Quận 1 chi 1.000 tỷ đồng lát đá vỉa hè, nơi khác sẽ làm theo?

Google News

Theo các chuyên gia, vỉa hè là thứ yếu không nên dồn 1.000 tỷ đồng lát đá vỉa hè trong khi nhu cầu an sinh xã hội cấp bách khác rất nhiều.

“Ý tưởng dùng 1.000 tỉ đồng dùng đá granit lát toàn bộ vỉa hè trên địa bàn quận 1, TP.HCM có nhiều điểm chưa phù hợp. Trong giai đoạn phát triển đô thị nóng như hiện nay, hệ thống tuyến ngầm chưa hoàn thiện thì chỉ nên dùng các vật liệu thông thường”. TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất.
Theo chuyên gia này, nhiều khu đô thị lớn trên thế giới, ở những nơi nào hạ tầng chưa ổn định thì họ không dùng những vật liệu đắt tiền lát vỉa hè.
Chưa ổn định, vỉa hè sẽ bị đào
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá việc dồn 1.000 tỷ đồng lát đá vỉa hè bằng đá granit ở phố đi bộ Nguyễn Huệ chưa hẳn là tốt, vì có thể sau này ở đây sẽ phải đào lên làm lại.
“Ở quận 1 và nhiều nơi khác sẽ còn có nhiều công trình cao tầng được xây dựng, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật khác được nâng cấp. Khi đó, vỉa hè bị tác động sẽ phải đào lên, sửa chữa và điều này gây tốn kém. Cho dù việc xây dựng đã ổn định song hệ thống tuynen kỹ thuật ngầm (cáp viễn thông, điện lực, cấp thoát nước…) chưa có thì cũng chưa nên lát toàn bộ vỉa hè bằng đá granit. Lát đá granit cho vỉa hè sẽ không hiệu quả về kinh tế” - TS-KTS Sơn nói.
Vị kiến trúc sư cũng đề nghị xem lại về “quan điểm mỹ thuật” của ý tưởng này. Theo ông, ở các khu đô thị mới thì việc này có thể chấp nhận nhằm đảm bảo đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, ở khu vực trung tâm TP là khu đô thị cũ, nơi này vốn dĩ trước đây lề đường chỉ là lề xi măng nên việc cần làm là giữ gìn bản sắc hiện hữu, không cần granit hóa toàn bộ. Ngoài ra, nhiều trung tâm đô thị hiện đại trên thế giới cũng chỉ lát vỉa hè bằng gạch tàu nhưng rất đẹp.
Quan 1 chi 1.000 ty dong lat da via he, noi khac se lam theo?
Vỉa hè bằng đá granit trên đường Lê Duẩn bị nứt vỡ, lại dễ gây trượt, té.
“Không nhất thiết phải là granit. Hơn nữa, vỉa hè là cái thứ yếu, sau cùng. Quan trọng trước là việc cấp điện, cấp thoát nước, đường sá… thật tốt. Nếu theo đúng nguyên tắc phát triển đô thị, trong giai đoạn phát triển nóng như hiện nay ở TP.HCM thì làm vỉa hè bằng xi măng đã là tốt rồi. Đến khi chúng ta hoàn thiện hệ thống tuyến ngầm, khi cần sửa chữa điện, nước, viễn thông thì đào vỉa hè. Lúc ấy mới tính tiếp, nếu không sẽ gây ra lãng phí” - TS-KTS Sơn đề nghị.
Không nên xài sang
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn không đồng tình với kế hoạch của quận 1 vì với thực tế hiện nay mà lột lên toàn bộ tuyến đường và làm lại thì không khác nào nghèo mà xài sang. “Trừ khi các đơn vị, công trình nào muốn chi tiền cá nhân của họ lát đá granit trước khu vực công trình, đơn vị họ thì TP.HCM hướng dẫn mẫu vỉa hè cho họ thực hiện. Dứt khoát không được lấy nguồn tiền từ ngân sách” - TS-KTS Sơn nói.
Vị chuyên gia này cho rằng 1.000 tỉ đồng không phải là con số nhỏ và dù không trả lãi thì cũng không phải là cho không. Ông đề nghị: “Thay vì granit hóa toàn bộ vỉa hè ở quận 1 thì dùng số tiền đó xây dựng nhiều công trình, thực hiện nhiều công việc an sinh, xã hội cấp bách sẽ ý nghĩa hơn. Ví dụ, kế hoạch mở rộng BV Phụ sản Hùng Vương thêm 400 giường nữa với giá thấp nhất khoảng 400-500 tỉ đồng nhưng không tìm đủ nguồn kinh phí thực hiện mà dùng cả ngàn tỉ đồng lát vỉa hè sẽ gây ra nhiều ý kiến không tốt”.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Quốc gia, ĐH KHXH&NV TP.HCM, thẳng thắn: “Đề xuất này như một người nghèo bỏ tiền ra mua áo vét mặc cho đẹp, trong khi chiếc áo sơ mi bên trong thì rách”.
Theo TS Nguyên, không ai phản đối mục tiêu làm sạch, làm đẹp. Vấn đề là tốn kém bao nhiêu để đạt được mục tiêu đó, đồng thời trong lúc nhu cầu của xã hội cần rất nhiều mục tiêu khác cấp bách hơn. “Vì vậy, dù đạt được mục đích “đồng bộ, hiện đại” nhưng chi cả 1.000 tỉ đồng đầu tư có hiệu quả không cũng cần phải xem lại. Nó cần được đặt trong bối cảnh chung, là đổ vào vỉa hè trước hay cái khác sẽ có lợi hơn. Mặt khác, quận 1 làm được thì các quận khác viện dẫn các lý do khác để “chạy theo” sẽ như thế nào?” - TS Nguyên băn khoăn.
“Vỉa hè hiện nay không đồng nhất, mỗi nơi một kiểu, thậm chí mỗi đoạn một kiểu nhưng nó không có vấn đề gì về mỹ quan nên không nhất thiết phải tốn kém một số tiền lớn để “granit hóa” toàn bộ”. Nếu tiền đầu tư không lấy từ ngân sách, không lấy từ tiền thuế của người dân mà do các doanh nghiệp đóng góp thì đáng hoan nghênh” - TS Nguyên đề nghị.
Theo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh

Bình luận(0)