Nỗi khiếp đảm mang tên “bóng ma” ở buôn Bút Tưa

Google News

(Kiến Thức) - Ba ngày sau khi cúng ma Pơ Rong tuyệt đối không ai được bước vào khu vực này, nếu vi phạm cho dù là vô ý cũng sẽ phải lãnh hết mọi hậu quả.

Không ăn ngủ, khóa kín cửa vì sợ ma
“Buôn Bút Tưa hiện sống trong cảnh hoang mang. Những người sống gần địa điểm các gia đình vừa đập phá nhà cửa, vận chuyển đồ đạc tháo chạy vì sợ bị “ma bắt” tâm lý của họ đang trong tình trạng bị lung lay, rất có thể họ lại sẽ đập phá nhà cửa, chuyển đi theo nhưng gia đình trước đó trong một hai ngày tới. Chúng tôi đang có mặt tại buôn để làm công tác tư tưởng, động viên, chấn an người dân!...” – từ buôn Bút Tưa, ông BNướch Quý, phó Chủ tịch UBND xã Sông Côn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết vào trưa ngày 19/2.
 Tin rằng buôn mình bị "ma ám" người người đập phá nhà cửa rồi bỏ chạy
Toàn buôn Bút Tưa hiện có 239 nhân khẩu, đã có 17 gia đình với 65 người đập phá nhà cửa chuyển đến sống vật vạ nhà người thân cách chỗ ở cũ khoảng 2km. Tiếp tục có 3 gia đình với 20 người nữa chuẩn bị di dời, nâng tổng số gia đình sợ bị “ma ám” phải bỏ chạy khỏi địa điểm này lên 21 hộ với 85 người.
Trong tư duy lạc hậu của người Cờ Tu ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, không có nỗi sợ hãi nào bằng buôn bị “ma ám”, tức đồng nghĩa với những cái “chết xấu” sẽ liên tiếp xảy ra. Chính vì vậy, những gia đình hiện sống ở gần địa điểm 17 hộ đã đập phá nhà cửa, vận chuyển đồ đạc tháo chạy trong đêm suốt một thời gian dài sống trong kinh hãi đến phờ phạc cả người. 
Nỗi khiếp đảm của những người này thậm chí không có ngôn từ nào để diễn tả hết, chỉ biết rằng họ sợ đến mức không dám ăn, không dám ngủ, không dám đi làm, ban đêm không dám bước ra khỏi nhà vì sợ bị “con ma” bắt đi.
Gia đình A Lăng Leo đã phải sống trong những ngày đỉnh điểm của nỗi lo như thế. Nhà Leo cách vị trí những gia đình mới đập phá nhà cửa chuyển đi nơi khác khoảng 300 mét, được ngăn cách bằng một cái suối cạn. Tuy mới 25 tuổi nhưng A Lăng Leo đã xây dựng cho mình một cơ ngơi khá đầy đủ, làm được nhà gỗ kiên cố, đồ đạc trong nhà chẳng thiếu thứ gì.
 Vợ chồng A Lăng Leo vẫn còn in nỗi sợ hãi trên khuôn mặt
Tiếp chuyện chúng tôi, vợ chồng A Lăng Leo vẫn còn những nỗi bàng hoàng in rõ trên nét mặt và run run qua câu nói. Leo kể lại: “Cả nhà mất mấy ngày không ăn được, không ngủ được, không dám đi làm, ban đêm phải khóa kín hết các cửa, vợ chồng con cái nằm im thin thít. Mỗi khi nghe có tiếng động từ bên ngoài là run lên cầm cập. Đứa con nhỏ cũng biết sợ, nó không dám khóc lóc như mọi khi. Buổi tối vợ đi vệ sinh mình phải dắt đi, hai vợ chồng sợ lắm!...”. Để chấn an nỗi sợ hãi, vợ chồng A Lăng Leo lấy cây xương rồng treo quanh nhà để chặn “con ma”.
Rồi những ngày tiếp đó, đoàn thanh niên xã Sông Côn phải vào ngủ với gia đình A Lăng Leo thì nỗi kinh hãi từ cái không có thật này (“con ma”) mới bắt đầu hạ nhiệt. Tuy sợ nhưng Leo vẫn cho biết: “Có chết cũng sẽ chết ở đây chứ nhất quyết không chuyển đi đâu hết, mình không có đất ở đâu nữa để mà chuyển!...”.
Chúng tôi đã tìm cách tiếp cận với những gia đình đã bỏ buôn nhưng bất thành. Họ không muốn tiếp xúc với “người lạ” vì vẫn còn sợ “con ma” đi theo mặc dù trưởng buôn A Lăng Điêu đã có mặt để động viên, chấn an.
Tập tục khó tin, lạc hậu
Phó Chủ tịch UBND xã Sông Côn, huyện Đông Giang, ông BNượch Quý cũng là người Cơ Tu nên hiểu rất rõ những hủ tục lạc hậu truyền qua ngàn đời và ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào mình. Ông Quý cho biết, vào ngày 27 (âm) tới đây, buôn Bút Tưa sẽ tổ chức cúng cho “con ma” có tên là Pơ Rong.
Việc cúng vái này được tổ chức tại hai địa điểm là nơi người dân đã đập phá nhà cửa chuyển đi và nơi vừa chuyển đến. Lễ cúng có thể là con heo hoặc con chó, cúng làm 4 lần. Lần thứ nhất và thứ hai người ta sẽ khoanh vùng nơi vừa chuyển đến và chuyển đi, trong 3 ngày sau khi cúng bất luận có chuyện gì cũng tuyệt đối không ai được bước vào khu vực này, nếu ai vi phạm cho dù là vô ý cũng sẽ phải lãnh hết mọi hậu quả của cả buôn nếu có xảy ra chuyện gì, kể cả ốm đau, bệnh tật. Và họ sẽ phải cúng như thế cho đến lần thứ 4 mới thôi.
 Mọi người sợ "ma ám" đến nổi đề xuất đổi cả tên buôn trong đó có A Lăng Sỹ 
Luật tục của người Cơ Tu cũng quy định, trong suốt một năm này, người dân trong buôn chỉ được làm ăn gần nhà, không được lên nương, rẫy, vì sợ “con ma” sẽ tiếp tục theo về quấy phá. A Lăng Sỹ (36 tuổi) lo lắng: “Năm nay chắc là buôn mình đói rồi, không lên rẫy làm nương được, không có lúa, không có bắp”. A Lăng Leo thì chỉ vào 8 bao lúa để ở góc nhà than thở: “Số lúa này thì không thể đủ ăn trong một năm được”.
Nỗi ám ảnh “con ma” và bắt đi bằng cái “chết xấu” khiến không ít người còn nảy sinh việc đổi tên buôn Bút Tưa vốn đã có hàng chục năm qua thành một tên khác. Anh A Lăng Sỹ tâm sự: “Bút Tưa đã bị ma ám, phải bỏ tên đi thôi, cứ gọi bằng cái tên đó con ma sẽ còn theo!...”. Mấy người đang ngồi trong nhà A Lăng Leo cố uống rượu say để “vơi đi cái sợ” cũng gật đầu đồng tình.
Mỗi dân tộc đều có quyền tự do tín ngưỡng, nhưng với người Cơ Tu ở Quảng Nam, tín ngưỡng đã đến mức thái quá cần phải có những biện pháp loại bỏ ra khỏi tư duy cộng đồng và tín ngưỡng lạc hậu của họ.
 Tín ngưỡng thái quá đã khiến người dân tự ra nông nỗi này
Phó Chủ tịch BNướch Quý còn cho biết, giấc mơ đối với người Cơ Tu là sự linh thiêng tuyệt đối, cho đến giờ vẫn không ai có thể thay đổi ý chí của họ làm trái với giấc mơ. “Đêm nằm chiêm bao thấy điềm dữ lập tức ngày hôm sau chỉ ở nhà, không đi đâu hết, dù có chết đói họ cũng không đi!..” - BNướch Quý nói. Còn A Lăng Sỹ lại cho biết, khi đi vào rừng mà nghe tiếng chim jan kêu bên tay trái lập tức phải quay về, có cho vàng, cho ngọc họ cũng không đi vì đó là điềm dữ.
Chính vì tìn ngưỡng lạc hậu đó mà chỉ người mắc bệnh về thần kinh treo cổ tử tử, người dân buôn Bút Tưa cho rằng đó là cái “chết xấu” do con ma gây ra. Họ sợ “con ma”, sợ đến nỗi phải đập phá tan hoang nhà cửa trị giá mỗi căn nhà cả trăm triệu đồng, bồng bế, dìu dắt nhau chạy khỏi buôn trong đêm đem theo nỗi kinh hãi chưa từng có trong lịch sử của người Cơ Tu.
Khắc Lịch

Bình luận(0)