Sập lò gạch ở Mê Linh: Đủ căn cứ khởi tố hình sự

Google News

(Kiến Thức) - Thủ tướng chỉ đạo các địa phương xóa bỏ lò gạch thủ công trước năm 2010. Nhưng lò gạch ở Mê Linh sau khi làm chết người vẫn ngang nhiên hoạt động.

Mặc dù vụ sập lò gạch xảy ra tại Công ty TNHH dịch vụ Du lịch và Vận tải Phú Hà (gọi tắt là Công ty Phú Hà) xảy ra từ ngày 21/4 nhưng đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa công bố kết luận điều tra và các hình thức xử lý mặc dù sự việc đã rõ như ban ngày.
Gây chết người vẫn hoạt động.
Theo tường thuật của một số công nhân của Công ty Phú Hà thì vụ việc xảy ra vào sáng ngày 21/4. Lúc đó anh Nguyễn Hữu Đoan và anh Lê Đức Tân đều trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ đang thu dọn gạch vỡ xung quanh lò sấy thì bất ngờ mái vòm đổ sập, hai công nhân khác trên mái vòm cũng bị rơi xuống đất với độ cao khoảng 4m. Vụ tai nạn khiến anh Tấn chết trên đường đi cấp cứu, còn anh Đoan được đưa đến Bệnh viện E điều trị, sau 5 ngày mặc dù được các bác sĩ Bệnh viện E tích cực cứu chữa nhưng nạn nhân đã không qua khỏi. Nguyên nhân cái chết của anh Đoan được xác định là do đa chấn thương, vì khối lượng gạch đá rơi xuống người là tương đối nhiều.
Lò gạch vẫn nhả khói, bất chấp quy định của TTCP. 
Mặc dù vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng hàng chục lò nung của Công ty Phú Hà vẫn ngang nhiên hoạt động. Có mặt tại khu vực sản xuất của công ty này ngày 13/5, chúng tôi ghi nhận vẫn có nhiều công nhân tiến hành nung đốt gạch, những cột khói trắng vẫn ùn ùn nhả khói bụi mặc dù cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân sự cố. 
Tại khu vực lò gạch nơi xảy ra sự cố, phía công ty cho treo biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng không có rào chắn bao quanh, bên cạnh lò gạch vẫn có công nhân lao động, nhặt, dọn vật liệu...
Phớt lờ quy định của Thủ tướng
Theo thông tin mà chúng tôi có được thì Công ty Phú Hà bắt đầu hoạt động từ năm 2007 với diện tích 9,8ha. Năm 2010, UBND TP Hà Nội tiếp tục cấp phép cho công ty này sản xuất gạch với công nghệ thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tất cả những giấy phép này của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và UBND TP Hà Nội đều cấp sau khi Quyết định 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2010 có hiệu lực. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trước năm 2010. Việc phớt lờ Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ đã dẫn đến hậu quả là gần chục ha đất đai ở xã Văn Khê bị đào bới như những hố bom, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân xung quanh.
Trao đổi với phóng viên về trách nhiệm Quản lý Nhà nước đối với Công ty Phú Hà, ông Lưu Xuân Quân, Chủ tịch UBND xã Văn Khê bao biện: “Lò gạch của Công ty Phú Hà không phải là lò gạch thủ công, vì vậy họ vẫn được hoạt động theo quy định của nhà nước”. Tuy nhiên, khi được hỏi về căn cứ đánh giá lò gạch thủ công hay công nghiệp thì ông Quân chỉ ỡm ờ bảo: “người ta nói thế”.
Ngoài ra, ông Quân cũng tiết lộ thêm: “Nhiều lần các cơ quan cấp trên từ huyện đến thành phố xuống kiểm tra chỉ thấy vào thẳng công ty, xong rồi về chứ không qua xã. Sau khi họ kiểm tra thấy có vi phạm hay không về sau cũng chẳng thấy nói đến”.
Nhiều người cho rằng, chính vì năng lực quản lý yếu kém, hoặc vì một số lý do nào đó nên Công ty Phú Hà mới ngang nhiên hoạt động bất chấp các quy định của pháp luật, Nhà nước. Chỉ đến khi sự việc sập lò gạch làm chết người vỡ lở ra thì chính quyên địa phương mới vội vã kiểm tra, rà soát, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa ra kết luận điều tra và cách xử lý thỏa đáng.
Luật sư Nguyễn Hồng Giang, Văn phòng Luật sư Vũ Lợi, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Vụ sập lò gạch ở Cty Phú Hà đã đủ căn cứ để khởi tố hình sự theo điều 99 Bộ luật Hình sự với tội vô ý gây chết người vì vi phạm các qui tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Thời hạn điều tra, xác minh lấy lời khai ban đầu để đi đến quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can là không quá hai tháng”.
Quách AK

Bình luận(0)