|
Ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan sau 10 năm phải chịu án oan. |
Bàng hoàng bởi cái sự bị oan sai có thể đơn giản đến thế và bất cứ ai cũng có thể lâm vào hoàn cảnh của ông Chấn. Và không biết khi lâm vào hoàn cảnh oan ức như ông, mình có thể sống nổi qua từng đấy thời gian, từng ấy đau khổ không?
Tôi không hiểu tâm trạng thật của ông khi được trở về nhà như thế nào. Vui mừng ư? Có lẽ bị bắt một tuần, một tháng rồi được thả ra thì vui mừng thật. Chứ 10 năm thì chưa chắc. Giống như ông thần đèn bị nhốt trong chiếc bình, lúc đầu ông nguyện có ai cứu ra sẽ làm cho người đó giàu có, nhưng sau mấy nghìn năm không có ai đến cứu, ông lại nguyền nếu ai cứu sẽ phải chịu trừng phạt. Cái sự đợi chờ quá lâu, quá dài thì khi đạt được liệu có còn ý nghĩa?
10 năm trong cuộc đời của một con người là quá dài, là một phần mấy của đời người rồi. 10 năm con người ta có thể làm được rất nhiều việc. 10 năm là bao nhiêu lần cày cấy, gặt hái, là bao nhiêu vụ lúa, vụ mùa, bao nhiêu lúa ngô, khoai sắn, bao nhiêu lứa lợn, lứa gà... bao nhiêu buồn vui, hạnh phúc. Còn 10 năm trong tù với bao nhiêu đau khổ, oan ức, bất lực, tuyệt vọng...
Chỉ riêng việc sống qua được đã là một kỳ tích. Và nay, nhìn thấy những người thân yêu già xọm đi vì phải chịu đau khổ từng ấy thời gian, nhìn căn nhà xập xệ, những đứa con lớn lên thiếu cha... cuộc sống cơ cực mà đáng lẽ nếu không có cái án oan kia thì họ đâu phải lâm vào cảnh bi đát đến thế... chẳng ai có thể vui được.
Những người làm sai rồi sẽ bị đem ra xét xử. Cũng chẳng thể vui mừng gì vì giá mà những điều đáng tiếc đó đã không xảy ra.
Có văn hào nào đã nói, không có gì con người dễ mắc sai lầm hơn việc phán xét người khác. Và con người không có quyền xét xử người khác bởi chẳng ai trong chúng ta hoàn toàn vô tội trước cái tội lỗi mà chúng ta đang xét xử.