Dư luận đang bức xúc trước vụ việc gia đình ông Hà Hòa Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc lấn chiếm đất công lên đến gần 400 m2 để làm khuôn viên xây dựng biệt thự "khủng" tại phường Tích Sơn (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Mới đây, khi báo chí phanh phui sự việc, ông Bình đã có báo cáo giải trình gửi các cơ quan chức năng tỉnh, thừa nhận việc gia đình lấn chiếm đất công, nhưng lại đổ lỗi việc này cho con trai.
“Tôi tự nhận thấy mình có khuyết điểm là do bận công tác nên chưa theo sát kiểm tra và không kiên quyết với việc làm của cháu, dẫn tới việc con trai tôi xây tường rào bao quanh vượt qua phần diện tích thuộc sở hữu của gia đình”, ông Bình giải trình.
|
Biệt thự nhà Nguyên PCT UBND tỉnh Vĩnh Phúc Hà Hòa Bình. |
Nhiều ý kiến cho rằng, việc ông Bình từng Phó chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc nhưng lại lấn chiếm đất công sẽ để lại hệ quả xấu bởi quan đầu tỉnh còn làm sai thì nói sao đến việc trị dân làm bừa. Vậy với hành động phạm pháp của mình, ông Bình sẽ bị xử lý ra sao?
Để làm rõ những vấn đề liên quan vụ việc trên, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường và Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân.
Không thể chỉ đổ lỗi cho con trai!
- Dư luận cho rằng, ông Bình nói việc chiếm đất công trên không liên quan đến ông ấy và đổ lỗi cho con trai là đang trốn tránh trách nhiệm, ông nghĩ sao về điều này?
- GS Đặng Hùng Võ: Việc gia đình ông Hà Hòa Bình lấn chiếm đất công đã rất rõ ràng. Ông Hà Hòa Bình không thể nói là không liên quan đến vụ việc này. Cùng trong gia đình, con làm thì bố cũng phải biết, nhất là nguồn gốc đất của gia đình. Khi phát hiện việc lấn chiếm đất thì ông Bình phải có nghĩa vụ trả lại.
- Luật sư Trần Đình Triển: Việc ông Hà Hòa Bình giải trình do con là không hợp lý. Ngay cả khi ông bận công tác không có mặt tại nhà, con ông tự ý lấn chiếm thì khi về ông phải phát hiện ra việc này và phải chỉ đạo cho con trả lại. Đằng này, ông im lặng không báo cáo để báo chí phanh phui, chính quyền vào cuộc xử phạt thì ông mới trả lại. Như vậy, ông Hà Hòa Bình hoàn toàn có liên quan đến vụ việc lấn chiếm đất công này và không thể chỉ đổ lỗi cho con trai, mà bản thân ông không chịu trách nhiệm.
- Việc quan đầu tỉnh Vĩnh Phúc lấn chiếm đất như trên làm ảnh hưởng thế nào đến việc các cơ quan chức năng trị dân lấn chiếm đất công?
- GS Đặng Hùng Võ: Từ lâu chúng ta vẫn cứ đặt ra câu hỏi: “Lòng tin người dân đang mất dần vì đâu, thì vụ việc này là câu trả lời rõ ràng nhất. Người ta có câu "nhà dột từ nóc dột xuống". Người dân nhìn vào những vụ việc sai phạm như thế này của những người từng đứng đầu tỉnh thì làm sao họ còn tin được. Muốn lập lại trật tự để người dân chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước thì phải làm lại trật tự từ trên xuống. Có làm nghiêm được thì người dân mới có niềm tin. Đây là nguyên tắc trị quốc từ lâu rồi. Là người lãnh đạo tỉnh thì phải làm sao để người dân họ nể trọng, phải chấp hành các quy định của pháp luật tốt mới mong người dân họ chấp hành nghiêm.
- Luật sư Trần Đình Triển: Nguyên Phó chủ tịch tỉnh lấn chiếm đất công dù vì lý do gì đi nữa, cũng sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín cán bộ công chức tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung trong mắt người dân.
Vi phạm thế, xử lý thế nào?
- Đến thời điểm này, UBND phường Tích Sơn đã đến gia đình ông Bình lập biên bản xử phạt hành chính, yêu cầu gia đình tháo dỡ tường rào để hoàn trả mặt bằng cho chính quyền địa phương. Bản thân gia đình ông Bình cũng đã hoàn trả lại. Gia đình ông Bình có bị xử lý gì thêm nữa theo quy định của pháp luật?
- GS Đặng Hùng Võ: Việc gia đình ông Bình lấn chiếm đất công thì bản thân gia đình phải có trách nhiệm hoàn trả lại mặt bằng cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, kỷ luật thì vẫn phải xem xét xử lý. Qua vụ việc này, ông Bình đã vi phạm đạo đức người cán bộ nghiêm trọng.
- Luật sư Trần Đình Triển: Liên quan về quản lý đất đai, người dân khiếu nại, khiếu kiện rất nhiều. Nhà nước đã phải xử lý rất nhiều vụ. Việc vi phạm trên của gia đình ông Hà Hòa Bình, dù ông này đã hoàn trả lại mặt bằng nhưng vẫn phải xem xét tư cách Đảng viên, căn cứ vào mức độ vi phạm để xem xét xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự về lĩnh vực quản lý đất đai.
Xin cảm ơn GS Đặng Hùng Võ và Luật sư Trần Đình Triển về cuộc trao đổi trên!
Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói gì trong bản tường trình:
Tại báo cáo giải trình ngày 05/12/2014 của ông Hà Hòa Bình gửi các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc có nói đến nguồn gốc của khu đất mà gia đình ông đã xây dựng biệt thự trên đó.
“Vào năm 1987, tôi có mua một phần mảnh đất ở trong khu xưởng mộc từ gia đình ông Chấp (nay thuộc xã Vịnh Thịnh). Lúc đó, đường đi vào khu này rất nhỏ và heo hút, chỉ cho một xe cải tiến đi được. Sau đó, gia đình ông Chấp có dự tính chuyển về Lào Cai, có bán cho một người, 9 tháng sau thấy khu đất quá hẻo lánh họ đã trả lại cho ông Chấp. Tôi có giới thiệu để em trai tôi từ huyện Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái về mua khu đất và chuyển về đây sống cùng. Do tôi có duy nhất một người con trai, nên sau khi cháu thành lập gia đình đã đề nghị được chuyển nhượng lại một mảnh đất của em trai tôi để gia đình quây quần cạnh nhau. Vào năm 2013, gia đình tôi quyết định xây một ngôi nhà mới trên mảnh đất này và thống nhất giao cho cháu (Con trai ông Bình) thực hiện việc xin cấp phép xây dựng, các thủ tục cần thiết để xây nhà trên khu đất. Việc thực hiện các thủ tục xây dựng, tuân thủ theo đúng trình tự và quy định của pháp luật. Ngôi nhà được cấp phép xây dựng là 3,5 tầng và diện tích mặt sàn là 450 m2 nằm hoàn toàn trên diện tích có trong sổ đỏ của gia đình tôi (trên thực tế chỉ xây 2,5 tầng)” – Trích từ báo cáo giải trình của ông Bình.
|
Bản giải trình của ông Hà Hòa Bình. |
Nói về việc lấn chiếm đất công, ông Bình giải trình: “Trong khi phần chính ngôi nhà đã được hoàn thiện thì tôi có chuyển công tác. Trong thời gian chuyển công tác, vì lo an ninh của khu nhà nên cháu đã tự ý cho thợ xây thêm tường dào bao quanh trên diện tích của gia đình tôi. Ngay sau khi công tác về, tôi có yêu cầu cháu phải xem xét, kiểm tra theo mốc cắm lộ giới của đường bên ngoài. Con trai tôi có cho biết là phần diện tích có liên quan đến phần chân hàng rào, chính quyền địa phương đang đề xuất xin chủ trương hợp thức hóa cho các hộ dân dọc tuyến. Bản thân tôi, đã trực tiếp hỏi Thành phố về chủ trương hợp thức đất thừa sau khi hoàn thành các dự án trên toàn Thành phố”.
Cuối của bản Báo cáo giải trình, ông Hà Hòa Bình nêu: “Tôi tự nhận thấy mình có khuyết điểm là do bận công tác, nên chưa theo sát kiểm tra và không kiên quyết với việc làm của cháu dẫn tới việc con trai có ý xây tường rào bao quanh vượt qua phần diện tích thuộc sở hữu của gia đình”.
Kiến Thức tiếp tục cập nhât…