Bà Nguyễn Thị Diện, Trưởng ban Quản lý di tích (Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc) đã nói như vậy khi trao đổi với phóng viên.
Xây dựng chùa để kinh doanh?
Theo phản ánh của một số người dân thị trấn Tam Đảo, từ chân núi đến đỉnh Tam Đảo, hầu như các đền chùa đều là của tư nhân tự ý xây dựng nhằm mục đích kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Ngọc, bán hàng ở thị trấn Tam Đảo cho biết: Ở thị trấn chỉ duy nhất có đền Bà Chúa Thượng Ngàn là có từ lâu đời, được Nhà nước công nhận, còn chùa Vàng, chùa Thiên Phúc đều do bà Hoàng Thị Tâm, thủ nhang đền Bà Chúa thượng Ngàn tự ý đầu tư xây dựng.
Theo lời của chị Ngọc và một số người dân nơi đây thì bà Tâm và một nhóm người đã góp tiền xây dựng chùa từ năm 2007. Số tiền có thể lên đến hàng chục tỷ đồng để xây dựng hai ngôi chùa đó. "Một mình bà Tâm làm gì có tiền để xây chùa, có thể là một đại gia nào đó chống lưng về mặt tài chính và phải quan chức to ở địa phương mới có thể "làm phép" để cho họ xây dựng chùa theo ý của mình. Bởi họ biết rằng, lượng khách lên Tam Đảo ngày càng tăng, công đức cho đền chùa nhiều. Chính vì thế, xây chùa cũng là để kinh doanh lấy lãi", anh Lưu Văn Sơn cho hay.
Bà Lê Thị Loan bảo: "Ngày họ khởi công xây dựng chùa, chính quyền thị trấn cũng đến đình chỉ, nhưng thời gian sau thì cứ để họ xây dựng thoải mái. Tôi chưa từng thấy chiếc cổng ngôi chùa nào có kiến trúc lạ như vậy, nó giống như cổng dinh thự một đại gia, vậy mà gắn mác chùa Thiên Phúc. Bên trong lại xây dựng một "biệt phủ" 5 tầng. Xây nhà như vậy mà người ta nghiễm nhiên đặt tên là chùa. Những người ở xa không biết mới lên trên đó lễ bái, công đức chứ người dân chúng tôi chỉ làm lễ ở đền Bà Chúa Thượng Ngàn".
Thấy chùa đóng im ỉm, chúng tôi hỏi một bà quản lý nơi đây. Bà ta bảo chùa mới khánh thành và đưa vào sử dụng gần một tháng. Hiện chùa chưa có sư trụ trì, bà Hoàng Thị Tâm là thủ nhang, đồng thời là người đứng ra xây dựng chùa. Chúng tôi ngỏ ý muốn gặp bà Tâm, nhưng bà ta nói bà Tâm hiện bị bệnh nặng, đang điều trị ở bệnh viện nên không thể gặp được.
|
Ngôi chùa Thiên Phúc giống như một lâu đài 5 tầng. |
Cấp trên không phản hồi thì cứ để cho làm!
Trước bức xúc của người dân về việc bà Tâm tự ý xây dựng hai ngôi chùa trái phép, nhưng chính quyền không xử lý, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Thà, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo. Ông Thà cho hay, việc xây dựng chùa Thiên Phúc, chùa Vàng có từ năm 2007, do bà Hoàng Thị Tâm thủ nhang đền Bà Chúa Thượng Ngàn, cùng một số người gom góp tiền để xây dựng. Trước khi xây dựng bà Tâm cũng gửi bản thiết kế tới chính quyền với diện tích quy hoạch gần 3.000m2. "Chúng tôi cũng báo cáo sự việc với Sở Nội vụ để xin ý kiến, nhưng không thấy họ trả lời. Không trả lời gì thì chúng tôi cứ để cho họ làm", ông Thà cho biết.
Cũng theo ông Thà, khu vực xây dựng chùa nằm giáp ranh với vùng lõi của Vườn Quốc gia Tam Đảo. Khi tiến hành làm chùa họ cũng chặt bỏ đi nhiều cây trong vườn để xây dựng. Khi họ mới xây dựng, thị trấn cử lực lượng lên đình chỉ, nhưng một thời gian sau họ lại lén lút xây dựng. Chính quyền cũng đã can thiệp, nhưng không quyết liệt. "Chúng tôi không ủng hộ việc bà Tâm tự ý xây chùa, vì đất đó là đất giáp ranh với Vườn Quốc gia Tam Đảo, tự ý bà ấy xây dựng chùa trên đất đó là sai. Cũng không ai cấp phép cho bà xây chùa và đặt tên chùa như vậy, nhưng do chúng tôi giám sát không triệt để, nên họ mới xây dựng được. Giờ thì sự việc đã rồi làm gì được nữa", ông Thà thản nhiên nói.
Ông Phan Anh Hùng, Phó ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Trước đây chúng tôi cũng nhận được bản thiết kế xây dựng chùa Vàng, chùa Thiên Phúc từ UBND thị trấn Tam Đảo gửi, nhưng bản thiết kế và hồ sơ chưa hoàn thiện nên chúng tôi chưa chấp thuận. Sau đó chúng tôi đã chuyển hồ sơ đó cho Sở Xây dựng quản lý. Từ đó đến nay chúng tôi không nhận được sự phản hồi của địa phương. Chùa xây dựng như vậy là trái với pháp luật".
Theo ông Hùng, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định các hình thức xử phạt trong hoạt động tôn giáo. Vì thế, việc xử lý những người vi phạm rất khó. "Tôn giáo là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, giờ người ta xây dựng ngôi chùa đến 5 tầng, đã hô thần, nhập tượng thì làm sao có ai dám tháo dỡ. Vì thế, sắp tới chúng tôi sẽ kết hợp với các cơ quan ban ngành của địa phương, hướng dẫn họ thực hiện đầy đủ các quy trình thủ tục đăng ký khi xây dựng chùa, tuyên truyền cho họ thực hiện đúng các quy định Nhà nước trong hoạt động tâm linh", ông Hùng cho biết.
Chùa ở núi Tam Đảo hầu như là tự lập
Bà Nguyễn Thị Diện, Trưởng Ban Quản lý di tích, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Tôi hết sức bất ngờ khi các anh cho xem bức ảnh có tòa nhà nguy nga 5 tầng, trước cổng người ta đặt tên là chùa Thiên Phúc. Năm 2008, khi biết người dân tự ý xây dựng chùa trong khuôn viên đền Bà Chúa Thượng Ngàn, chúng tôi đã gửi văn bản lên UBND thị trấn Tam Đảo yêu cầu chính quyền địa phương tháo dỡ các tượng Phật. Vì họ xây dựng như vậy là trái phép, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản Văn hóa. Nhưng từ đó đến nay chính quyền địa phương không có phản hồi gì".
Nhìn vào bức hình khu nhà 5 tầng như một biệt thự trên núi Tam Đảo, bà Diện xót xa: "Tôi chưa thấy kiến trúc ngôi chùa nào mà kỳ dị như ngôi chùa này, không biết họ dựa vào đâu mà thiết kế như vậy".
Theo bà Diện, từ chân núi đến đỉnh núi Tam Đảo chỉ có chùa Vân nằm trong sự quản lý của Sở Văn hóa, các chùa khác đều do người dân tự ý xây dựng và quản lý. Trên địa bàn thị trấn Tam Đảo chỉ có duy nhất đền Bà Chúa Thượng Ngàn là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Còn chùa Vàng và chùa Thiên Phúc đều là chùa do người dân tự ý làm. Theo quy định của Luật Di sản thì những ngôi chùa khi xây dựng phải xin phép các cơ quan quan quản lý văn hóa. Và nó phải là chùa có gốc từ trước mới được xây.
"Chúng tôi sẽ báo cáo việc xây dựng chùa trái phép trên địa bàn thị trấn Tam Đảo tới lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch và xin ý kiến giải quyết", bà Diện cho biết.
"Từ năm 2007 bà Hoàng Thị Tâm cùng nhóm người trên thị trấn Tam Đảo đã phá cây cối bên đền Bà Chúa Thượng Ngàn để xây chùa Thiên Phúc, chùa Vàng. Diện tích đất thuộc sự quản lý của chúng tôi. Chúng tôi nhắc nhở không cho họ làm, nhưng ban đêm họ lén lút làm thì không quản lý được. Hiện Hạt kiểm lâm chỉ có 7 người, trong khi đó phải quản lý hơn 14 nghìn ha rừng. Vì thế không thể kiểm soát chặt chẽ diện tích đất mọi nơi. Giờ thì người ta đã làm chùa xong rồi thì không dám đụng vào nữa".
Ông Lưu Xuân Nghĩa (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tam Đảo, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc)