Lúc 11h30 trưa nay (12/12), Dương Chí Dũng là người đầu tiên trong số 10 bị cáo bước lên trả lời các câu hỏi của HĐXX.
Trong lời khai của Dương Chí Dũng cho thấy sự tiền hậu bất nhất. Liên quan đến nội dung phê duyệt Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ông Dũng cho rằng, với dự án này, thẩm quyền phê duyệt thuộc chức trách của Hội đồng quản trị, do đó, không phải xin ý kiến của ai, vì đó là vốn huy động (không thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước).
|
Bị cáo Dương Chí Dũng được dẫn giải vào tòa. |
Bị cáo Dũng lý giải, trường hợp sử dụng vốn nhà nước thì phải trình và xin ý kiến của lãnh đạo Bộ chủ quản, đồng thời đề nghị Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Bị cáo hiểu rằng, như vậy đã được chấp thuận, phê duyệt”, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines nói trước tòa. Tuy nhiên, khi vụ án bị cơ quan chức năng khởi tố, điều tra, bị cáo Dũng lại thừa nhận mình đã sai khi phê duyệt dự án nói trên.
Về việc mua ụ nổi 83M, bị cáo Dũng khai rằng trong dự án, Tổng giám đốc Vinalines có đề xuất mua ụ nổi. “Căn cứ vào Nghị quyết của HĐQT giao cho Tổng giám đốc thực hiện. Bị cáo không định hướng, không chỉ đạo mua ụ nổi mới hay cũ. Bị cáo không cử ai đi khảo sát mua ụ nổi, không chỉ đạo gì cả dù là trực tiếp hay nói chuyện điện thoại”, bị cáo Dũng khai tại tòa.
Thẩm phán Ngô Thị Ánh hỏi: "Tại sao bị cáo biết Công ty Nakhodka (Liên bang Nga) có bán ụ nổi để mua?". Bị cáo Dũng cho hay, sở dĩ biết là vì trước đó công ty này cũng bán 2 ụ nổi cho Vinashin, tuy nhiên khi kéo về đã bị chìm.
“Tôi nghe báo cáo không mua được ụ nổi trực tiếp với Công ty Nakhodka được vì vướng mắc các thủ tục pháp lý nên phải mua qua Công ty AP (Singapore). Tôi có quan hệ cá nhân với anh Phúc (Mai Văn Phúc - nguyên Tổng giám đốc Vinalines) không tốt nên không can thiệp vào việc mua bán, kể cả công việc của những anh em khác tôi cũng không can thiệp. Họ cứ theo thẩm quyền để làm, chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật”, bị cáo Dũng lý giải để chứng minh rằng mình không liên quan đến việc mua ụ nổi 83M mà sau này thành một khối sắt vụn.
|
Hội đồng xét xử. |
Theo cáo buộc, ông Dũng, Phúc chỉ đạo phải "mua bằng được" với giá 9 triệu USD trong khi giá trị của "ụ nổi đã bị hư hỏng nặng này" do chủ sở hữu là công ty của Nga đưa ra chỉ dưới 5 triệu USD. Hậu quả, tổng tiền phê duyệt mua, vận chuyển, tổ chức sửa chữa ở Việt Nam được điều chỉnh lên tới 19,5 triệu USD.
Hiện, sau nhiều năm, tổng tiền đổ vào "đống sắt gỉ" 83M đã lên tới hơn 525 tỷ đồng (cả mua bán, và sửa chữa, bảo quản...), tương đương hơn 24 triệu USD, trong khi chưa một lần được đưa vào sử dụng.
HĐXX làm rõ thêm nội dung xuất xứ ụ nổi, bị cáo Dũng khai nhận, sau khi được Tổng giám đốc trình mua ụ nổi 83M của Công ty AP (Singapore), ông Dũng có thắc mắc, sao không mua của Nga thì được ông Phúc giải thích, đó là rào cản thủ tục. Do vậy, ông Dũng chấp thuận mua ụ nổi đó và có biết ụ nổi có hỏng hóc, nhưng được báo cáo đó là “hỏng hóc nhỏ”.