Phần thuyết trình bảo vệ
chương trình hành động đã chính thức khép lại sau màn “tỉ thí” của 4 ứng cử viên cuộc thi Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Chánh Thanh tra “tung” sở trường
Nếu như thí sinh đầu tiên, ông Phạm Hữu Sơn (Tổng Giám đốc tổng Công ty thiết kế GTVT) vốn chỉ nhiều kinh nghiệm trong quản lý doanh nghiệp công nghệ thông tin và thiết kế cầu đường, thì đến phần thi của ông Nguyễn Văn Huyện, nơi tổ chức thi đã bắt đầu nóng lên.
|
Bốn thí sinh (ngồi) vào phòng họp 2C của Bộ GTVT để làm bài thi. |
Theo ông Huyện, một trong những
vấn đề phải triển khai ngay, đó là việc giám sát chặt chẽ các phương tiện chở khách tuyến cố định. Cụ thể, nếu trở thành tổng cục trưởng thì ông Huyện sẽ áp dụng chủ trương quản lý tất cả phương tiện tham gia giao thông vận tải, thực hiện và quản lý giám sát chặt chẽ các phương tiện chở khách tuyến cố định ngay tại địa điểm xuất phát (bến xe, bến cảng, điểm bốc xếp hàng...).
Cũng theo ông Huyện, vấn đề tập trung rà soát công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch mạng lưới vận tải (kết hợp các phương thức vận tải khác), bến xe và dịch vụ hỗ trợ để làm cơ sở phát triển vận tải bền vững. Song song chiến lược phát triển các dịch vụ hỗ trợ vận tải, quan tâm đến hệ thống bến xe, trạm dừng nghỉ đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý.
Với cương vị là Chánh Thanh tra Bộ GTVT, ông Huyện cũng mạnh dạn đề đạt ý tưởng phân cấp mạnh cho địa phương trong công tác quản lý vận tải. “Tổng cục chỉ thực hiện việc tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện” – vị Chánh Thanh tra khẳng định.
Phần trình bày của ông Huyện đã khẳng định rõ quyết tâm của một vị “tổng cục trưởng tương lai” trong việc xử lý các sai phạm, nhưng dường như “lợi thế” này cũng chính là “yếu điểm” lớn nhất của ông Huyện. Bởi lẽ, rất nhiều người đều đánh giá khác biệt giữa 2 chiếc ghế “nóng” này.
Ở cương vị chánh thanh tra, việc nghiêm nghị trong
xử phạt là điều rất tốt nhưng ở ghế “tổng cục trưởng”, xử phạt chưa hẳn là biện pháp hay mà vấn đề xây dựng chiến lược, quản lý hệ thống và kinh nghiệm trong lĩnh vực cầu đường mới là vấn đề then chốt.
|
Công tác quản lý hạ tầng đường bộ tại Việt Nam còn quá nhiều “lộn xộn”, cần các giải pháp mới để thay đổi toàn diện. Ảnh: Tường Minh.
|
Chuyên gia cầu đường phân tích
Còn phần trình bày của ông Phạm Hồng Sơn, Bí thư đảng ủy, Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án 2, đưa ra “ý tưởng mới” đó là việc lắp đặt các hệ thống cân tải trọng xe, cân tốc độ cao.
Giải thích cặn kẽ ý tưởng này, ông Sơn khẳng định tính cần thiết phải áp dụng công nghệ mới vào giám sát hoạt động vận tải, đồng thời giữa các địa phương và các ngành phải phối hợp “chung tay” nhằm kiểm soát vấn đề
tải trọng xe.
Một trong những công tác quản lý Nhà nước cấp thiết là “phải quy định bao nhiêu năm về tăng cường hệ thống thẩm định, đào tạo thẩm định viên về an toàn giao thông” và lắp đặt các hệ thống cảnh báo hành trình trên các phương tiện giao thông.
Với kinh nghiệm hàng chục năm công tác trong lĩnh vực cầu đường, ông Sơn cũng khiêm tốn đề nghị thiết lập hệ thống giao thông thông minh trên các cao tốc và các quốc lộ trọng yếu, vì theo ông “phải kiểm soát bằng hết” để giảm thiểu những hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ.
Về công tác tổ chức, ông Phạm Hồng Sơn cũng đề cập đến một thực trạng rất cần thiết mà báo chí đã nhắc rất nhiều lần: Đó là việc phải làm lại hệ thống đào tạo trong lĩnh vực sát hạch, thi lái xe, tuyệt đối tránh trường hợp “không thi mà vẫn có bằng”, đồng thời đẩy mạnh công tác chuyên nghiệp hóa quản trị và duy tu đường bộ.
Đặc biệt, ông Sơn đưa ra quan điểm mạch lạc là “xóa bỏ tư duy bao cấp” trong việc bảo trì đường bộ, có sao dùng vậy, không trông chờ vào cấp trên rót vốn nuôi bộ máy cồng kềnh… Cũng theo quan điểm của vị thí sinh được khá nhiều người ủng hộ này thì việc kiểm soát tải trọng xe cần triển khai song hành với các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường sông và xây dựng lại kết cấu vận tải, hạ tầng vận tải.
“Chỉ khi hạ tầng vận tải phát triển đồng đều thì chi phí sẽ hạ xuống, có lợi cho người dân và phát triển kinh tế đất nước” - ông Sơn khẳng định.
Vị phó tổng cục trưởng tự tin
Người thi cuối cùng là ông Nguyễn Xuân Cường – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ đương nhiệm. Theo lẽ thường, ông Cường là “ứng viên số một” cho chiếc ghế tổng cục trưởng. Thế nhưng dưới thời bộ trưởng Thăng, ông Cường cũng chỉ là một ứng viên dự thi như mọi người.
Phần thi của ông Cường có lẽ là phần thi thu hút mọi người nhất, bởi lẽ, mọi người kỳ vọng ông “tung” ra hết các “bài” mà ông đang có lợi thế tiếp cận thông tin tại Tổng cục đường bộ. Và quả thực vậy, phần thi của ông Cường có lẽ là phần thi được thiết kế trên màn hình vi tính đẹp nhất, chi tiết nhất.
Các thiết kế của ông phó tổng cục trưởng khá nhiều màu sắc, minh họa rõ nét bằng hình ảnh đường xá, xe cộ, cầu, biểu đồ.... Tuy nhiên, điều thiệt thòi nhất cho ông Cường là rất nhiều nội dung thi của ông trùng với ý của các thí sinh thi trước như vấn đề duy tu sửa chữa đường, vấn đề kiểm soát tải trọng xe... và các nội dung thi của ông quá “bài bản” như chính các nội dung cũ đang công bố trên website của Tổng cục đường bộ Việt Nam.
Và với phần trình bày “quyết liệt” cũng thể hiện ông Cường chính là một trong số những “linh hồn” thực tế của Tổng cục đường bộ Việt Nam hiện nay, khiến rất nhiều người trong hội trường chợt ngẫm nghĩ, với cương vị là phó tổng cục trưởng từ tháng 11/2011 đến nay, tại sao ông Cường không triển khai luôn các chiến lược mà ông đang trình bày, cần gì đợi tới ngày nay mới đem các “tư liệu cũ” này ra “tỉ thí”?
Trước cuộc thi này, có lẽ Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng như các lãnh đạo Bộ GTVT luôn mong mỏi có một “làn gió mới” trong công tác quản lý phát triển hoạt động đường bộ và ngành GTVT quốc gia.
Trong đầu bộ trưởng Thăng, có lẽ ông đang nghĩ đến suy nghĩ thay đổi “làn gió mới”, mà không cách nào khác là phải giải quyết vấn đề đầu tiên là “con người mới”. Có lẽ yếu tố “mới” đang là thách thức chính yếu cho 15 thành viên ban giám khảo cuộc thi.