Uống rượu tại phòng karaoke, phạt 1 - 3 triệu đồng
Trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với hành vi để người say rượu, bia vào vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng karaoke.
Hành vi này hiện nay theo Nghị định 75/2010/NĐ-CP chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng.
Dự thảo trên nếu được thông qua và ban hành, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.
|
Uống rượu bia hát karaoke có thể bị phạt tới 3 triệu đồng. |
Tuy nhiên, ngay sau khi dự thảo được công bố (ngày 14/1), nhiều ý kiến cho rằng những quy định trên còn nhiều bất cập. Theo một số chủ kinh doanh karaoke, 90% khách đến quán karaoke sau khi đã uống rượu, bia. Họ đi hát karaoke để giải trí, xả stress. Nếu không phục vụ, chỉ một hai lần sẽ mất khách, quán không có nguồn thu nào để tồn tại, chỉ nên xử phạt khách say rượu sẽ hợp lý hơn.
Một số luật sư cũng cho rằng, với vũ trường, phòng karaoke, nếu có đầy đủ giấy phép kinh doanh, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không nên cấm bán rượu, uống rượu tại đây mà đưa ra các mức phạt nếu địa điểm này tổ chức cho khách vui chơi, giải trí, dẫn đến say rượu, gây mất trật tự công cộng.
Cấm công chức uống rượu bia vào buổi trưa
Xác định việc cấm cán bộ, công chức uống bia rượu vào buổi trưa là "vừa chống lãng phí vừa bảo đảm an toàn giao thông", Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị 63 tỉnh thành cần triển khai quy định này tại hội nghị trực tuyến tổng kết Năm an toàn giao thông 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 (ngày 3/1).
Quy định này đã được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận tại một họp về vấn đề ATGT ngày 21/3/2012 nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng chưa thật hợp lý và đến nay vẫn chưa được triển khai đồng bộ.
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, không nên cấm công chức uống rượu bia buổi trưa bởi mọi chuyện cấm đoán phải có căn cứ khoa học. Ngoài giờ làm việc, mọi cán bộ, công chức đều là công dân. Họ chịu sự ràng buộc của pháp luật dân sự chứ không phải của thủ trưởng cơ quan. Tuy nhiên, chuyện uống rượu bia dưới ngưỡng an toàn về sức khỏe và về giao thông thì lại là chuyện khác, mọi người cần hiểu rõ để tự bảo vệ mình và bảo vệ an toàn cho người khác. Nếu uống dưới 1 cốc bia vào buổi trưa trong bữa ăn thì không có gì đáng phải cấm đoán. Tuy nhiên cần khuyên mọi người chỉ nên uống bia, rượu (ở mức độ hợp lý) vào bữa ăn tối mà thôi.
Cán bộ làm đám cưới không quá 50 mâm
Trong một nội dung của dự thảo ngày 28/9 chỉ thị về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh thành phố, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội đưa ra thảo luận vấn đề cán bộ, đảng viên tổ chức tiệc cưới không quá 300 người, không quá 50 mâm khách...
|
Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên khuyến khích làm cỗ cưới nhỏ gọn chứ không nên cấm làm quá 50 mâm.
Ảnh minh họa: Internet |
Tuy nhiên, ngay sau khi nội dung dự thảo này được đăng tải trên các kênh truyền thông đã nhận được nhiều ý kiến phản đối cho rằng quy định này cứng nhắc, vô lý.
Có người cho rằng, việc tổ chức đám cưới to, nhỏ bao nhiêu mâm là tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, phạm vi mối quan hệ của mỗi gia đình, có chăng chỉ nên khuyến khích họ thực hiện tiết kiệm chứ không nên cấm.
TS Nguyễn Thị Hồng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho rằng chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cấm cỗ cưới không quá 300 người, không được tổ chức ở khách sạn 5 sao là những quy định hết sức cứng nhắc. Trước đây Hà Nội cũng đã có quy định cán bộ, đảng viên gương mẫu không tổ chức cỗ cưới mặn mà dùng tiệc trà, tiệc ngọt… Tuy nhiên, chỉ một thời ngắn, những quy định này đã không còn phù hợp bởi họ thấy lạc lõng, úi xùi. Nhất là trong điều kiện mỗi gia đình chỉ có 1,2 con hiện nay. Nhu cầu tổ chức đám cưới đàng hoàng một chút là điều hoàn toàn thực tế.
“Để đám cưới sự là một dịp vui và thể hiện nếp sống văn minh lịch sự thì tôi nghĩ không nên đặt ra một quy định bắt buộc. Bởi mọi quy định cứng đều trở nên khiên cưỡng khi nó đi vào vận hành trong cuộc sống”, bà Hồng ý kiến.
Theo bà Hồng, cấm không có nghĩa là áp dụng một luật định mang tính hà khắc mà trước hết phải bắt đầu từ nhận thức của mỗi người, sau đó vận dụng các quy định mềm bởi còn phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh, tính chất công việc, mối quan hệ xã hội của mỗi người.
Trước đó, Hà Nội quy định trong việc tang và lễ hội không được thả tiền và đốt đồ mã. Khi các gia đình có người qua đời phải bỏ tục phạt mộc, yểm bùa, bắt tà, trừ ma… nhập quan trước 12 giờ; không tổ chức làm cỗ, mời khách ăn uống trong việc tang; nghi thức cúng, an táng, cải cát chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình và thân tộc.
Cấm biếu qùa Tết lãnh đạo
Trong Chỉ thị số 21 do Ủy viên bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh ký ban hành nói về các vấn đề văn hóa trong dịp tết Quý Tỵ 2013 có đưa ra quy định "nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên".
Sau khi chỉ thị đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng việc làm này chưa thực sự khả quan và khó kiểm soát.
|
"Cấm biếu quà Tết không cấm được tham nhũng" |
Dưới góc nhìn văn hóa, GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, đừng xem nặng vấn đề tặng quà cho sếp bởi đó có thể là một món quà nhỏ, chứ chưa hẳn là mục đích "nịnh bợ" hay biếu xén...
Vấn đề cấm biếu quà sếp đã được đề cập rất nhiều, gần đây hầu như năm nào ở thời điểm giáp Tết Nguyên đán cũng có quy định này. Quà có hai mặt, nó là phương tiện giao tiếp thể hiện tình cảm và thiết lập quan hệ xã hội. Quà cũng có thể là đút lót, hối lộ với mục đích mua bán, "bôi trơn"... Nếu như "quà" có bị tha hóa thành hối lộ thì cũng chỉ người biếu và người nhận biết, làm sao để phát hiện mà xử lý được.
Theo đó, giáo sư Thịnh cho rằng việc cấm biếu quà rồi sẽ chìm đi, không đi vào thực tế. Đó chỉ là hình thức, là khẩu hiệu hô hào, không phải cấm như thế là cấm được tham nhũng. Quan trọng là động cơ bên trong của người biếu quà và người nhận quà. Nếu như biếu quà nhau, chúc tết nhau để thể hiện tình cảm, sự quý mến trân trọng nhau thì nó rất ý nghĩa đấy chứ. Chúng ta hãy nhìn hai mặt của vấn đề, đừng lúc nào cũng nghĩ xấu cho nó.
Tang lễ công chức có không quá 7 vòng hoa
Theo đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 17/12/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức viên chức. Trong đó có quy định, đám tang mỗi công chức không có quá 7 vòng hoa.
Cụ thể: Ban Tổ chức lễ tang sẽ chuẩn bị 2 vòng hoa đặt cố định 2 bên bàn thờ; chuẩn bị 5 vòng hoa luân chuyển. Các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen, có kích thước 1,2m x 0,2m, ghi dòng chữ trắng: "Kính viếng", dưới có dòng chữ nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân để gắn vào vòng hoa do ban tổ chức lễ tang chuẩn bị.
Nghị định cũng quy định, không rắc vàng mã và các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và ngoại tệ trong quá trình đưa tang từ nhà tang lễ hoặc gia đình đến nơi an táng; không đốt đồ mã tại nơi an táng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối quy định này vì cho rằng, vòng hoa là để tưởng nhớ tới người đã khuất, nếu có cấm thì nên cấm tổ chức đám tang rình rang, tốn kém, phong bì biếu xén...
Và chiều 10/1, TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) ký văn bản "tuýt còi" Nghị định 105/2012 của Chính phủ về tổ chức tang lễ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo ông Sơn, qua xem xét đã thấy một số nội dung trong Nghị định cần được trao đổi, nghiên cứu tiếp.
Nghị định 105 có quy định về số lượng vòng hoa và luân chuyển vòng hoa trong lễ tang viếng cho những người đến viếng người quá cố tuy thể hiện tinh thần tiết kiệm, tránh phô trương nhưng lại rất khiên cưỡng. Nếu không cần vòng hoa khi viếng thì nên quy định rõ là khi đến viếng không mang theo vòng hoa.
Việc đặt một vòng hoa để luân chuyển ngay tại lễ viếng thì tâm lý người đến viếng cũng thấy lấn cấn. "Tôi đã nghe dư luận nói rằng điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng người quá cố và bản thân người đến viếng cũng thấy không thành tâm", ông Sơn bày tỏ.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU