Ở cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) có một khóm tre già nhưng tươi tốt, mập mạp đến lạ mà người ta vẫn gọi là khóm tre chủ quyền. Tre như một người lính ngày đêm canh gác chủ quyền đất nước. Ít ai biết rằng, để khóm tre tồn tại đến ngày nay không biết cơ man nào là những tranh đấu quyết liệt của các chiến sĩ biên phòng.
Tre Việt Nam
Là người Việt Nam, hẳn ai cũng từng nghe hoặc đọc thi phẩm "Tre Việt Nam" của Nguyễn Duy hoặc tùy bút về tre của Thép Mới. Tre được ví như hồn quê Việt, hoặc cao hơn là biểu tượng của người Việt Nam. Chẳng thế mà trong cuộc trưng cầu dân ý mấy năm về trước để chọn Quốc hoa, nhiều người đã chọn hoa tre làm biểu tượng.
Dài dòng một chút để nhớ về tre trong cuộc sống bộn bề này. Thời hiện đại nên hình như tre không còn là nguyên liệu tối ưu cho những mặt hàng thường ngày nữa. Nhiều làng quê, dáng tre cũng không còn, họ đã bấy những bụi tre vốn là ranh giới các nhà, các xóm để dựng lên những bức tường kiên cố. Thế nên, ở một khía cạnh nào đó thì dường như tre đang bị lãng quên.
|
Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. |
Nhưng có một nơi, tre mãi là biểu tượng và là người lính canh giữ chủ quyền biên giới của đất nước. Đó là khóm tre ở cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) đã vững trãi, kiên gan đứng đó bao nhiêu năm nay mà không hề lay chuyển trước bão tố biên thùy.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Thủy tự hào: "Người ta gọi khóm tre ấy là khóm tre chủ quyền. Khóm tre đó không biết là do ai trồng nhưng đã có từ rất lâu đời rồi. Từ khóm tre này đổ lại là đất của Việt Nam, sang phía bên kia là đất của Trung Quốc".
Có lẽ được gọi là khóm tre chủ quyền nên tre cũng khá lạ. Thân tre to hơn cả những cây luồng, có cây to như thân chuối và xanh mướt. Trong số hơn 50 cây tre ở đây, thì cây nào cũng mập mạp và có độ cao vài chục mét. Thiếu úy Hoàng bảo, có những cây tre già bên trong thân còn nguyên những vết đạn.
|
Khóm tre chủ quyền ở ven suối Nà La. |
Bảo vệ khóm tre
Không chỉ là biểu tượng, khóm tre chủ quyền còn là phân giới cắm mốc, là cơ sở đấu tranh giữ đất của quân và dân ta. Thiếu úy Nguyễn Xuân Hoàng cho hay, phía Trung Quốc rất muốn bỏ khóm tre ấy đi để lấy thêm phân giới. Nhưng nhờ khóm tre chủ quyền mà chúng ta đã phân giới cắm mốc thành công.
Khóm tre mọc ven cạnh con suối có tên Nà La. Suối Nà La bắt nguồn từ Trung Quốc chảy dọc biên giới Việt Trung đổ vào sông Lô, chiều dài biên giới là 2,10km thuộc huyện Thanh Thủy. Tại ngã ba Nà La - sông Lô là cửa khẩu Thanh Thủy. Suối Nà La có lòng sông rất hẹp, lại mềm yếu dễ xói lở.
Khi chúng ta xây kè biên giới chống xói lở ở suối Nà La, không biết nhà thi công thiếu hiểu biết hay do một sức ép nào mà kiên quyết đòi chặt bỏ khóm tre ấy đi. "Họ bảo phải chặt bỏ đi thì mới thuận lợi trong thi công. Nhưng anh em biên phòng đã nhất quyết bảo vệ, bởi khóm tre như một chiến sĩ đứng gác chủ quyền", Thiếu tá Hoàng chia sẻ.
Được biết, đây không chỉ là khóm tre chủ quyền có từ rất lâu đời ở cửa khẩu Thanh Thủy, đây còn là khóm tre duy nhất mà tất cả các cửa khẩu khác không có. Vì thế, cán bộ và chiến sĩ biên phòng đã kiên quyết bảo vệ khóm tre. Với họ, bảo vệ tre là bảo vệ đất nước, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
"Gần khóm tre chủ quyền còn có hai cây gạo cổ thụ. Hai cây gạo này vẫn còn những vết đạn ăn sâu vào thân. Ở vùng biên giới này, không chỉ có những câu chuyện cảm động về người, mà ngay cả những cây cỏ cũng có những câu chuyện riêng. Chúng tôi không bao giờ quên được điều ấy", Thiếu tá Nguyễn Xuân Hoàng cảm động.
|
Cột mốc biên giới ở cửa khẩu Thanh Thủy. |
Chống tội phạm vùng biên
Thiếu tá Nguyễn Việt Phú, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Thủy cho biết, đồn quản lý 5 xã có đường biên dài và phức tạp nhất trong 12 đồn biên phòng Hà Giang. Vì thế, tình trạng buôn lậu và buôn bán phụ nữ qua vùng biên cũng diễn biến phức tạp.
Chỉ tính riêng năm 2014, riêng số vụ mà cán bộ chiến sĩ biên phòng Thanh Thủy tiếp cận và giải cứu đã lên tới 200 vụ lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc. Theo Thiếu tá Phú, bọn buôn người hoạt động rất tinh vi, chúng dụ dỗ đưa người sang Trung Quốc với đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Khi sang bên kia rồi, nạn nhân mới thực sự biết là bị lừa. Có người trốn về Việt Nam được để trình báo, nhưng hầu hết đều không rõ tên tuổi, địa chỉ thật của bọn tội phạm.
Chỉ tính riêng đầu năm 2015, cán bộ và chiến sĩ nơi đây đã giải cứu 10 vụ buôn bán người. Nạn nhân không chỉ là người Hà Giang mà ở tất cả các nơi và số nhiều là các cô gái trẻ nhưng nhẹ dạ. Khi bị kẻ xấu dụ dỗ đi du lịch hoặc sang kia làm ăn, các cô liền đi theo.
"Hình thức buôn bán phụ nữ đã được bọn tội phạm thay đổi. Trước đây, chúng đánh đập, bắt ép. Bây giờ thì dụ dỗ, tán tỉnh lừa đi du lịch. Vì chúng có giấy tờ hợp pháp nên khó phát hiện. Rất nhiều vụ chúng tôi phải phối hợp với cơ quan chức năng nước bạn để phá án, giải cứu nạn nhân", Thiếu tá Nguyễn Hồng Tâm, Phó đồn trưởng phụ trách nghiệp vụ cho biết.
|
Nạn buôn bán người đã và đang đe dọa hạnh phúc của nhiều gia đình. |
Giúp dân làm giàu
5 xã mà Đồn Biên phòng Thanh Thủy quản lý chỉ có hơn 2.000 hộ dân. Diện tích trồng cấy thì chỉ toàn đá hoặc đất xen đá. Bà con dân tộc với cách làm ăn truyền thống là trồng ngô nên cuộc sống vô vàn những khó khăn.
"Nếu dân nghèo, dân sẵn sàng nghe theo dụ dỗ của kẻ xấu để đi gánh hàng lậu theo đường tiểu ngạch. Vì vậy, để bà con ổn định cuộc sống, chúng tôi đã làm công tác dân vận. Đồng thời tìm một loại cây trồng phù hợp nào đó giúp bà con xóa nghèo", Thiếu tá Nguyễn Xuân Hoàng cho hay.
Sau một thời dài tìm hiểu, các cán bộ và chiến sĩ Đồn biên phòng Thanh Thủy xác định vùng biên chỉ hợp với giống chuối cao sản. Vì trước đó, các kỹ sư đã đưa cà phê, cao su, chanh leo về trồng nhưng cà phê thì không lên, cao su thì không nhựa, chanh leo thì quả chỉ bằng ngón tay.
Để dân tin vào cây chuối cao sản, anh em biên phòng đã góp mỗi người một ngày lương và vận động 2 gia đình trồng thử nghiệm. Với số vốn 20 triệu đồng cấp phát cho 2 gia đình, những cây chuối cao sản vùng biên không chỉ xanh tốt, mà đã đơm hoa kết quả và đem lại cho bà con niềm vui.
Sắp tới đây, bà con biên giới sẽ đầu tư 36ha chỉ để trồng chuối. Với thời giá bây giờ, theo cách tính của anh em chiến sĩ biên phòng thì cứ 1ha chuối sẽ thu về 100 triệu đồng. Vậy 36ha sẽ đem về một nguồn lợi chưa từng có đối với bà con dân bản vốn quanh năm chỉ biết đến cây ngô, cây sắn.
"Khóm tre chủ quyền là niềm tự hào của tất cả cán bộ, chiến sĩ biên phòng Thanh Thủy. Đúng như biểu tượng của đất nước, dù nắng gió biên thùy có khắc nghiệt nhưng khóm tre vẫn tươi tốt, vững vàng canh gác chủ quyền ranh giới quốc gia".
Thiếu tá Nguyễn Xuân Hoàng (Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Thủy)