SVĐ Mỹ Đình: Tường nứt, đầy rêu... làm quán cafe, lớp học

Google News

(Kiến Thức) - Một số bức tường của SVĐ Mỹ Đình nứt toác; một số khu vực bị biến thành lớp học, quán cafe, bãi gửi xe...

SVĐ trăm tỉ xuống cấp không phanh
Theo ghi nhận của Kiến Thức tại SVĐ quốc gia Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), công trình trăm tỉ này đang xuống cấp rõ rệt.
Các vết nứt kéo dài ở lối vào khán đài C.
Đập vào mắt PV đầu tiên là lối vào khán đài C, B của sân vận động với nhiều vết nứt chéo chạy dài, nhất là ở khán đài C (dài khoảng 6-8m, miệng nứt to tới mức có thể đút ngón tay người lớn vào được).
 
Vết nứt rất to ở khán đài C.
Ngoài ra, do ít được dọn dẹp nên cỏ mọc um tùm ở lối vào, nước đọng trên mặt đường... nhìn rất mất mỹ quan. Ghế trên khán đài thì đầy bụi bẩn, không được vệ sinh hay che đậy để tránh mưa, tránh nắng (ngoại trừ các ghế dành cho các lãnh đạo ở khu VIP).
Cánh cửa dẫn vào đường hầm SVĐ Quốc gia Mỹ Đình bị hư hỏng.
Xẻ SVĐ làm quán cafe, lớp học, bãi xe
Tại khuôn viên sân vận động và khu thể thao dưới nước có khá nhiều quán, lớp học, câu lạc bộ bi-a cùng bãi trông giữ ô tô, xe máy mọc lên.
Lớp học võ thuật ở khu vực khán dài B.
Nằm chính giữa khán đài B là một quán cafe rất vắng khách. Ngồi khoảng 30 phút ở đây, chúng tôi mới thấy có 1 người tới uống nước.
Quán cà phê, hát karaoke giữa khán đài B SVĐ Mỹ Đình.
Nhân viên quán cho biết, khách đến đây vào ban ngày rất ít nhưng buổi tối thì khá đông; bởi ngoài phục vụ cà phê, quán này còn mở cả dịch vụ karaoke vào buổi tối.
Thế nhưng tối hôm sau, chúng tôi quay lại thì chẳng thấy khách đến đông như quảng cáo; ngồi gần 1 tiếng mà chỉ có 2-3 khách đến uống nước rồi đi chứ chẳng hát hò gì.
Anh Đặng Quang Hách - vị khách hiếm hoi của quán.
Anh Đặng Quang Hách chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi tới quán này uống nước, thấy không gian ở đây rất thoải mái, rộng rãi, nhưng cung cách phục vụ thì không tốt.
Như những quán cà phê ở ngoài, họ tiếp đón khách rất chu đáo, hướng dẫn khách gửi xe, khi vào có người ra hỏi mình dùng gì, chứ ở đây mình phải gọi mới có phục vụ".
Bên trong SVĐ Quốc gia Mỹ Đình còn có lớp học..
Gần quán cafe, trường THPT Newton là một trong những đơn vị thuê địa điểm hoạt động bên trong khán đài B. Theo một nhân viên ở đây, thời gian tới họ sẽ chuyển sang cơ sở mới và không thuê nữa nhưng chưa tiết lộ lý do.
Theo ông Trần Quang Hiệp -Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính khu liên hiệp thể thao Quốc gia thì ban quản lý không tổ chức trông giữ xe mà các trường tự làm mỗi khi có lớp học.
Anh Tuấn, nhân viên bảo vệ Trường phổ thông quốc tế Newton cho biết: “Tôi chỉ trông giữ xe cho học sinh, giáo viên ở trong trường. Tôi không trông giữ xe cho những khách vào trong sân vận động Mỹ Đình. Ngay ngoài cổng đã có nhân viên bảo vệ trông giữ xe rồi, còn tôi chỉ là bảo vệ được thuê giữ xe cho trường phổ thông quốc tế Newton này".
SVĐ Mỹ Đình nứt là do nền đất yếu
Để hiểu rõ hơn về vấn đề SVĐ Mỹ Đình nứt toác, rêu phong... thành quán cafe, lớp học, PV Kiến Thức có buổi làm việc trực tiếp với ông Trần Quang Hiệp - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính khu liên hiệp Quốc gia, đơn vị trực tiếp quản lý SVĐ Mỹ Đình.
Ông Trần Quang Hiệp trao đổi với PV Kiến Thức.
Nói về các vết nứt toác, ông Hiệp cho rằng: "Không phải bây giờ mới nứt mà nó nứt từ năm 2004. Sau Seagame 23 nó đã nứt rồi. Năm nào chúng tôi cũng trì tu bảo dưỡng nhưng nó vẫn nứt. Những phần nứt đó không ảnh hưởng tới công trình. Toàn bộ phần mái, các phòng chức năng, ghế khán giả, 42 nghìn chỗ ngồi không ảnh hưởng gì vì nằm trên trụ bê tông".
"Nứt toàn bộ phần bao chắn các công trình vệ sinh, đặc biệt là các khán đài C, D là do xây trên nền đất yếu nên lún. Còn ở khán đài B nứt nhẹ là do dịch chuyển cát trụ. Các trụ, rầm không hề di chuyển nên không ảnh hưởng gì đến kết cấu SVĐ Mỹ Đình", ông Hiệp chia sẻ.
Theo ông Hiệp, nơi xây trên trụ bê tông thì ổn định, nơi xây trên nền đất mượn (đất từ nơi khác mang tới) thì lún, nứt. Hiện giờ một số điểm đã lún là do xây trên nền đất mượn, không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình.
Vết nứt kéo dài ở lối vào khán dài C.
Nói về việc kinh doanh, biến SVĐ Mỹ Đình, cung thể thao dưới nước thành lớp học, quán cà phê…., ông Hiệp cho biết, ngoài các khán đài, SVĐ Mỹ Đình có 407 phòng công năng (nơi khán giả nghỉ ngơi trước, giữa và sau trận đấu).
Trước kia, các doanh nhân mua cả phòng công năng ở SVĐ Mỹ Đình nhưng đến lúc này, SVĐ Mỹ Đình 1 năm chỉ tổ chức 1-2 trận đá bóng nên các doanh nhân không mua và cũng không sử dụng nữa. Có mua thì họ chỉ mua đơn lẻ, nên chúng tôi cho thuê làm lớp học, quán cà phê, massage. Cung thể thao dưới nước hoạt động tốt chẳng ở đâu bằng. Mùa hè được khai thác kinh doanh dạy bơi cho các cá nhân có nhu cầu.
Cơ sở cho việc kinh doanh này là từ năm 2012, nhà nước giao cho đơn vị tự chủ 100% về tài chính theo Nghị định 43, kể cả phần trì tu, bảo dưỡng, đội ngũ cán bộ nhân viên cũng như những vấn đề xã hội khác…tự thu,  tự chi.
Bảo vệ kè kè săm soi 
Đang "nội soi" SVĐ Mỹ Đình và chụp ảnh ghi nhận hiện trạng, chúng tôi bất ngờ bị bảo vệ yêu cầu ra ngoài. “Ở đây toàn là cơ quan nhà nước, không được vào”, người bảo vệ này nói.
Tuy nhiên, hôm sau, đóng vai người đến uống cà phê, hát karaoke, phóng viên được nhân viên bảo vệ hướng dẫn rất cụ thể. "Nếu lần sau đi uống cà phê, hát karaoke thì đi cổng chính giữa khán đài B là được, không phải vào lối này (lối vào từ đường Lê Đức Thọ - Lê Quang Đạo - PV)", một nhân viên bảo vệ ở đây nói.
Bảo vệ SVĐ Quốc gia Mỹ Đình yêu cầu phóng viên ra ngoài.
Tới khi sang cung thể thao dưới nước, một bảo vệ trung tuổi tiếp tục ngăn PV không cho vào. Người này đưa ra lý do: “Nếu anh muốn vào, muốn chụp ảnh… thì phải được sự đồng ý của ban quản lý và có người dẫn tôi mới cho vào. Còn nếu anh muốn đến đây bơi thì khoảng 2 tháng nữa nhé”.
Phóng viên đến khu thể thao dưới nước thì bị bảo vệ ngăn không cho vào.
Phóng viên không được vào nhưng chỉ 10 phút sau, một khách ra vào rất tự nhiên... Chúng tôi phải liên hệ với ban quản lý cung thể thao dưới nước thì mới được ông Trần Quang Hiệp - Trưởng phòng Hành chính khu liên hiệp thể thao Quốc gia dẫn vào.
Hơn 100 học sinh đang khởi động học bơi.
Trong cung thể thao dưới nước, nước ở các hồ bơi khá trong... nhưng được bao bọc bởi các lớp học, quán cà phê.... tương tự như ở SVĐ Mỹ Đình.
Lý giải về việc các bảo vệ SVĐ Mỹ Đình, cung thể thao dưới nước không cho phóng viên vào, ông Trần Quang Hiệp cho biết: "Đây là quy định hành chính, không có gì làm khó khăn cho phóng viên cả. Hoạt động báo chí phải thông báo qua phòng hành chính".
Chi phí xây dựng sân vận động Mỹ Đình là hơn 52 triệu USD (khoảng 1.000 tỉ đồng theo tỉ giá hiện tại) gồm: sân bóng đá có kích thước 105m x 68m, kết hợp thi đấu điền kinh với 8 đường chạy vòng 400 m và 10 đường chạy thẳng 110 m.
SVĐ Quốc gia Mỹ Đình.
Bên cạnh đó, SVĐ Mỹ Đình còn có 2 sân nhảy cao, 2 sân ném tạ, ném lao, ném tạ xích, 2 khu nhảy sào kép, 2 khu nhảy xa kép. Tổng diện tích khu vực (1 sân chính, 2 sân tập): 17,5 ha. 
Sân vận động Mỹ Đình chính thức hoạt động từ ngày 2/9/2003 với trận đấu đầu tiên giữa đội U23 Việt Nam với câu lạc bộ Thân Hoa Thượng Hải, Trung Quốc.
Tiến Dũng - Lê Phượng

Bình luận(0)