Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo lần 1 thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 171/2013 - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt. Việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt thực hiện theo quy định tại chương 3 của Thông tư 153/2013 do Bộ Tài chính ban hành - quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc cho phép nộp phạt trực tiếp dù tránh phiền hà cho người vi phạm nhưng nếu không kiểm soát, giám sát chặt chẽ thì dễ phát sinh tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, cách trình bày của dự thảo còn chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, khiến nhiều người còn hiểu nhầm.
|
Nộp phạt thẳng cho CSGT có hạn chế tiêu cực hay lại phát sinh những tiêu cực khác? |
Theo một Ủy viên Thường trực thuộc ban chuyên trách Ban Kinh tế và Ngân sách, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, bất cứ một vấn đề nào cũng đều có thể phát sinh các mặt tích cực và tiêu cực, có điều chúng ta phải xem cái nào là quan trọng nhất và có những chế tài đi kèm theo để hạn chế những tiêu cực. “Cá nhân tôi làm việc trong lĩnh vực ngân sách nhà nước nên nếu dự thảo trên được thông qua, tôi chỉ e ngại nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, một phần nguồn tiền này sẽ vào túi một bộ phận CSGT chứ không phải chảy vào ngân sách nhà nước”, vị này nói.
Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, xét về khía cạnh pháp luật, thực ra thì quy định nộp phạt trực tiếp cho người ra quyết định xử phạt pháp luật không hề cấm tuyệt đối mà trong một số trường hợp còn cho phép. Nó đã tồn tại từ trước đó rồi, thông tư chỉ nhắc lại thôi. Tuy nhiên vì văn bản này do Bộ công an ban hành nên có lẽ thế nó đã làm nóng vấn đề lên.
Thông thường thì một hành vi vi phạm hành chính khi bị phát hiện sẽ bị lập biên bản vi phạm, sau đó trong một thời hạn nhất định người có thẩm quyền phải ban hành Quyết định xử phạt vi phạm. Tuy nhiên trong một số trường hợp mà hành vi có mức nguy hiểm không đáng kể, chế tài nhẹ thì Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính cho phép không cần phải lập Biên bản vi phạm mà người có thẩm quyền được ban hành ngay Quyết định xử phạt. Đó là các trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.
Tiếp đó thì điều 69 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định đối với những vi phạm không cần phải lập Biên bản xử phạt vi phạm hành chính mà người có thẩm quyền được phép ban hành ngay Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cá nhân, tổ chức vi phạm có thể nộp tiền trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt.
Ngoài trường hợp này ra thì theo Khoản 2 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính thì trường hợp vi phạm xảy ra tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì chủ thể vi phạm cũng có thể nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt.
Điểm c Khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật xử lý vi po tiếp tục nhắc lại 02 trường hợp mà người vi phạm được quyền nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 56 và Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính và bổ sung thêm 1 số trường hợp khác trong lĩnh vực hàng không.
Tuy nhiên, đọc dự thảo thông tư trên của Bộ công an, tôi thấy có mấy vấn đề sau.
Thứ nhất, Dự thảo đã mở rộng các trường hợp được quyền nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 4 của Dự thảo đã quy định kể cả trong trường hợp hành vi vi phạm có mức xử phạt cao hơn 250.000 đồng đối với cá nhân và 500.000 đồng đối với tổ chức thì nếu hành vi này mà rõ ràng, không cần xác minh và thuộc thẩm quyền của mình thì người có thẩm quyền được ra ngay quyết định xử phạt. Tức là không cần Biên bản vi phạm. Điều này là trái với Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Và nếu như vậy thì theo Điều 69 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người vi phạm được quyền nộp phạt trực tiếp cho người xử phạt. Như vậy dẫn đến xung đột với Điểm c Khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP, bởi theo quy định này thì chỉ có trường hợp theo quy định tại Điều 56 và Khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được quyền nộp phạt trực tiếp cho người xử phạt. Và theo Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trường hợp này sẽ phải ưu tiên áp dụng văn bản có giá trị pháp lý cao hơn là Luật và Nghị định.
Thứ hai, cách trình bày của dự thảo dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, chưa rõ ràng.
Khoản 2 Điều 4 của Thông tư quy định “Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương III phần thứ II Luật xử lý vi phạm hành chính…
2. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt”.
Quy định này rất không rõ ràng, có thể dẫn đến người đọc hiểu là bất kể vi phạm nào người dân cũng có quyền nộp phạt tại chỗ.
Sau đó thì một số cá nhân có thẩm quyền trong ngành Công an cũng đã giải thích trên các phương tiện truyền thông rằng hiểu như vậy là không đúng và chỉ những trường hợp nhất định mới được nộp phạt trực tiếp. Tuy nhiên, Thông tư với tính chất của một văn bản hướng dẫn thì cần phải rành mạch, rõ ràng; người dân đọc là có thể hiểu. Một văn bản rất phổ biến như vậy mà đa số người dân đọc đều hiểu không đúng với cách hiểu của cơ quan ban hành thì tôi cho rằng đó là sự thất bại về kỹ thuật lập pháp. Thông tư cần đúc rút lại các quy định tại các văn bản cao hơn đã ban hành trước đó để đưa ra một diễn giải súc tích, cô đọng, dễ hiểu. Tránh làm vấn đề thêm rối.
“Theo tôi, nếu dự thảo này được thông qua, đối với đa số người vi phạm thì việc này sẽ hạn chế vất vả cho họ. Vì việc nộp phạt tại Kho bạc rất mất thời gian, mất công đi lại nhiều.
Tuy nhiên, từ góc độ nhà quản lý, cần hiểu rằng xử phạt là một chế tài, do vậy việc hạn chế vất vả cho người vi phạm vô tình làm cho chế tài trở nên nhẹ nhàng hơn. Đây cũng là điều cần lưu tâm để trung hòa được hai cách tiếp cận.
Còn tình trạng đưa hối lộ, làm luật thì việc nộp ở đâu không ảnh hưởng nhiều bởi quy định này. Khả năng CSGT là người thu phạt sẽ tư túi số tiền này mà không nộp lại cho ngân sách nhà nước thì càng không lo, vì khi xử phạt tại chỗ CSGT phải xuất hóa đơn cho người vi phạm nên không có chuyện không nộp lại ngân sách.Vấn đề là người vi phạm và người xử phạt có nghiêm chính thực hiện đúng quy định hay không?
Mỗi người có một cách tiếp cận khác nhau, riêng cá nhân tôi thì vẫn ủng hộ việc nộp phạt tại chỗ. Vấn đề là cần điều chỉnh lại dự thảo cho hợp lý hơn như tôi đã trình bày ở trên”, Luật sư Thạch nói.
Trước đó, trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an) cho biết, “quy định này nhằm đơn giản thủ tục hành chính, giúp người vi phạm đỡ phiền hà do phải đi lại nhiều lần nộp tiền phạt”.
Theo ông Tuyên, việc nộp phạt tại kho bạc hiện nay có một số phiền hà do đi lại nhiều lần dễ sinh tiêu cực, xin xỏ, tác động xấu tới lực lượng cảnh sát. “Sự phiền hà này là để giảm tiêu cực cũng như nâng cao tính răn đe đối với người vi phạm”, ông Tuyên nói.
Tuy nhiên, ông Tuyên cho biết sẽ có nhiều hình thức nộp phạt chứ không chỉ nộp phạt trực tiếp. Ông Tuyên khẳng định nếu cứ suy luận về chuyện cho đóng phạt trực tiếp sẽ nảy sinh tiêu cực thì sẽ không làm được gì cả. Vấn đề là phải có cơ chế kiểm soát, giám sát hoạt động của lực lượng thực thi công vụ.