Ngày 2/6, Trung Quốc đã mở rộng vùng truy cản cách xa giàn khoan đến 18 hải lý (các ngày trước là 8-10 hải lý).
|
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc - Ảnh:news.cn |
Theo đánh giá của các sỹ quan trên tàu Cảnh sát biển 2016, với những gì quan sát được trong những ngày qua về dấu hiệu dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981, cùng với việc mở rộng tầm truy cản lên 18 hải lý thì có thể trong khoảng hai ngày nữa Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan đến một vị trí khác để tiếp tục khoan thăm dò.
Video một tháng TQ hạ đặt giàn khoan trái phép
"Tàu Việt Nam tiến lại, tàu Trung Quốc mới rút"
Chủ tàu cá QNg 90567 kiêm thuyền trưởng Nguyễn Tấn Cu (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) tường thuật sáng 3/6 khi đưa tàu cá của mình về đến cảng Sa Kỳ, sau gần một tháng bị tàu Trung Quốc tấn công.
Tàu QNg 90567 trở về cảng trong tình trạng đuôi mạn phải bị tông, tàu rạn nứt nhiều vết, nhiều ngư cụ bị trôi xuống biển, bị hỏng vì bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng, nhưng các ngư dân vẫn cố khắc phục sự cố để tiếp tục bám ngư trường Hoàng Sa khai thác.
|
Đuôi tàu bên phải với nhiều vết nứt, vết trầy - Ảnh: Trần Mai/TTO |
Thuyền trưởng Cu kể thêm: “Trong lúc vừa né tránh va chạm với tàu Trung Quốc, vừa chống đỡ vòi rồng phun mạnh vào cabin, chúng tôi thấy một tàu kiểm ngư Việt Nam tiến về phía tàu mình. Lúc này tàu Trung Quốc mới rút đi. Tuy nhiên, toàn bộ máy móc, ngư cụ ướt hết, một số rơi xuống biển”.
Video tàu Trung Quốc uy hiếp tàu Việt Nam
Sau khi thoát khỏi hai tàu Trung Quốc, các ngư dân trên tàu QNg 90567 đã tự gia cố tạm tàu để tiếp tục khai thác. Về đến Cảng Sa Kỳ, anh Cu cho biết, bán cá xong, sẽ đem tàu lên triền đà sửa lại.
“Tàu gỗ mà bị tông là nứt hết, muốn ra khơi an toàn phải gia cố lại nếu không ra khơi dài ngày sẽ rất nguy hiểm”, anh nói.
Chiếc tàu quả cảm CSB 2016
Phóng viên Tuổi trẻ từ Hoàng Sa cho hay, ngay trong tối 1/6, sau cú đâm va nguy hiểm của tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46105 gây thiệt hại nghiêm trọng cho tàu Cảnh sát biển 2016 của Việt Nam, cán bộ chiến sỹ của tàu 2016 đã bắt tay tập trung sửa chữa tàu.
Thuyền trưởng Quản Đình Dương cho biết, đây không phải lần đầu tiên tàu 2016 bị tàu Trung Quốc đâm va gây hư hại. Ngày 23/5, tàu hải cảnh 44101 của Trung Quốc đã đâm thẳng vào đuôi tàu 2016 gây gãy lan can và làm móp phần đuôi tàu.
|
Vết thủng trên thân tàu Cảnh sát biển 2016 do tàu Trung Quốc tấn công - Ảnh: TTO |
Cụ thể, vào trưa 23/5, khi tàu 2016 hỗ trợ tàu kiểm ngư trong biên đội đang bị tàu Trung Quốc vây ép thì tàu hải cảnh 44101 đang đuổi theo tàu kiểm ngư bất ngờ chuyển hướng, “cắn trộm” tàu 2016 bằng một cú đâm va mạnh vào đuôi tàu. Sau khi đâm xong, tàu 44101 đã quay ngang và tránh ra xa. Cả hai vụ đâm va đều không thiệt hại về người, kể cả việc cán bộ chiến sỹ bị thương.
Những điều này cho thấy tàu 2016 đã bị tàu Trung Quốc để ý do những hoạt động năng nổ trong công tác tuyên truyền đối với Trung Quốc về quyền và chủ quyền biển đảo Việt Nam cũng như những hoạt động hỗ trợ các tàu kiểm ngư khác.
Video tàu Cảnh sát biển được bịt lỗ thủng
Đặc biệt, trong đêm 1/6, sau khi bị tàu hải cảnh 46105 đâm va gây ra nhiều thiệt hại nguy hiểm, tàu Trung Quốc còn sử dụng rađa trinh sát, bắt chặt hải trình của tàu 2016 để theo dõi và thường xuyên đe dọa. Trung Quốc sử dụng hai tàu tốc độ cao đuổi theo trong đêm, dùng đèn pha công suất lớn rọi theo tàu nhiều giờ đồng hồ. Tuy nhiên sáng 2/6, tàu 2016 vẫn cùng các tàu trong biên đội tiếp tục tiến vào sâu trong khu vực tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan để tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ như những ngày bình thường, khi tàu chưa bị thương.
Tinh thần quả cảm của những chiến sỹ trên tàu 2016 cũng là tinh thần chung của tất cả anh em chiến sỹ Cảnh sát biển và cán bộ kiểm ngư đang thực hiện nhiệm vụ đặc biệt trong những ngày nóng bỏng này tại vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc.
Trường Sa, Hoàng Sa đã được đưa vào sách giáo khoa từ năm 1881
Đó là thông tin được GS – TS Trịnh Khắc Mạnh (Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cung cấp cho báo chí tại lễ ra mắt cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa , Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông”.
|
Giáo sư Trịnh Khắc Mạnh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm đang giới thiệu về các tấm bản đồ cổ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam . |
GS Trịnh Khắc Mạnh đưa ra thông tin được căn cứ trên các nguồn tư liệu Hán Nôm, từ năm 1881 dưới thời vua Tự Đức, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng đã được đưa vào chương trình học của học trò. Ông Mạnh cũng chia sẻ với báo giới, hiện nay Viện đang giữ một số cuốn sách dạy học sinh tiểu học của Trung Quốc năm 1912 và tại thời điểm này, bản đồ lãnh thổ của Trung Quốc mới chỉ đến đảo Hải Nam.
“Gieo bất trung, gặt nghi kỵ”
Hôm 1/6, Trưởng đoàn Trung Quốc, ông Vương Quán Trung, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, khiến không ít các lãnh đạo và học giả uy tín tham gia Đối thoại Shangri-La ở Singapore bất ngờ khi ông ta to tiếng tuyên bố rằng phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel là “không thể chấp nhận được”.
|
Phó tổng tham mưu trưởng quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung - Ảnh: chinamil.com.cn |
“Hai ông Chuck Hagel và Shinzo Abe có những lời tuyên bố không thể chấp nhận được, là một hành động khiêu khích có phối hợp để thách thức Trung Quốc”, ông Vương Quán Trung nói.
Video TQ trả lời không thỏa đáng về đường 9 đoạn
Christian Le Mìere, thành viên cao cấp của Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược Mỹ chuyên về lực lượng hải quân và an ninh hàng hải, cho rằng lời biện minh của ông Vương đã sai hoàn toàn.
"Bạn không thể tuyên bố chủ quyền rộng lớn của biển, chỉ vì bạn tin rằng bạn có quyền trong lịch sử với nó. Cách nghĩ của ông Vương là một mớ bòng bong và làm đảo lộn hệ thống quốc tế. Nó sẽ là một ý tưởng khủng khiếp. Gieo trung thực, gặt niềm tin. Gieo bất trung, gặt nghi kỵ”, Trung Quốc rơi vào tình cảnh này là điều dễ hiểu khi “những điều họ làm không đúng như những gì họ nói”, ông Christian Le Mìere nói.