Việt Nam nên làm gì sau phun vòi rồng đáp trả tàu Trung Quốc?

Google News

(Kiến Thức) - Tàu Kiểm ngư Việt Nam chống trả tàu Trung Quốc là hành động thực sự cần thiết, chính đáng, đúng pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: Việt Nam cần phải làm gì tiếp sau?

Xung quanh hành động các lực lượng Việt Nam đáp trả tàu Trung Quốc khi bị tấn công, dư luận trong nước cho rằng hành động đáp trả này là chính đáng và nên cổ vũ cho điều này. Vậy, xét về mặt luật pháp quốc tế, hành động đáp trả của Việt Nam có phù hợp? Kiến Thức có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng Văn Phòng luật sư Hoàng Luật Việt, Đoàn Luật sư TP HCM về vấn đề này.
 
Tàu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam. Ảnh minh họa
- Liên quan đến vụ việc khiêu khích uy hiếp của Trung Quốc nhiều ngày qua, Kiểm ngư Việt Nam buộc phải phun vòi rồng để đáp trả, nhiều ý kiến cho rằng, đây là hành động chính đáng?
Việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam vi phạm nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế về không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Hành động này cũng vi phạm cam kết chính trị - pháp lý của chính Trung Quốc trong quan hệ với các nước ASEAN về Biển Đông được ghi nhận tại điểm 4 và điểm 5 của Tuyên bố về ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC) năm 2002; thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hơn nữa, tàu Trung Quốc liên tục uy hiếp tàu Việt Nam như việc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam rồi dựng chuyện là tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc nhằm thực hiện âm mưu đen tối khác.
Thời gian vừa qua, Việt Nam đã rất nhún nhường, bình tĩnh để mong giải quyết trên tinh thần đàm phán, ôn hòa nhưng phía Trung Quốc vẫn manh động và cố tình gây hấn, uy hiếp các tàu của Việt Nam. Vì vậy, việc chống trả của các tàu Kiểm ngư là một hành động thực sự cần thiết, chính đáng, đúng pháp luật để bảo vệ vùng biển, tài sản, tính mạng của Việt Nam chúng ta.
- Luật sư có thể lý giải rõ hơn về điều này?
Theo quan điểm pháp lý quốc tế thì quyền chủ quyền là quyền riêng biệt của quốc gia được thực thi trong phạm vi Vùng đặc quyền về kinh tế và Thềm lục địa. Đây là quyền có nguồn gốc chủ quyền lãnh thổ, mang tính chất chủ quyền. Trong khi đó, quyền tài phán là hệ quả của chủ quyền và quyền chủ quyền, có tác dụng bổ trợ tạo ra môi trường để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền. Chúng ta có quyền thực thi pháp luật để đảm bảo quyền quản lý khai thác tài nguyên ở đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, phù hợp với pháp luật Việt Nam, phù hợp với các cam kết quốc tế. Vì thế, việc cảnh sát biển, kiểm ngư đưa tàu ra là thực hiện quyền tài phán để bảo vệ tài nguyên dầu khí được quốc tế công nhận. Sự hiện diện của tàu công vụ và tàu chiến của Trung Quốc ở đó, mà lại chống lại lực lượng chấp pháp ở đó là vi phạm pháp luật quốc tế và vi phạm quyền chấp pháp của Việt Nam.
 Luật sư Hoàng Cao Sang.
- Hành động đáp trả thích đáng của phía Việt Nam với tàu Trung Quốc có nên tiến hành thường xuyên khi các tàu Trung Quốc còn có những hành động ngang ngược tại hải phận của nước ta?
Tôi cho rằng, chúng ta không cổ vũ cho việc các bên dùng vũ lực để giải quyết vấn đề, nhưng tôi khẳng định rằng, chúng ta phải cương quyết và thể hiện bằng hành động là chúng ta sẽ đáp trả một cách thích đáng với những hành động gây hấn, uy hiếp quá đà của phía Trung Quốc trong việc lấn chiếm vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.
Nếu chúng ta nhân nhượng thì chúng ta sẽ trở nên hèn yếu và không bao giờ chống lại được kẻ bạo tàn, mà chúng ta phải đáp trả để giành lại công bằng cho dân tộc Việt Nam.
- Ngoài việc đáp trả bằng hành động phun vòi rồng, Việt Nam cần tiếp tục làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo?
Ngoài việc đáp trả trước mắt, về lâu dài nếu phía Trung Quốc còn có hành vi lấn chiếm vùng biển chủ quyền của chúng ta, thì Việt Nam dựa trên Công ước Liên hiệp quốc về Biển năm 1982 (Gọi tắt là Luật biển 1982) để khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam chúng ta.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), mà Trung Quốc đã ký kết với các nước Asean.
Luật biển năm 1982 và Bộ quy tắc ứng xử COC là hành lang pháp lý mà về lâu về dài, Trung Quốc phải tuân theo để thể hiện tính tuân thủ pháp luật và văn hóa của mình.
Chúng ta cũng cần kêu gọi các Quốc gia, tổ chức, cá nhân trên thế giới ủng hộ Việt Nam buộc Trung Quốc phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và rút giàn khoan khỏi hải phận Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
Hải Ninh

Bình luận(0)