Dư luận vẫn đang tranh luận xôn xao về việc điện thoại Oppo có xuất xứ từ Trung Quốc được quảng cáo ngay trong chương trình Táo quân 2015. Nhiều khán giả cho rằng, dù các diễn viên của chương trình Táo quân 2015 đã khéo léo quảng cáo điện thoại Oppo nhưng không thể che mắt được khán giả bởi cách quảng cáo quá hồn nhiên, lố bịch và phản cảm.
Không dừng lại ở đó, theo phản ánh của nhiều khán giả, thời gian gần đây, họ liên tục phải xem nhiều chương trình phát sóng khác của VTV trong các khung giờ vàng trong ngày, trong phần quảng cáo chen ngang phần lớn đều có quảng cáo của Oppo. Dù hình thức và nội dung quảng cáo điện thoại này khá hấp dẫn với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng nhưng vẫn khiến khán giả thấy khó chịu và nhức mắt khi tần suất quảng cáo cho điện thoại Oppo quá nhiều trên sóng VTV. Đến mức nhiều khán giả cho rằng, giờ cứ xem VTV người ta lại nghĩ đến điện thoại Oppo.
|
Màn quảng cáo điện thoại Oppo quá lố trong chương trình Táo quân 2015 gây bức xúc cho khán giả.
|
Bên cạnh đó, nhiều người quan tâm với việc quảng cáo điện thoại Oppo dày đặc trên sóng VTV có vi phạm các quy định về quảng cáo? Cũng như việc điện thoại Oppo được các nghệ sĩ hài trong chương trình Táo quân 2015 khéo léo sử dụng để quảng cáo thì có phải là quảng cáo trá hình và có phản cảm?.
Để mang lại cho bạn đọc một góc nhìn khác, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân xung quanh việc điện thoại Oppo được quảng cáo ngay trong chương trình Táo quân 2015.
Luật sư Trần Đình Triển nhận định, việc chương trình Táo quân 2015 quảng cáo điện thoại Oppo dù luật không cấm nhưng có phẩn phản cảm.
“Chương trình táo quân là chương trình hàng năm của VTV được đông đảo người dân đón nhận. Để có thể hoàn thành chương trình trên anh em nghệ sĩ tập luyện thâu đêm suốt sáng cũng cần có kinh phí trong khi đó, ngân sách nhà nước trang trải cho chương trình không đáng bao nhiêu. Ngân sách không đủ thì phải quảng cáo thêm để bù lại các kinh phí khác. Hơn nữa, đài truyền hình là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, họ có quan điểm, ai đơn vị nào quảng cáo được ở chương trình với giá phù hợp thì họ làm. Đấy là việc hợp lý và pháp luật không cấm. Quảng cáo thu lại kinh phí bù đắp cho nhiều khoản chi khác của chương trình này”, Luật sư Trần Đình Triển đánh giá.
“Tuy nhiên, Quảng cáo cho ai? Quảng cáo cái gì? nhãn quan chính trị thì phải tính. Trong thời gian qua, ai cũng biết sự việc giàn khoan Hải Dương 981 và vấn đề Biển Đông. Ngư dân bám biển, hải quân, lực lượng cảnh sát biển từng ngày chống lại dã tâm của Trung Quốc mà một chương trình được đông đảo nhân dân Việt Nam theo dõi trên sóng quốc gia lại đi quảng cáo cho sản phẩm của Trung Quốc như trong chương trình Táo quân 2015 vừa qua là không nên. Dù về mặt luật pháp thì không cấm nhưng người xem thấy phản cảm”, Luật sư Trần Đình Triển nhìn nhận.
|
Các clip quảng cáo của Oppo thường có rất nhiều gương mặt ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng.
|
Không chỉ quảng cáo khéo trong chương trình Táo quân 2015, điện thoại Oppo có xuất xứ từ Trung Quốc liên tục được quảng cáo rầm rộ trên các chương trình của VTV khiến nhiều khán giả thắc mắc, việc quảng cáo với thời lượng nhiều như thế thì có vi phạm các quy định của pháp luật?
Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia luật cho rằng, cần phải xem xét cụ thể các chương trình quảng cáo điện thoại Oppo có thời lượng như thế nào. Nếu thời lượng vượt quá quy định tại điều 22, Luật Quảng Cáo thì mới xem xét để xử lý.
Cụ thể, trong điều 22, Luật Quảng Cáo quy định về Quảng cáo trên báo nói, báo hình nêu rõ:
1. Thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.
2. Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo.
3. Không được phát sóng quảng cáo trong các chương trình sau:
a) Chương trình thời sự;
b) Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.
4. Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút.
5. Khi thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động thì sản phẩm quảng cáo phải được thể hiện sát phía dưới màn hình, không quá 10% chiều cao màn hình và không được làm ảnh hưởng tới nội dung chính trong chương trình. Quảng cáo bằng hình thức này không tính vào thời lượng quảng cáo của báo hình…