Tòa ngang dãy dọc
Vãn cảnh chùa Hương (khu danh thắng Hương Sơn, di tích quốc gia từ năm 1962) những ngày này chủ yếu là khách nước ngoài, hoặc du khách tìm về chụp ảnh hoa súng trên suối Yến. Sau khi đò cập bến Thiên Trù sáng 10/11, chúng tôi lên ngôi chùa cổ kính.
Khu vực tháp chuông hiện được quây lại để tu bổ, mái ngói lợp dở dang do chỉ được một người làm để đảm bảo đều tay. Theo mũi tên chỉ dẫn về phía tay trái, du khách đi qua con đường đá mới toanh, vườn tháp bằng đá mới tu bổ, hương án bày đôi lọ sứ Trung Quốc.
|
Công trình kiến trúc lạ đồ sộ mọc ngay vùng bảo vệ cấp 1 của di tích Thiên Trù. Ảnh: Toan Toan. |
Đập vào mắt là công trình nguy nga cấu trúc hai tầng, trong đó thêm một tầng áp mái để trống và chỉ đi lên được từ bên trong. Theo người giúp việc nhà chùa, tòa nhà mới xây vài năm gần đây được gọi là Hương nghiêm pháp đường.
Tầng một chia làm nhiều phòng kê giường đơn, tiện nghi, điều hòa nhiệt độ để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của các phật tử, du khách khi về chùa. Khu vực ở giữa là phòng lớn, có thể dùng làm phòng ăn hoặc phòng họp. “Muốn nghỉ lại đây thì cứ bạch các sư để được sắp xếp”, người này nói.
Điều quan trọng là công trình với tường bao, cầu thang lên xuống đều bằng đá, hoa văn trang trí không giống với công trình truyền thống tại di sản quốc gia này. Bên ngoài, dọc đường lên xuống và phần gần mái có hình trang trí rất lạ, thậm chí có thể gọi là quái thú. So ngay với chùa Thiên Trù cổ kính cách vài chục bước chân, sẽ nhận thấy công trình này có kiến trúc pha tạp và không ăn nhập với không gian cảnh quan xung quanh.
GS Trần Lâm Biền, ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng, tòa nhà này to hơn cả chùa cổ, mà nhà Phật cần sự khiêm tốn, hài hòa với thiên nhiên. Có chuyên gia mỹ thuật kinh ngạc về kiến trúc lai căng của công trình này.
“Hình đầu rồng được trang trí tại tòa nhà ba tầng này là một sự pha tạp, phía đằng sau của con rồng chắp vá lung tung. Cái vòi của con rồng là vòi voi, bên dưới lại là mũi sư tử đều không có trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Mặc dù nghệ thuật tạo hình thời nhà Mạc có cả vòi và mũi nhưng ở dưới mồm của đầu rồng lại không có mang và trên đầu không thể có lông mao của thời nhà Nguyễn”, GS Biền bình luận.
Loanh quanh lòi sai phạm
Đem thắc mắc về công trình lạ ở Chùa Hương tên Hương nghiêm pháp đường chùa Thiên Trù, chúng tôi gặp đại diện Ban quản lý (BQL) di tích danh thắng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng BQL nói tòa nhà được xây từ năm 2011, đưa vào sử dụng cuối 2013, công năng làm nhà ăn, nhà kho, nhà khách của chùa.
Hạng mục này trước kia thuộc quyền quản lý của Cty du lịch và Cty Thắng cảnh Hà Tây, bàn giao lại cho nhà chùa từ 2000. Theo ông Thanh, tòa Hương nghiêm pháp đường này vốn chỉ là tòa nhà cấp bốn lợp ngói sông Cầu, được xây dựng khoảng 1970.
Trả lời thắc mắc tại sao ngay trong khu vực bảo vệ cấp một của di tích lại có công trình lạ với quy mô đồ sộ như vậy, ông Thanh nói: “Năm 2010 có trận mưa lớn, khu nhà này xuống cấp và hư hỏng nặng. Nhà chùa có làm thủ tục xin tu sửa. BQL dựa trên tờ trình có xác nhận gửi UBND huyện Mỹ Đức”.
Theo lí luận của ông, do công trình này không nằm trong di tích gốc Thiên Trù, nên “chắc nhà chùa làm các thủ tục xin cấp phép”. Hỏi về thỏa thuận, sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền về kiến trúc xây dựng của tòa nhà như Sở VHTT Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL), ông Thanh trả lời “chắc là bên trên cũng nắm tình hình”.
Như vậy, BQL di tích danh thắng Hương Sơn không đưa ra được bất cứ loại văn bản thỏa thuận, cấp phép nào đối với tòa nhà này, dẫu không phải di tích gốc nhưng tòa nhà đã phá vỡ cảnh quan di tích, trái với quy định của Luật Di sản.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 18/4/2011, Ban Xây dựng, tôn tạo và phục chế chùa Hương có tờ trình gửi UBND huyện Mỹ Đức về việc tu sửa một số công trình như sân chùa Giải Oan, sửa khu đổ rác và xây một bể nước, tu sửa nâng cấp khu nhà ở cho Phật tử tại Thiên Trù - chính là Hương nghiêm pháp đường, và được chấp thuận.
Liên hệ với ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức để tìm hiểu thêm: Ông là người chịu trách nhiệm phát ngôn, phụ trách lễ hội chùa Hương và các hạng mục liên quan.
Được tân chủ tịch UBND huyện chỉ đạo nhưng ông từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hoạt, vừa nhậm chức Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, trong buổi làm việc với chúng tôi chiều tối 10/11 ghi nhận phản ánh của báo chí, sẽ tìm hiểu và tìm hướng khắc phục, xử lý sai phạm tùy mức độ.