Sự thật SVĐ huyện “ngốn” chục triệu USD ở Hà Nội

Google News

(Kiến Thức) - “Mặt cỏ SVĐ chất lượng vừa phải, khán đài cũng vậy không quá hoành tráng...”, ông Nguyễn Trí Bình - Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Hoài Đức (Hà Nội) giãi bày.

Liên quan đến chuyện SVĐ huyện “ngốn” chục triệu USD đang gây xôn xao dư luận, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Bình – Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Hoài Đức (Hà Nội). 
Không hài lòng với thông tin mà một tờ báo đã đưa, ông Bình cho biết: "SVĐ huyện Hoài Đức chỉ đảm bảo tổ chức các giải bóng đá cấp huyện. Chúng tôi muốn tổ chức các giải bóng đá quốc gia ở đây, nhưng các cán bộ Liên đoàn Thể thao Việt Nam đánh giá, mặt sân không đủ tiêu chuẩn, cùng lắm thì tổ chức giải bóng đá sinh viên. 
SVĐ huyện Hoài Đức với 1 khán đài hơn 3.000 chỗ có mái che 
Mặt cỏ SVĐ của huyện làm bằng cỏ nhân tạo bình thường như bao mặt cỏ sân vận động khác ở Thủ đô đã và đang làm, không có gì đặc biệt. Các hàng ghế làm bằng nhựa rất bình thường. SVĐ huyện Hoài Đức không có dàn đèn chiếu sáng, nên giảm được một phần kinh phí đầu tư khi làm sân. 
Nhiều người đến Trung tâm TDTT huyện hay nói đùa với nhau, đây là SVĐ tổ chim. Nhưng vào bên trong nhìn thì thấy nó không giống như vậy. Cụ thể là đường Pit làm bằng nhựa và xi măng, ghế bằng nhựa rất đơn giản. Mặt cỏ SVĐ chất lượng vừa phải, khán đài cũng vậy không quá hoành tráng như một tờ báo đã đăng”.
Ông Bình trao đổi với PV Kiến Thức về SVĐ "ngốn" chục triệu USD.
Theo vị giám đốc này, ban đầu, SVĐ huyện Hoài Đức được bên thiết kế mời thầu đưa ra là 4 khán đài, sau đó rút xuống còn 3… Nhưng UBND huyện thấy thiết kế đó không phụ hợp, hơn nữa điều kiện kinh tế của huyện cũng không cho phép, nên đề nghị xây 1 khán đài có mái che hơn 3 nghìn chỗ ngồi để phục vụ nhân dân.
Đề cập đến số tiền đầu tư làm SVĐ, ông Bình trả lời: "SVĐ huyện Hoài Đức được khởi công xây dựng từ năm 2008 và bắt đầu đưa vào sử dụng từ giữa năm 2012. Đến lúc này, một số hạng mục trong khu thể thao của huyện Hoài Đức vẫn chưa bàn giao cho Trung tâm TDTT huyện, trong đó có SVĐ huyện Hoài Đức. Chính vì vậy, chúng tôi cũng chưa biết SVĐ này được đầu tư bao nhiêu tiền”.
Theo ông Bình, từ trước đến nay, huyện Hoài Đức chưa có trung tâm thể thao, nên đến khi có Trung tâm TDTT rất nhiều người dân vui mừng. Cứ vào buổi chiều dòng người từ các nơi của huyện kéo về đây vui chơi thể thao. Chính vì thế nhà thi đấu thể thao luôn đông người đến chơi.
Ông Mạnh buồn bã phân trần với PV Kiến Thức. 
“Nhà thi đấu thể thao của huyện có 2 nghìn chỗ ngồi. Nhà thi đấu phục vụ các môn thi đấu trong nhà như bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn…. Ngoài ra, nhà thi đấu của huyện Hoài Đức còn phục vụ tập luyện của người dân địa phương và tập huấn của các đội tuyển quốc gia có bộ môn thích hợp”, ông Bình chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Khánh Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Hoài Đức buồn bã phân trần: “Phóng viên của một tờ báo phỏng vấn viết bài lăng xê quá, không đúng với sự thật. Khi bài đó đăng khiến tôi đau hết cả đầu”.
Ông Bình tiếp lời: “Anh Mạnh có trao đổi với PV tờ báo đã đăng bài, số tiền đầu tư là bao nhiêu bản thân tôi là Giám đốc Trung tâm còn chưa biết, nói chi đến anh Mạnh”.
Trên tờ Tiền Phong, ông Đàm Văn Thông, Phó Bí thư Huyện ủy Hoài Đức cho hay, công trình nhà thi đấu và giải phóng mặt bằng thu hồi đất, làm đường hết 120 tỷ đồng; SVĐ xây hết khoảng 80 tỷ đồng. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách và thuộc thẩm quyền phê duyệt của huyện. Diện tích của Trung tâm TDTT là gần 6 ha, hiện nay vẫn đang đầu tư chưa xong nhà văn hóa, bể bơi. 
PV đặt câu hỏi: Dư luận cho rằng Trung tâm TDTT nói chung và sân vận động quy mô quá lớn so với nhu cầu? “Lớn là lớn thế nào, ai bảo lãng phí? Bây giờ bao nhiêu quận, huyện đang đến học tập Hoài Đức để mà làm theo”-ông Đàm Văn Thông nói. 
Hải Ngọc

Bình luận(0)