomberg, từ giữa tháng 5/2014, Philippines đã phát hiện ra tàu Trung Quốc dỡ bao tải xi măng, gỗ và thép gần bãi Gạc Ma. "Họ dường như sẽ xây dựng nhà ở. Họ dùng tàu cỡ lớn chở vật liệu xây dựng và cấm không cho ngư dân nước khác lại gần", Abdulpata, một ngư dân 40 tuổi, cho biết. Còn cát thì Trung Quốc hút luôn từ biển và dường như họ có công nghệ đặc biệt nào đó để sử dụng cát biển trong xây dựng. Abdulpata khẳng định có một máy hút cát với khói đen bốc lên hoạt động suốt ngày.
Khi các công trình xây dựng hoàn thành, khi Trung Quốc đưa dân ra ở thì mọi chuyện sẽ rất nghiêm trọng. Từ vài cụm đá trơ trọi chiếm đoạt bất hợp pháp tại Trường Sa, Trung Quốc sẽ có khu dân cư rồi đòi hỏi. Giờ là lúc cần ngăn chặn hành động của Trung Quốc và cho thế giới hiểu sự thâm độc của chiến dịch xâm chiếm nước khác bằng cát và xi măng.
Liên Hợp Quốc sẵn sàng hòa giải Việt Nam và Trung Quốc
Liên quan tới vấn đề căng thẳng trên Biển Đông, phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric mới đây cho hay, nếu các bên liên quan yêu cầu, Tổng thư ký Ban sẽ đứng ra hòa giải căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo ông Dujarric, ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hy vọng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc từng bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và kêu gọi các bên kiềm chế tối đa trong hành động.
Trước những hành vi ngang ngược của Trung Quốc, Việt Nam đã ba lần gửi công hàm tới Tổng thư ký Ban Ki-moon và đại diện các nước, các tổ chức quốc tế để phản đối, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hôm 9/6, Trung Quốc cũng gửi thư kèm công hàm lên Tổng thư ký Ban Ki-moon, trong đó vu khống Việt Nam xâm phạm chủ quyền và ngăn cản hoạt động của giàn khoan 981.
Ông Lê Hoài Trung, trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, đã bác bỏ các tài liệu của Trung Quốc, khẳng định chúng không có cơ sở pháp lý quốc tế.