Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Những ngày đầu tháng 10, người dân cả nước không khỏi buồn đau khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam, đã từ trần tại Viện Quân y 108 (Hà Nội) khi Người vừa bước sang tuổi 103.
Ngay trong đêm Đại tướng mất, nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa tin trên vị trí nổi bật. Trong nước, hàng loạt tờ báo đã dành những vị trí trang trọng nhất để nói về Người. Các tờ báo điện tử lớn cũng đổi phông nền sang màu trắng đen để để tang Người. Hàng nghìn, hàng vạn người đã xếp hàng dài trước căn nhà số 30 Hoàng Diệu trong nhiều ngày liền để phúng viếng Người.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi là một mất mát lớn cho cả dân tộc. |
Bloomberg dẫn lời Stanley Karnow, nhà báo kiêm nhà sử học và là tác giả cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam nhận xét: "Sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Ông là một vị tướng tự học và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối.
Tân Hoa Xã ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam. "Ông được người dân Việt Nam tôn kính, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh", hãng thông tấn Trung Quốc đánh giá.
Trong khi đó, hãng thông tấn Mỹ AP đưa tin, Tướng Giáp "là một lãnh đạo của đội quân áo vải, gồm những du kích quân đi dép xăng đan làm từ lốp xe, kéo từng cỗ pháo qua những ngọn núi để bao vây và tiêu diệt quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954".
Đại tướng từ trần với hai biệt lệ, đó là Người từ chối an nghỉ ở nghĩa trang Mai Dịch, và lễ tang Người được tổ chức theo nghi lễ Quốc tang. Khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) được chọn làm nơi an nghỉ ngàn thu của Người.
Chị Hoàng Thị Nguyệt – Người đưa vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ra ánh sáng
Chị Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), người đã dũng cảm đứng ra tố cáo việc nhân bản kết quả xét nghiệm huyết học tại bệnh viện này xứng đáng là một trong những nhân vật tiêu biểu của năm 2013.
Để đấu tranh bảo vệ người dân huyện Hoài Đức được quyền chăm sóc, khám chữa bệnh đúng với chuyên môn và quy định của pháp luật, sau đó là bảo vệ bản thân và các cán bộ khác của bệnh viện đang phải chịu sự quản lý độc đoán của vị giám đốc bệnh viện này, chị Nguyệt đã dũng cảm tố cáo việc nhân bản kết quả xét nghiệm tới báo chí và các cơ quan chức năng.
Để có được trên tay bằng chứng chứng minh việc “nhân bản” phiếu xét nghiệm huyết học, chị Nguyệt và nhiều đồng nghiệp của mình đã đưa sổ theo dõi kết quả xét nghiệm đi photo, sau đó đặt vào vị trí cũ. Chị Nguyệt từng tâm sự: "Tôi rất lo vì chỉ cần một sơ suất nhỏ, hành động của tôi sẽ bị phát hiện. Khi chưa đủ chứng cứ cáo buộc sai phạm, tôi chỉ có một con đường duy nhất là rời khỏi Bệnh viện đa khoa Hoài Đức… Tôi ý thức rằng, công việc của tôi rất mạo hiểm, mỗi hành động của mình nếu bị lộ đồng nghĩa sai phạm tại khoa Xét nghiệm sẽ không thể phanh phui, cùng với hệ quả mà tôi nhận chắc mọi người cũng sẽ biết".
Hành động của chị Nguyệt đã được người dân và dư luận vô cùng cảm kích. Nhiều người đã tới tận nơi chị công tác để tặng hoa và nói lời cảm ơn chị.
Thế nhưng, bên cạnh sự cảm kích và “sự tung hoa” của dư luận, báo chí, chị Nguyệt cũng đối diện với không ít khó khăn, khắc nghiệt ập đến vì hành động của mình.
Ngay sau khi tố cáo việc nhân bản kết quả xét nghiệm, chị Nguyệt đã bị Giám đốc Bệnh viện Hoài Đức tố ngược lại rằng chị cũng tham gia vào việc nhân bản kết quả xét nghiệm. Còn trước đó, 40 cán bộ bệnh viện này cũng đã ký tên vào đơn tố cáo ngược chị Nguyệt. Đơn tố cáo cho rằng do chị Nguyệt thường gợi ý bệnh nhân làm xét nghiệm ngoài chỉ định của bác sỹ để thu tiền ngoài biên lai, nên Ban giám đốc đã cử chị Nguyệt làm việc tại khu xét nghiệm nội trú để hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân. Ngoài ra, có 3 trường hợp trùng kết quả xét nghiệm do chị Nguyệt ký tên trên phiếu kết quả. Tuy nhiên, sau đó 100% người ký tên tố cáo ngược chị Nguyệt đã rút đơn và gửi lời xin lỗi chị.
Trao đổi với báo giới, chị Nguyệt khẳng định: “Tôi không tham gia vào việc nhân bản các kết quả xét nghiệm. Nếu tôi tham gia thì tôi đã không tố cáo, chẳng ai tự mình tố cáo chính bản thân mình cả”.
Nguyễn Thanh Chấn - người tù oan được trả tự do sau 10 năm
Ngày 4/11/2013, ông Nguyễn Thanh Chấn đã được trả tự do, trở về nhà tại Việt Yên, Bắc Giang sau 10 năm ngồi tù oan.
|
Những giọt nước mắt của ông Chấn và người thân vào ngày đoàn tụ sau 10 năm chịu cảnh tù oan ức. |
Cụ thể, hơn 10 năm trước đó, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ án giết người. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp … dẫn đến tử vong.
Ngày 29/9/2003, ông Nguyễn Thanh Chấn "nhận lệnh" Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam về tội danh giết người.
Ngày 26/3/2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân.
Ngày 25/10/2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15/8/2003 để cướp tài sản.
Ngày 6/11, hai bản án kết tội ông Chấn đã bị hủy, sau rất nhiều lần ông và gia đình viết đơn kêu oan.
Sáng 4/12, tại Hội nghị giao ban báo chí của UBND tỉnh Bắc Giang, trả lời về vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang Trần Đình Hồng đã thừa nhận có sai sót trong vụ kết án Nguyễn Thanh Chấn.
"Có sai sót trong quá trình tổ chức điều tra, có những nguyên nhân chủ quan dẫn đến oan. Đây là việc hết sức đáng tiếc trong quá trình tác nghiệp của lực lượng công an. Chúng tôi cũng thấy cần nghiêm túc kiểm điểm”, ông Hồng nói.
Khi ông Chấn đi tù tất cả họ hàng anh em đều suy sụp. Các con ông Chấn đi học thì bị bạn bè xa lánh kỳ thị. Thậm chí cụ Vì, mẹ ông Chấn đã già cả nhưng vẫn có người độc miệng nhiếc móc rằng đẻ ra kẻ giết người. Từ chỗ kinh tế khá giả, gia đình ông Chấn thành túng thiếu, các con phải kiếm sống từ sớm. Nguyễn Thị Quyết, cô con gái thứ 2 đã bỏ gia đình đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Năm nay 29 tuổi nhưng chị Quyết vẫn cương quyết nói bố không về được thì con cũng không muốn về nước, không muốn nghĩ tới chuyện lấy chồng. Còn vợ ông Chấn vì đau buồn khi chồng bị đi tù và kiệt sức sau nhiều năm ròng rã kêu oan cho chồng mà đã hóa tâm thần.
Đại biểu Dương Trung Quốc – Người hiếm hoi không biểu quyết thông qua Hiến pháp
Là một trong hai đại biểu Quốc hội không bấm nút thông qua Hiến pháp (sửa đổi), ông Dương Trung Quốc đã không ngần ngại công khai việc này.
Giải thích với báo chí về việc làm này, ông Quốc nói: “Bản thân tôi cũng trực tiếp tham gia vào dự thảo Hiến pháp với tư cách là một thành viên ban biên tập, rằng tôi có thể khẳng định công tác chuẩn bị đã tiến hành trong thời gian dài, đầu tư nhiều công sức, thảo luận dân chủ. Trong quá trình đó, hầu như tất cả ý kiến đều được ghi nhận và có hồi âm, giải trình rõ ràng. Tuy nhiên, tôi vẫn có suy nghĩ riêng của mình. Đó là vào thời điểm này đã chín muồi cho việc chúng ta không chỉ sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mà với tất cả trải nghiệm của hơn 20 năm vừa qua, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, chúng ta nên có những bước đi căn bản hơn. Hiện nay tôi thấy có những vấn đề chưa ngã ngũ, ví dụ như vấn đề sở hữu, vấn đề liên quan đến chính quyền địa phương..., vậy mà chúng ta khép lại như vậy thì tôi cho rằng nó hơi nửa vời”.
Hai lá phiếu trắng trong gần 500 phiếu đồng ý đã đi vào lịch sử của Quốc hội Việt Nam, thể hiện thái độ rất đáng trân trọng. Qua lần bỏ phiếu này, nhiều người cho rằng, ông Dương Trung Quốc xứng đáng là đại biểu của nhân dân.
Trước đó, ông Quốc từng gây sốc bên hành lang phiên họp Quốc hội khóa XIII, ngay 31/10/2013, với phát ngôn “Vinashin”, “vinacho”: “Vinashin đã là thảm họa. Nhưng nguồn gốc thảm họa là “Vinacho”, và bên cạnh là “Vinachia”. Chia như thế nào? Đấy là sự thỏa hiệp ngầm, thỏa hiệp đen để bòn rút cái tài sản nhà nước”.
Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An Nguyễn Tài Dũng
Sáng 8/11/2013, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Tỉnh uỷ, UBND và Sở Công thương Nghệ An đã tổ chức Lễ truy tặng Huân chương Dũng cảm cho ông Nguyễn Tài Dũng, nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương thiệt mạng trên đường đi cứu trợ lũ lụt.
Trước đó, vào đêm 1/10/2013, ông Nguyễn Tài Dũng cùng lái xe riêng đi xe 7 chỗ đến khu vực tập kết hàng cứu trợ để ứng cứu khẩn cấp cho người dân bị ngập ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) thì bị nước lũ cuốn trôi. Tài xế đã thoát được qua cửa kính còn ông Dũng kẹt lại và bị trôi cùng chiếc xe.
Một ngày sau đó, thi thể của ông Dũng mới được tìm thấy trong chiếc xe gặp nạn cách hiện trường hơn 200 mét. Bên trong xe là hàng trăm gói mỳ tôm và những thực phẩm cứu trợ khác chưa kịp chuyển đến cho người dân. Thi thể ông được an táng tại quê nhà.
Cái chết của ông Dũng đã làm nhiều người xúc động và cảm phục.
Ông Nguyễn Tài Dũng sinh năm 1962, quê xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Ông từng làm việc ở Nhà máy dệt Minh Khai trước khi học ở Đại học Công đoàn Liên Xô cũ và Học viện Quan hệ lao động - xã hội Liên bang Nga. Năm 2002, ông giữ chức Chủ tịch Công đoàn ngành thương mại Nghệ An; đến năm 2006 là Phó giám đốc Sở thương mại kiêm Chủ tịch Công đoàn ngành. Tháng 4/2008, khi sáp nhập Sở Công nghiệp và Sở Thương mại, ông Dũng tiếp tục nhận trọng trách Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An tới khi tử nạn. Ông từng được Thủ tướng tặng bằng khen; được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Công đoàn, Huy chương Vì sự nghiệp thương mại...
Nhà báo Thu Uyên – Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng – Luật sư Trần Đình Triển
Từ một clip có nội dung vạch trần các nhà ngoại cảm trong chương trình Trở về ký ức của VTV, “bộ ba” nhà báo Thu Uyên, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và luật sư Trần Đình Triển bổng được báo chí và dư luận đặc biệt chú ý hơn bao giờ hết.
|
Nhà báo Thu Uyên và Luật sư Trần Đình Triển. |
Trong clip này, sau những đoạn vạch trần những hành vi lừa đảo của một số nhà ngoại cảm rởm thì có một đoạn ngắn nêu lên việc tìm thủ cấp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằn. Theo đó, clip đưa ra bản giám định của Viện Pháp y Quân đội và ý kiến của một vị làm trưởng phòng ở Viện này cho hay, phần thủ cấp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên mà bà Hằng tìm thấy chỉ là một nắm xương lợn và mảnh sành.
Sau clip này, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng được báo chí hỏi thăm dồn dập. Bà Hằng cho biết vô cùng buồn, sốc trước sự việc này và sẽ kiện VTV. Người nhà liệt sĩ Phùng Chí Kiên cũng đứng về phía bà Hằng, cho rằng mẫu vật thủ cấp liệt sĩ Phùng Chí Kiên mà bà Hằng tìm được đã bí đánh tráo, bởi khi mở niêm phong để giám định, không có người nhà liệt sĩ Kiên chứng kiến. Luật sư Trần Đình Triển cũng đưa ra nghi vấn trên, và tố nhà báo Thu Uyên đã công bố tài liệu mật Quốc gia trong vụ này.
Sự việc chưa dừng lại ở đây. Một thời gian ngắn sau, luật sư Trần Đình Triển đã viết trên trang cá nhân và được một số trang tin điện tử đưa lại rằng nhà báo Thu Uyên đã lừa đảo khán giả trong một gala của seri chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly của VTV mà Thu Uyên làm chủ nhiệm kiêm MC. Theo đó, ông Triển cho hay, Thu Uyên đã đánh lừa hàng triệu khán giả cả nước và người trong cuộc khi cho 2 nhân vật chính trong chương trình này đoàn tụ mặc dù họ không phải là mẹ con ruột. Sau đó, một đơn vị của VTV là đối tác của Công ty TNHH Truyền thông Sài Gòn Buổi Sáng – công ty thực hiện chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, đã gửi đơn kiện luật sư Triển về tội vu khống tới Bộ Công an và Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Sau một thời gian tranh cãi gay gắt, cuối cùng nhà báo Thu Uyên đã công khai gửi lời xin lỗi đến khán giả cả nước về 2 trường hợp đoàn tụ nhầm lẫn của năm 2008 trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly số 69 phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 ngày 14/11 vừa qua.