Trong bản cáo trạng vừa hoàn tất, VKSND Tối cáo đề nghị TAND TP HCM đưa ra xét xử bà Trương Thị Tuyết Nga (54 tuổi, Tổng giám đốc Bệnh viện quốc tế Vũ Anh, kiêm giám đốc công ty TNHH đầu tư xây dựng Vũ Lan) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
|
Trong ảnh bà Nga đang nghe đọc lệnh khởi tố, bắt giam. Ảnh: C.A |
Cụ thể: từ cuối năm 2007 và đầu năm 2008, bà Nga xin cấp phép đầu tư xây dựng dự án nhà ở cao cấp và trung tâm thương mại trên khu đất thuộc phường Bình Khánh (quận 2, TP HCM). Tuy nhiên, dự án bị Sở Tài Nguyên - Môi trường TP HCM từ chối phê duyệt vì nằm trong khu quy hoạch ga Thủ Thiêm. Tuy nhiên, bà Nga vẫn mang thiết kế của dự án đi chào bán và ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 30.000 m2 đất cho một doanh nghiệp ở quận 3 với giá 1.800 USD/m2. Bà Nga đã nhận đặt cọc 3,1 triệu USD, hứa hoàn tất hồ sơ, giấy tờ để bàn giao.
Trong thời gian này, bà Nga tiếp tục mang một phần "dự án ma" này bán cho một người khác và nhận cọc gần 1,5 tỷ đồng. Bà cũng làm hợp đồng thế chấp ngân hàng vay 131 tỷ đồng. Tiếp đó, nhờ các mối quan hệ, bà Nga đã mượn lại được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục uỷ quyền cho con trai được toàn quyền chuyển đổi mục đích sử dụng...
Như vậy, với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Hoa hậu quý bà Trương Thị Tuyết Nga sẽ phải chịu án nào trước pháp luật?
Điều 139 Luật Hình sự năm 1999 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500 nghìn đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500 nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.