Ngày 3/5, Cục Hải sự Trung Quốc đơn phương thông báo triển khai giàn khoan nước sâu HD 981 trên biển Đông tại vị trí nêu trên đến ngày 15/8/2014 và đòi cấm hoạt động của tàu thuyền trong phạm vi bán kính 3 hải lý tính từ giàn khoan.
Những ngày gần đây, Trung Quốc đã cử rất nhiều tàu thuộc nhiều lực lượng khác nhau, tìm mọi cách, kể cả là gây hấn, ngăn cản các tàu chấp pháp của Việt Nam tiến gần đến khu vực giàn khoan.
Câu hỏi đặt ra là với khoảng cách xa như vậy, liệu Việt Nam có biết được giàn khoan HD 981 đã tiến hành khoan dưới đáy biển chưa? Và làm thế nào để phát hiện được điều đó?
|
Giàn khoan HD 981 khai trương tháng 5/2012 (ảnh trái). Nó có sân bay đỗ trực thăng, nặng 31.000 tấn, hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 mét và khoan sâu tối đa 10.000 mét tính từ đáy biển (phải). Theo Wall Street Journal, lượng thép để xây dựng HD 981 lớn gấp 4 lần lượng thép để dựng tháp Eiffel của Pháp. Theo thiết kế, HD 981 có thể chống chịu sóng cao 10 m cùng sức gió lên tới 160 km/h. |
Trả lời phóng viên qua điện thoại, TS. Nguyễn Thế Vinh, Trưởng khoa Dầu khí (Đại học Mỏ địa chất) cho biết, thời gian neo đậu của giàn khoan di động là rất nhanh; còn khoan nhanh hay chậm thì không khẳng định được vì phụ thuộc vào mục tiêu giàn khoan đó khoan từ đáy biển đến độ sâu nào. Theo TS. Vinh, ở độ sâu khoảng 5.000 mét, có cấu trúc địa tầng cần đến khoảng 1 tháng thi công, nhưng có những cấu trúc địa tầng phải mất đến 3 tháng thi công.
Về yêu cầu tàu bè giữ khoảng cách với giàn khoan, TS. Vinh cho rằng chỉ nhằm mục tiêu giữ an toàn cho tàu bè và giàn khoan chứ hoạt động khoan không hề bị ảnh hưởng vì giàn khoan di động được thiết kế với khả năng chịu bão lớn.
Về khả năng phát hiện mức độ hoạt động của giàn khoan HD-981, trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Quốc Hòa, doanh nhân Thái Bình, chủ nhân tàu ngầm mini Trường Sa 01 khẳng định việc phát hiện chuyển động của vật thể dưới nước cũng không khó.
"Hiện các tàu biển, tàu quân sự sử dụng công nghệ Sonar. Công nghệ này sử dụng tiếng vang để truyền dẫn lại âm thanh trong nước", ông Hòa nói.
"Tàu ngầm Trường Sa 01 hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nên chưa được trang bị cảm biến Sonar. Một thiết bị Sonar của Đức giá khoảng 200 triệu đồng có thể phát hiện ra những vật thể trong bán kính từ 800m – 3.000m. Những tàu hiện đại, tàu quân sự như tàu ngầm Kilo với những thiết bị hàng triệu USD thì có thể dễ dàng phát hiện ra các vật thể chuyển động dưới nước với khoảng cách lên đến vài trăm km".
Sonar (sound navigation and ranging) là một kỹ thuật sử dụng sự truyền âm thanh (thường là bên dưới nước) để di chuyển, liên lạc hoặc phát hiện tàu bè khác.
|
Có thể dùng sonar của tầu ngầm lớp Kilo để phát hiện xem giàn khoan HD 981 đã khoan xuống đáy biển Việt Nam chưa. |
Sonar của tàu ngầm dựa vào đặc tính lan truyền trong nước của sóng âm, dùng chuyển đổi sóng điện và xử lý thông tin để thực hiện việc dò tìm tàu thuyền trên mặt nước. Căn cứ vào phương thức làm việc mà chia ra sonar chủ động và sonar bị động. Sonar chủ động là tín hiệu âm thanh do máy phát ra lan truyền trong nước, sau khi gặp mục tiêu phản xạ trở lại, loại sóng hồi âm này được máy thu tiếp nhận. Căn cứ vào tốc độ lan truyền trong nước và khoảng cách thời gian từ khi phát tín hiệu đến khi thu nhận được cùng với hướng của sóng âm phản hồi, người ta xác định ngay được cự ly và phương vị của mục tiêu. Sonar bị động không tự phát ra mà chỉ thu nhận tín hiệu âm thanh từ mục tiêu phát ra.
Hiện tại các tàu của Trung Quốc đang ngăn cản tàu Việt Nam tiếp cận gần với giàn khoan HD 981 ở khoảng cách gần 20 km, nếu Việt Nam đưa tàu Kilo vào khu vực cách giàn khoan này khoảng dưới 100 km (khoảng 50 hải lý) thì chắc chắn sẽ phát hiện được động thái khoan dò đáy biển của HD 981.