Tăng bồi dưỡng cho CSGT không thể vì thương xót

Google News

(Kiến Thức) - "Việc tăng hay không phải căn cứ vào luật để áp dụng", ông Đỗ Xuân Duy, nguyên Chánh Văn phòng Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia nêu quan điểm.

Làm hỏng ý nghĩa của tiền bồi dưỡng
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an tiết lộ: Mỗi ca trực, tiền bồi dưỡng của mỗi chiến sĩ CSGT chỉ mua được một chiếc bánh mỳ. Ông bình luận gì về con số đó?
Tiền bồi dưỡng cho CSGT mà ai đó nói chỉ đủ mua một cái bánh mỳ thì theo tôi đã làm hỏng ý nghĩa, tác dụng của nó. Bởi mục tiêu của tiền bồi dưỡng không phải để CSGT có thêm ổ bánh mỳ, mua được cốc cà phê, hoặc ai đó nghĩ CSGT kiếm tiền bồi dưỡng tăng giờ làm để có thêm tiền đóng học cho con là càng sai. Tiền đó là phụ cấp lao động vất vả độc hại cho người CSGT. 
Nói khác đi, tiền đó để người CSGT được hưởng cảm giác mình được tôn trọng. Đồng thời, nó còn tạo ra sự công bằng giữa CSGT với các nghề khác; cũng như anh đứng máy photocopy trong văn phòng được hưởng phụ cấp độc hại, anh bác sĩ đứng mổ được hưởng phụ cấp cho ca mổ... Không thể đem tiền phụ cấp ra để so sánh với một chiếc bánh mì được.
Tại sao không chứ? Điều đó chứng tỏ tiền bồi dưỡng mỗi ca trực của CSGT là rất thấp mà!
Tôi cho rằng con số đó không chuẩn. Bởi theo Luật Lao động quy định làm thêm giờ được hưởng bồi dưỡng 30% mức lương của ca làm ngày, nếu làm ngoài giờ ban đêm thì hưởng thêm 20% lương làm ban ngày. Chả lẽ lương ngành CSGT chỉ được có ba cái bánh mì một ngày thôi à? 
Nhưng đó là xác nhận của Bộ trưởng Bộ Công an, thưa ông?
(Cười) Nếu tôi được nhận, tôi thấy nó giá trị rất nhiều dù số tiền đó là bao nhiêu. Cổ nhân có câu "một miếng giữa đàng hơn một sàng xó bếp" đấy thôi. 
Ông Đỗ Xuân Duy, nguyên Chánh Văn phòng Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia nói về đề xuất tăng tiền bồi dưỡng cho CSGT. 
Không phải để trợ cấp khó khăn
Theo ông thì CSGT nhận tiền bồi dưỡng mỗi ca trực chỉ mua được cái bánh mỳ có thỏa đáng?
Nếu xét về sự vất vả thì CSGT là những người rất vất vả. Chỉ cần bạn dừng đèn đỏ 1 phút thôi, bạn sẽ thấy khó chịu bởi bụi, tiếng ồn, xăng xe... Trong khi đó, CSGT là người tiếp xúc với những thứ đó thường xuyên. Nói số tiền đó có thỏa đáng hay không thì cần phải xem xét cụ thể. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta phải chia sẻ với khó khăn của cảnh sát giao thông, nhưng không nên thể hiện kiểu ban phát thương xót rằng tôi thấy anh vất vả quá mà tiền bồi dưỡng lại quá ít nên tôi cho anh thêm. Việc tăng hay không phải căn cứ vào luật để áp dụng.
Việc tăng tiền bồi dưỡng cũng là một cách chia sẻ đấy chứ?
Điều đó không sai. Nhưng việc có tăng tiền bồi dưỡng này không, tăng bao nhiêu thì cần phải được các cơ quan có thẩm quyền, những người làm y tế, lao động, tiền lương nghiên cứu cụ thể, rồi căn cứ theo Luật Ngân sách, Luật Lao động mà làm. Cần nhớ, đây là tiền bồi dưỡng để tái tạo sức lao động chứ không phải để trợ cấp khó khăn. 

Dân phản ứng vì chưa đủ độ tin yêu
Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cần tính quy chế chi bồi dưỡng xứng đáng cho CSGT thường xuyên phải làm thêm ngoài giờ.

 

Khi đề xuất tăng tiền bồi dưỡng cho CSGT được đưa ra, đã có rất nhiều người phản đối.
Những người không đồng tình tăng tiền bồi dưỡng cho CSGT không phải vì họ lo cho ngân sách thâm hụt, cũng không phải vì kinh tế khó khăn đâu. Xuất phát điểm là bởi, họ không muốn những người mà hằng ngày họ va chạm và cảm thấy chưa đủ độ tin yêu được hưởng thêm bất cứ cái gì. 
Vậy nên, tôi cho rằng CSGT hãy làm tốt hơn nữa phận sự của mình, hãy giữ gìn sự trong sạch của người công chức lực lượng vũ trang tốt hơn nữa. Khi đó, việc họ hưởng từng ấy tiền bồi dưỡng hay nhiều hơn nữa cũng không bị phản ứng. Thậm chí, nhiều người sẽ tự nguyện đóng góp vào quỹ an toàn giao thông để lấy từ đó ra bồi dưỡng cho CSGT.
Nhưng làm sao để CSGT có thể được tin yêu là việc hẳn không mấy dễ dàng?
Lòng tham con người lớn lắm. Cả xã hội (người tham gia giao thông) phải cùng lo việc này. Trước hết phải kiên quyết không mãi lộ. Không có người đưa mãi lộ thì không có người nhận. Đồng thời, phải phạt thật nặng người nhận mãi lộ thì mới mong nó trong sáng hơn được. CSGT cũng phải được đào tạo lại, cả về nghiệp vụ. Phải biết đâu là tội, đâu là lỗi để xử lý cho phù hợp. Giờ, một người vô tình phạm luật như vội đi đón con quá nên làm bánh xe chớm vạch thì không thể xử lý họ như với một người cố tình vượt đèn đỏ được. 

Đừng ảo tưởng hết mãi lộ!
Theo ông thì liệu có mối liên quan nào giữa việc tiền bồi dưỡng thấp với nạn mãi lộ trong lực lượng CSGT vốn đã gây ra nhiều bức xúc, nhức nhối trong xã hội?
Không thể đổ cho tiền bồi dưỡng thấp nên nhận mãi lộ được. Đó chỉ là sự bao biện mà thôi.
Tôi có một người bạn là CSGT. Có lần, anh tâm sự rằng bây giờ chỉ những người mới vào nghề và sắp về hưu là không nhận tiền. Là bởi vì, với người mới vào nghề, đạo đức xã hội vẫn còn đậm nét lắm. Còn người sắp về hưu thì sợ rằng, biết đâu mình nhận tiền, bị tố cáo, xử lý, có khi hàng chục năm phấn đấu mất hết. Trừ những người trắng trợn yêu cầu người vi phạm giao thông "nôn" tiền ra thì không nói làm gì, còn tôi nghĩ phần lớn cũng bởi chính người tham gia giao thông, vì muốn được việc mà cố giúi tiền vào tay anh cảnh sát. 
Ông đang đổ tội cho người tham gia giao thông?
Đó là thực tế. Chính hành vi đó là phá hoại, nó làm cho người CSGT hình thành một thói quen là cứ ai vi phạm giao thông thì phải đưa tiền cho mình và mình cũng thích nhận tiền, lâu dần thành thói quen. 
Và vì thế mà không thể hy vọng tăng tiền bồi dưỡng sẽ khiến cho CSGT bớt tiêu cực hơn?
Đúng thế. Đừng có ảo tưởng vào điều đó! 
Có người lo ngại rằng, việc tăng bồi dưỡng cho CSGT sẽ khiến sự mất công bằng trong xã hội, bởi đâu chỉ có CSGT là vất vả, cần phải tăng trợ cấp?
Đúng. Nhưng cần thấy rằng, tình hình giao thông mấy năm trở lại đây tắc nghẽn nhiều, số lượng đầu xe và người tham gia giao thông tăng đột biến. Vì thế, nhiệm vụ của CSGT cũng nặng nề hơn, điều mà ai cũng có thể nhận thấy bằng mắt thường. Không nên đem CSGT đi so sánh với các ngành nghề, lực lượng khác vì chắc gì các ngành nghề khác không được tăng. Nhưng tôi nhấn mạnh một lần nữa, nếu có tăng bồi dưỡng thì phải dựa trên luật chứ không thể theo cảm tính, như vậy mới được dư luận đồng tình.
Trân trọng cảm ơn ông.
"Nếu chỉ làm CSGT, sống bằng lương và phụ cấp thì chắc chắn không mua được ô tô, không thể có nhà. Nhưng trong xã hội vẫn đang có những CSGT có xe tốt để đi, có nhà sang để ở thì hãy suy nghĩ về nguồn gốc của nó, có thể do gia đình, vợ con, nguồn tiền của người thân ở nước ngoài... Nhưng không thể đánh đồng việc CSGT có nhà ở, có xe xịn rồi thì không tăng bồi dưỡng (nếu có cơ sở), vì tài sản hiện có và tiền bồi dưỡng không liên quan đến nhau".
Ông Đỗ Xuân Duy
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)