Cả buôn làng đập phá nhà cửa, tháo chạy vì sợ ma ám

Google News

(Kiến Thức) - Cho rằng buôn mình bị “ma ám”, 65 người đã đập phá nhà cửa, hoảng loạn bỏ chạy trong đêm, đem theo nỗi kinh hãi chưa từng có trong lịch sử người Cơ Tu.

Khiếp đảm vì cái “chết xấu”
Trước mắt chúng tôi, không ai có thể nhận ra đây là một điểm dân cư của buôn Bút Tưa, xã Sông Côn, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam), mà người dân Cơ Tu nơi đây đã cộng sinh gắn bó đời mình suốt hàng chục năm qua. Tất cả đã bị phá hủy hoàn toàn trong chốc lát. Sự sống của con người nơi đây cũng không còn khi bếp lửa của mỗi gia đình Cơ Tu đã ngừng đỏ. Người Cơ Tu ở buôn Bút Tưa đã đập phá nhà cửa, vận chuyển đồ đạc, hoảng loạn tháo chạy trong đêm để tránh cái chết vì cho rằng buôn mình đã bị “ma ám”.
Cảnh nhà cửa bị đập phá tan hoang của buôn Bút Tưa 
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như vào ngày mồng 4 Tết vừa qua, anh A Lăng Nghĩa (30 tuổi), không treo cổ tự tử ở nhà em trai mình bỏ lại vợ và hai con. Cái chết của anh A Lăng Nghĩa cùng với lời của thầy bói đã khiến nỗi sợ hãi của người dân buôn Bút Tưa tăng lên đến đỉnh điểm. Kết quả là cả cụm dân cư 17 gia đình với 65 nhân khẩu phải đập phá nhà cửa, bồng bế nhau tháo chạy trong nỗi hoang mang tột cùng.
Lịch sử buôn Bút Tưa do ông A Lăng Tưa tạo nên. Những người lớn tuổi ở địa phương kể lại rằng, ông Tưa vốn là người giàu có nhất vùng, nhà có cả kho chứa lúa gạo, heo, trâu bò từng bầy chạy quanh nhà. Tấm lòng ông Tưa rất độ lượng. Trong buôn ai khổ, ai đói ông đều ra tay giúp gạo, bắp, mỳ… Mọi người coi ông là một tụ trưởng của buôn làng. Ông chính là linh hồn, là chỗ dựa vững chắc cho người dân Cơ Tu nơi đây. Thế nhưng, vào năm 1979, khi ấy ông A Lăng Tưa 85 tuổi bỗng treo cổ chết tại nhà. Để thương nhớ người tụ trưởng, người Cơ Tu nơi đây lấy tên ông đặt tên cho buôn, từ đó buôn có tên gọi là Bút Tưa.
Theo quan niệm của người Cơ Tu ở các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam, chết do tự tử, chết đuối, tai nạn… là cái “chết xấu”, tức là cái chết này có sự can thiệp của “con ma”, đấng siêu nhiên có sức mạnh vô hình khiến cộng đồng người Cơ Tu chỉ cần nghe tới cũng đủ khiếm đảm.
Năm 2007, lại một cái “chết xấu” nữa đã xảy ra đối với buôn Bút Tưa, lần này đến lượt A Lăng Nhất treo cổ chết. Sau cái chết này, người dân nơi đây đã nghĩ tới cái “chết xấu” nhưng vẫn bình tĩnh để tiếp tục cộng sinh làm ăn. Vào tháng Chạp vừa qua, cháu của A Lăng Nhất là A Lăng Tròn (32 tuổi), treo cổ tự tử bỏ lại vợ và 5 người con. Sau cái chết này đã khiến người Cơ Tu ở buôn Bút Tưa ăn ngủ không yên bởi ám ảnh của cái “chết xấu”. Nhiều tiếng xì xào đã được loan truyền khắp các buôn gần, buôn xa là Bút Tưa đã bị “ma ám”.
 Nhà cưa bị phá tan tành để "con ma" không còn chỗ ở
Trong khi hàng chục hộ dân của buôn Bút Tưa đang sống trong nỗi hoang mang thì vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán vừa qua, anh A Lăng Nghĩa (30 tuổi) lại treo cổ tự tử bỏ lại vợ và hai con thơ. Lúc này, người trong buôn đều cho rằng, buôn mình đã bị con ma về phá. Họ bỏ hẳn mọi công việc ruộng nương, ở nhà sống trong nỗi khiếp hãi. Ban đêm không ai dám ra khỏi nhà vì sợ bị “con ma” bắt đi. Không ai dám ăn, dám ngủ, từ già đến trẻ tất cả đều hoang mang tột cùng.
Ông BNướch Quý, phó Chủ tịch UBND xã Sông Côn, huyện Đồng Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, trong lúc hoang mang như thế, một số người dân quyết định đến “thầy” ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng xem bói. Người này phán rằng: Nếu không “này kia”, buôn còn bị 3 người tự tử nữa, hai trai, một gái trong vòng một tháng.
Lần này thì nỗi khiếp đảm của người Cơ Tu ở buôn Bút Tưa lên đến đỉnh điểm. Chỉ trong vòng hai ngày mồng 7 và 8 tháng 2, 17 gia đình với 65 nhân khẩu của buôn Bút Tưa đã đập phát tan tành nhà cửa để con ma không còn chỗ trú ẩn. Nhà nhà vận chuyển đồ đạc hoảng loạn tháo chạy trong đêm với nỗi kinh hãi chưa từng có trong lịch của người Cơ Tu ở Quảng Nam. Nơi họ tìm đến là một khu dân cư khác cách đó chừng 2km, ở nhờ nhà người thân, vị trí này cách trụ sở UBND xã Sông Côn hơn 1km.
Tiền lệ chưa từng có trong lịch sử người Cơ Tu
Tiếp xúc với phóng viên, ông BNướch Quý, phó Chủ tịch UBND xã Sông Côn tỏ ra tiếc nuối cho sự việc đã rồi. Theo ông Quý, trước ngày cả khu dân cư đồng loạt phá nhà cửa tháo chạy, một gia đình trong buôn đã bỏ đi trước, chính quyền xã cũng đã nắm bắt được tin này. 
“Xã định từ ngày mồng 10 Tết sẽ cho lực lượng thanh niên xuống ở cùng bà con để tuyên truyền vận động, thế nhưng sự việc diễn biến quá nhanh khiến chính quyền không kịp trở tay” – ông BNướch Quý nói.
 Điêu tàn Bút Tưa.
Ngay sau đó, xã Sông Côn đã đến vận động bà con ổn định chỗ ăn ở, gợi ý người dân trở về chỗ cũ để tiếp tục định cư nhưng đều nhận được câu trả lời: “Nhà nước có cho tôi 2, 3 cây vàng cũng không về”. Thế rồi đến lượt ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang tới vận động bà con nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời y như vậy.
Đối với người Cơ Tu, một khi buôn đã bị “ma ám” thì đời đời, kiếp kiếp họ sẽ không bao giờ dám bén mảng vào địa điểm cũ nữa.
Lý giải 4 cái “chết xấu” của người dân buôn Bút Tưa, ông BNướch Quý cho biết, cả buốn người này đều có tiền sử mắc các chứng bệnh về thần kinh. Do không làm chủ được hành vi của mình nên đã dẫn đến hành động trên chứ hoàn toàn không có chuyện bị “ma ám” như quan niệm lạc hậu người dân Cơ Tu.
 Ông BNướch Quý tỏ ra tiếc nối khi sự việc đã rồi
Cũng theo ông Quý, nếu người dân không đi xem bói, không bị “thầy” phán buôn Bút Tưa sẽ còn 3 người chết trong vòng một tháng có lẽ họ vẫn chưa đập phá nhà cửa, hoảng loạn tháo chạy, gây ra một tiền lệ xấu chưa từng có trong lịch sử của người Cơ Tu như thế.
(Còn nữa)
Khắc Lịch

Bình luận(0)