Có lẽ đây phải được coi là kỷ lục buồn, bởi tô hủ tiếu lớn nhất Việt Nam, đã phải đổ đi vì… không ăn được! Số là thế này, ngày 12/2, tại công viên Sa Đéc (TP Sa Đéc, Đồng Tháp), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập 2 kỷ lục là: Tô hủ tiếu lớn nhất và Đòn bánh phồng tôm lớn nhất.
Tô hủ tiếu lớn nhất Việt Nam này có đường kính miệng 1,5 m, cao 70 cm, thể tích 900 lít, gồm 100kg hủ tiếu, 100kg thịt heo và 600 lít nước súp… có thể phục vụ cho hơn 1.000 lượt khách. Đi cùng kỷ lục này còn có đĩa lót tô đường kính 150 cm, muỗng inox có chiều dài 120cm, đôi đũa gỗ dài 180cm.
Bên cạnh tô hủ tiếu "khủng" còn có đòn bánh phồng tôm dài 2,2 m; đường kính 0,4 m, trọng lượng 160 kg. Theo nhà sản xuất, nguyên liệu làm nên gồm 30% tôm, 70% tinh bột khoai mì với gia vị tiêu, hành, ớt.
Những tưởng sau khi được "công nhận kỷ lục" thì sẽ có hơn ngàn người được thưởng thức… Nhưng than ôi, rau, giá đỗ, sợi hủ tiếu vì ngâm nước quá lâu, nên không còn ra cái thứ … cháo heo nào nữa. Thế là đành đổ bỏ.
Không biết những người "sính kỷ lục" này bỏ ra bao nhiêu tiền để làm tô hủ tiếu khủng? Rồi ý nghĩa đích thực mà tô hủ tiếu này mang lại là cái gì? Và chẳng hiểu cái thứ "kỷ lục" này sẽ góp phần "nâng cao danh giá" của địa phương ở mức nào?
Giá như người ta mang số tiền làm tô hủ tiếu, làm đòn bánh phồng tôm đó cho những người đang chạy ăn từng bữa thì tốt biết bao nhiêu!
|
Cận cảnh tô hủ tiếu to nhất Việt Nam tại Sa Đéc. |
Gần đây, nhiều tỉnh thành nô nức tổ chức lễ hội với đủ các lý do, nào là đón nhận danh hiệu cao quý, nào là kỷ niệm ngày thành lập tỉnh, rồi vinh danh nơi này là di sản, nơi kia di tích… Nhưng bi kịch là ở chỗ, có tỉnh vừa hoành tráng tổ chức lễ đón nhận di sản thế giới xong thì lại phải ngửa tay xin Chính phủ cho gạo cứu đói…
Người ta có thể bảo rằng, tiền tổ chức các lễ hội là tiền "xã hội hóa" - nghĩa là lấy tiền từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… Vâng, nói nghe thì là hay. Nhưng doanh nghiệp cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được tiền chứ? Và ai dám đảm bảo rằng các doanh nghiệp được "vận động đóng góp" đó, không nghĩ mưu trốn thuế, không bóc lột công nhân, đế có tiền mua hư danh, có tiền thỏa mãn căn bệnh sĩ.
Ở Hà Nội, gần đây lại có người nêu sáng kiến "bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân", để cho dân… ngắm, hòng quên đi những khó khăn, vất vả cực nhọc; và cũng giải thích rằng, tiền bắn pháo hoa là "xã hội hóa" - nghĩa là do các doanh nghiệp đóng góp.
Không hiểu mỗi trận pháo "mua vui" hết bao nhiêu tỷ, nhưng qua đây, cũng thấy cái bệnh sĩ diện hão của người Việt ta nặng nề quá. Cái gì cũng thích "hoành tráng"; thích "kỷ lục", nhưng lại không nghĩ đến thực chất ta làm được gì? Giá trị hàng hóa, thương hiệu Việt của ta trên thế giới là đứng ở đâu.
Lẽ ra, lúc này, phải vận động từng người dân uống rượu bia bớt đi, ăn nhậu ít đi, tổ chức lễ hội hạn chế, và đừng có kiểu "ngàn vàng mua lấy trận cười như không"… Phải tiết kiệm từng đồng, để mà xây dựng, phát triển kinh tế, thì lại cứ đổ tiền cho những thứ mua vui, kiểu như tô hủ tiếu. Mà tự hào cái nỗi gì như kiểu tô hủ tiếu khủng?
Làm tô hủ tiếu khổng lồ, rồi mang đi đổ, không hiểu những người "khoái" kỷ lục có thấy day dứt không khi lãng phí đến vậy. Và có khi nào họ nghĩ tới còn biết bao người dân ở vùng mà họ tổ chức đang đói nữa không?
Cha ông ta, từ xưa đã nói "hạt gạo là Ngọc Thực" - Kẻ nào phung phí hạt gạo, thì kiếp sau sẽ phải biến thành chuột.
Đúng thật, kiếp sau, có lẽ những người tổ chức nấu cái tô hủ tiếu khổng lồ này, sẽ phải chuyển thành chuột cống… Suốt ngày chui rúc nhặt nhạnh từng miếng ăn - đó là cái giá phải trả cho những kẻ mắc bệnh sĩ và bệnh "thích kỷ lục".