Làm luật không phải... làm văn!

Google News

(Kiến Thức) - "Một quyết định sai của một cơ quan có thể chỉ ảnh hưởng đến một vài cá nhân, nhưng ra một văn bản luật sai ảnh hưởng đến cả xã hội"

Đáng lẽ phải cách chức!
Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang được lấy ý kiến đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Tổ biên tập đang tiến hành nghiên cứu soạn thảo, trong đó quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ tham mưu của cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, kể cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại do văn bản trái pháp luật gây ra. Trước thực trạng nhiều văn bản trái luật, bị dư luận phản ứng vì thiếu tính thực tế, đây có lẽ là giải pháp được trông đợi, thưa LS Lê Đức Tiết?
Đặt vấn đề như vậy là rất đúng, bởi trước nay ta không quy định rõ trách nhiệm của người ký ban hành các văn bản trái luật. Luật và các văn bản dưới luật là cơ sở pháp lý thống nhất cho toàn xã hội. Nếu có sai lầm nó sẽ gây ra ảnh hưởng lớn về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội. Luật mà sai thì sẽ gây ra những thiệt hại không thể lường được. Các quy định không đúng thực tế gây ra rất nhiều phiền toái cho người dân. Xưa nay khi xây dựng luật và các văn bản dưới luật, người ta phải rất thận trọng. Phải "đo 7 lần trước khi cắt vải, uốn lưỡi 7 lần trước khi nói" là thế.
Từ trước đến giờ ta vẫn khó trong việc quy trách nhiệm của các văn bản trái luật, không phù hợp thực tế, vì sao vậy?
Bộ, ngành nào cũng có cơ quan pháp chế. Nếu xảy ra tình trạng này thì trách nhiệm đầu tiên là bộ phận pháp chế. Tiếp đó là thủ trưởng, người ký ban hành quy định. Thực ra để quy trách nhiệm thì rất dễ, thế nhưng ai là người đặt vấn đề trách nhiệm này? Cơ quan nào thẩm tra, xử lý? Người đưa ra quy định phải bán thịt lợn trong vòng 7 giờ đồng hồ ấy, họ có làm sao đâu. Đáng lẽ phải cách chức, kỷ luật. Thế nên mới phải đặt vấn đề trách nhiệm rõ ràng ở đây.
Cái kiểu văn bản như ông vừa ví dụ có nhiều không?
Văn bản dưới luật bây giờ sai nhiều lắm. Sai ở mức phổ biến. Từ cấp cao nhất đến cấp thấp. Sai là bởi khi ra các văn bản, người ta áp đặt ý chí chủ quan của mình mà không nắm được thực tế, không sâu sát thực tế. Nhiều khi còn là lợi ích nhóm trong đó. Người ta hay lợi dụng câu chữ để đưa ra những văn bản sai này. Giả sử trong Luật Đất đai quy định việc trưng thu, trưng mua, nhưng khi xây dựng văn bản dưới luật, người ta lại sử dụng từ "thu hồi". Ý nghĩa của những từ ngữ này là hoàn toàn khác nhau. Thế nên nhiều khi người dân ngủ dậy đã bị thu hồi đất, mà chẳng hiểu vì sao!
LS Lê Đức Tiết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói về việc bồi thường khi ban hành văn bản trái luật. 
Có lợi ích nhóm 
Ông lý giải thế nào về những văn bản trái luật này?
Có thể là năng lực, trình độ hiểu biết, lợi ích nhóm. Nhiều khi chủ đầu tư bỏ ra một ít tiền ra là có được một khu đất để đầu tư, trong khi người bị thu hồi đất thì được nghe lý do rất có lý là "lợi ích toàn dân". Làm gì có thứ lợi ích đó, là lợi ích nhóm chứ. Tiêu cực tham nhũng cũng từ đó mà nhiều.
Và ai cũng thấy rằng tham nhũng trong xây dựng chính sách là rất nguy hiểm?
Đúng vậy, ví dụ như trong quy hoạch đất đai. Việc quy hoạch đất phải thông qua Hội đồng nhân dân, lấy ý kiến nhân dân, nhưng nhiều nơi không làm. Có khi trước quy hoạch, họ đã cho người đến mua hết cả khu đất đó. Đến khi quy hoạch thì giá trị đất vượt hàng trăm lần. Tham nhũng ở đó chứ ở đâu!
Vậy quy định rõ trách nhiệm của người ban hành văn bản trái luật, theo ông liệu có ngăn chặn được điều này?
Không có cái gì là hoàn toàn được nhưng làm vậy sẽ hạn chế tham nhũng. Nhân dân đóng thuế nuôi cán bộ, thì nhiệm vụ của cán bộ là phải làm đúng chức trách. Anh có nhiệm vụ xây dựng văn bản cho đúng thực tiễn, đúng luật mà anh lại không làm gì cả, chỉ ngồi chơi, dưới đưa lên thế nào thì ký như thế là không được.
Quan điểm của ông về việc quy trách nhiệm cụ thể thế nào?
Có thể chưa truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng nên có các hình thức kỷ luật như buộc thôi việc, hạ chức, hạ cấp. Nếu vì lợi ích nhóm thì có thể truy tố trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, tìm được bằng chứng có lợi ích nhóm là vấn đề không dễ dàng gì.
Những quy định kiểu như thế nào thì phải xử lý người ký ban hành?
Ví dụ như đẻ ra các giấy phép con, gây phiền hà cho dân trong các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục... thì phải xử lý. Ở những văn bản kiểu này, có thể không có lợi ích nhóm nhưng nó thể hiện trình độ của người ban hành văn bản. Không biết thực tế nó đang như thế nào, đưa ra những quy định "trên trời" khiến dư luận bất bình.
Sự dốt nát của người làm luật!
Năm 2013 có rất nhiều quy định khiến người dân bất bình, ví dụ như cộng điểm thi đại học cho bà mẹ Việt Nam anh hùng. Rõ ràng là người ra văn bản này đã không thực tế, có người nghi ngờ về trình độ của chính những người làm luật, những người ký cho ra những quy định này?
Đó chính là sự dốt nát của người làm luật! Làm luật không phải là làm văn, không phải là sáng tác. Làm luật là phải đi vào thực tế, cân nhắc các yếu tố được mất, chọn cái được nhiều hơn để biến nó thành điều luật. Phải tổng kết, nghiên cứu sâu sắc. Biết là cuộc sống thì rất nhiều lĩnh vực, nhưng vì thế thì mới cần đến những người có chuyên môn chứ. Còn làm luật mà không thực tế, áp đặt ý chí cá nhân thì sẽ còn nhiều hiện tượng giống thế.
Ông đã ghi nhận trường hợp nào bị xử lý vì đề ra văn bản trái luật?
Từ xưa đến nay chưa có. Trong khi ở những nước phát triển, chỉ hôm trước hôm sau là người đó bị đuổi ra khỏi công sở ngay. 
Nếu vậy thì sẽ có người dân nghĩ rằng, quy trách nhiệm cho người ký ban hành văn bản trái luật trong thực tế hiện nay là không khả thi?
Tôi cho rằng, để xảy ra tình trạng này trách nhiệm trước hết là Bộ Tư pháp. Họ phải thẩm định các văn bản, cái nào đúng luật, cái nào sai luật để báo cáo Chính phủ và Quốc hội. Trách nhiệm tiếp theo mới là của người ký ban hành văn bản. Làm khó hay không là do quyết tâm thực hiện như thế nào. Mỗi năm có nhiều văn bản được ban hành, nhưng trong phạm vi lĩnh vực và của từng địa phương thì mỗi bộ phận phải nắm và kiểm soát được, không có gì là khó khăn cả. Các cơ quan chức năng, nhân dân cùng giám sát các văn bản này.
Với những văn bản trái luật đã ban hành thì xử lý thế nào?
Thì rút lui trong im lặng thôi chứ biết làm thế nào!
Vậy tổn thất đó thì ai phải chịu, bởi vì khi xây dựng một văn bản luôn phải có một đội ngũ nhân viên làm việc?
Thì nhà nước phải chịu thôi. Kinh phí để làm luật, để cho ra những văn bản là không nhỏ. Thiệt hại này không quy trách nhiệm cho ai được, đó chính là lỗ hổng trong quản lý của bộ máy nhà nước. Đáng lẽ làm trong hệ thống hành chính là phải nắm được các loại luật về hành chính. Nhưng cứ tuyển dụng kiểu "con ông cháu cha", trình độ chẳng ra làm sao cả thì nhà nước phải chịu thiệt hại thôi.
Xin cảm ơn ông!
Theo Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), trong lĩnh vực đầu tư, theo số liệu thống kê năm 2008 cho thấy với 134 trang văn bản luật, có đến gần 3.500 trang văn bản hướng dẫn thi hành. Tính trung bình cứ 1 trang Luật Đất đai có 19,5 trang văn bản hướng dẫn thi hành. Tình trạng lạm dụng ban hành thông tư và thông tư chất lượng thấp do quy trình khép kín vẫn đang diễn ra.
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)