Nói về những phương thức buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ), Thiếu Tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an, cho biết: “Về mặt tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trong phạm vi quốc tế, thông thường có 4 phương thức gồm: trao đổi song phương, đàm phán với nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế; dùng nước thứ 3 làm trung gian hòa giải; đưa ra tòa án quốc tế phân xử và cuối cùng là giải pháp quân sự. Tuy nhiên, bất kỳ quốc gia nào, không chỉ là nước nhỏ mà cả nước lớn đều luôn cố gắng tránh giải pháp cuối cùng vì đó luôn là hạ sách.
|
Thiếu tướng Lê Văn Cương. |
“Về vấn đề Việt Nam – Trung Quốc hiện nay, trong nhiều năm, Việt Nam luôn kiên trì con đường đàm phán song phương với Trung Quốc, từng bước một giải quyết bất đồng và tranh chấp trên biển, đảm bảo lợi ích của 2 dân tộc, 2 quốc gia và 2 nước. Vì thế, Việt Nam đã và đang thực hiện phương thức giải quyết số 1 và điều này không phải là không có hiệu quả. Ta có thể thấy rằng, mỗi hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hay Hoa Đông sau khi hành xử xong đều phải lắng nghe phản ứng của cộng đồng quốc tế thế nào, rồi sau đó mới có hành động tiếp theo. Do vậy, phản ứng Việt Nam và thế giới sau sự kiện này, tôi tin rằng muốn hay không muốn lãnh đạo Trung Quốc phải suy xét hành động tiếp theo của họ”, ông Lê Văn Cương phân tích.
“Giữa Việt Nam – Trung Quốc, tôi cho rằng, Trung Quốc có thể có nhiều vũ khí, lắm tiền của hơn Việt Nam, nhưng chúng ta có 2 sức mạnh mà Trung Quốc không bao giờ có cả. Đó là là đạo lý, pháp lý xung quanh các vấn đề tranh chấp. Theo tôi, cộng đồng quốc tế bao giờ cũng đứng về Việt Nam, do những hạn chế, nguyên nhân khách – chủ quan mà họ không lên tiếng hoặc lên tiếng mức độ, nhưng tôi tin cộng đồng quốc tế luôn ủng hộ chúng ta”, ông Lê Văn Cương nói.
Thiếu tướng Lê Văn Cương kết luận: “Vì vậy, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu – buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981, rút tất cả các tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) hiện nay đi sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chứ không phải gần ranh giới biển quốc tế, cho nên tình hình rất nghiêm trọng. Việc làm này của Trung Quốc có chủ ý. Vì vậy, Việt Nam không thể không có phản ứng mạnh mẽ, vì chủ quyền đất nước là điều sống còn của dân tộc.
Việt Nam phản đối và nhất định phản đối đến cùng, yêu cầu cho được Trung Quốc rút giàn khoan hạ đặt trái phép ra khỏi vùng biển Việt Nam.
|
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. |
Theo bà Bình, những bước đi của Việt Nam là tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là hướng đi phù hợp trong điều kiện hiện nay. “Chúng ta chỉ muốn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước sau bao nhiêu năm chiến tranh. Ai cũng biết điều đó và thái độ của Việt Nam là muốn giải quyết mọi việc trong hòa bình. Nhưng rõ ràng, Trung Quốc chưa đáp lại thiện chí của Việt Nam.
Hoàng Sa là của Việt Nam và chúng ta có đủ bằng chứng lịch sử để chứng minh. Trung Quốc không chấp nhận sự thật đó, thậm chí còn đưa ra yêu sách với cái gọi là "đường lưỡi bò" nhằm độc chiếm Biển Đông, bị cả thế giới phản đối, vì chẳng có căn cứ gì cả, rõ ràng rất vô lý.
Chúng ta có lẽ phải, chúng ta có pháp lý, mà pháp lý ở đây là khách quan. Đó là điều rất quan trọng để chúng ta kêu gọi bạn bè thế giới ủng hộ. Chúng ta chỉ yêu cầu tôn trọng chủ quyền Việt Nam, không đòi hỏi cái gì khác, nên tôi nghĩ lẽ phải, chính nghĩa và pháp lý thuộc về chúng ta.
Theo ghi nhận, dư luận quốc tế đã lên án hành động vi phạm của Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam. Nhiều Chính phủ bày tỏ quan ngại đối với hành động của Trung Quốc. Nhiều tổ chức cũng đã lên tiếng và sẽ lên tiếng. Hành động của Trung Quốc không có gì biện bạch được nên dư luận quốc tế đồng tình và ủng hộ Việt Nam.
Tình hình còn diễn biến và chúng ta sẽ có thái độ tương ứng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”, nguyên Phó chủ tích nước Nguyễn Thị Bình nói.
Khi được hỏi chúng ta cần có hướng đi như thế nào để nhân dân Trung Quốc hiểu rõ hơn vấn đề và ủng hộ việc đảm bảo luật pháp quốc tế, hòa bình và an ninh tại Biển Đông, bà Bình cho hay: “Nhân dân Việt Nam rất hiểu thế nào là chiến tranh cho nên rất mong muốn có hòa bình, làm mọi cách để hòa bình, nhưng hòa bình trên cơ sở nào? Tôi nghĩ nhân dân Trung Quốc cũng không có lợi ích gì khi có xung đột, mà họ cũng mong muốn hòa bình và chắc chắn họ cũng muốn hữu nghị, cùng nhân dân Việt Nam phát triển. Hai nước láng giềng có quan hệ tốt với nhau là điều rất tốt đẹp.
Nhân dân Trung Quốc nếu hiểu được sự thật thì không bao giờ họ tán thành hành động của chính quyền Trung Quốc. Những thông tin đến với nhân dân Trung Quốc có thể lệch lạc nhưng sự thật sẽ là sự thật. Tôi tin chắc rằng về lâu dài nhân dân Trung Quốc sẽ hiểu được lợi ích chính đáng của họ ở đâu. Chúng ta cũng phải cố gắng, cùng với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để dư luận Trung Quốc hiểu được sự thật”.
Còn theo quan điểm của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Nguyên Tư lệnh quân khu 4, chúng ta phải đối phó bảo vệ chủ quyền bằng mọi cách nếu Trung Quốc vẫn làm càn. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan không phải thuần tuý là vấn đề thuộc về kinh tế, mà đây là âm mưu làm chủ Biển Đông của Trung Quốc, mà trong đó có vùng lãnh hải của Việt Nam. Đấu tranh với ý đồ này, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì không chịu lùi bước bằng sức mạnh của ta và bạn bè thế giới với các biện pháp tổng hợp để buộc Trung Quốc chấm dứt hành động này.
|
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. |
“Quyết tâm của Đảng và Nhà nước của nhân dân ta vừa kiên quyết bảo vệ vùng lãnh hải vừa giữ được hòa khí với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc vẫn cố ý làm càn, buộc chúng ta phải đối phó bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Đó là mục tiêu không thể thay đổi, mang tính sống còn đối với đất nước ta. Bạn cứ tin rằng Đảng và nhân dân ta có thể làm được, như những gì chúng ta đã làm được thông qua 2 cuộc kháng chiến trước đây”, Trung tướng Thước nói.
Lên tiếng về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, khẳng định: "Chúng ta hoàn toàn đủ sức đánh bại bất kỳ kẻ thù nào xâm phạm vùng đất, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc ta.
Tôi xin khẳng định, Bộ Quốc phòng, nhân dân Việt Nam đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Những năm qua, chúng ta đã bổ sung các phương tiện, trang bị chiến đấu rất mạnh, đặc biệt là những đầu tư nhằm nâng cao sức chiến đấu cho hải quân, không quân Việt Nam.
Vì thế, tôi khẳng định một lần nữa là chúng ta đủ sức để bảo vệ hiệu quả vùng trời, biển đảo của mình. Hiện nay, chúng ta đang đầu tư khá mạnh vào những khu vực phòng thủ dọc tuyến biển đảo. Với những phương tiện hiện đại ấy, với sức mạnh tổng hợp, sự đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân, Việt Nam hoàn toàn đủ sức đánh bại bất kỳ kẻ thù nào xâm phạm vùng đất, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc ta.
Dù lực lượng tàu ngầm của chúng ta chưa nhiều, nhưng những tàu ngầm kilo ấy vẫn đủ sức phòng thủ dọc tuyến biển đảo Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta còn có những tàu chiến được trang bị rất hiện đại, không thua kém gì tàu của Trung Quốc. Có thể nói, chúng ta đang làm chủ một lực lượng máy bay Su 30 MK2 – loại máy bay có thể đối chọi ngang ngửa với những loại máy bay hiện đại nhất của Trung Quốc”.