Dự đoán nguyên nhân máy bay Malaysia mất tích

Google News

Các chuyên gia khắp thế giới đưa ra nhiều giả thuyết có thể làm máy bay số hiệu MH370 mất tích từ sáng 8/3.

Theo thống kê của Boeing, chỉ 9% các máy bay bị gặp nạn khi đã đạt độ cao ổn định. Chính điều này vụ máy bay mất tích của hãng Hàng không Malaysia thực sự khiến các chuyên gia bối rối và phải đặt ra hàng loạt giả định
Trả lời phỏng vấn AP của các chuyên gia hàng không, phần nguy hiểm nhất trong các chuyến bay chính là giai đoạn cất cánh và hạ cánh. Rất ít khi máy bay “gặp nạn” khi đã đạt độ cao ổn định.
Chính lý do này khiến cho vụ mất tích của chiếc Boeing 777 của Hãng Hàng không Malaysia trở nên khó hiểu. Các chuyên gia cho rằng, sự việc xảy ra đã rất nhanh và quá đột ngột, đến mức các phi công và phi hành đoàn không kịp đưa về bất cứ tín hiệu bị nạn nào cho các cơ quan mặt đất.
Chia sẻ với phóng viên AP, Todd Curtis, một cựu kỹ sư an toàn của Boeing, người đã từng làm việc trong những chiếc Boeing 777 và hiện đang là Giám đốc của Quỹ An toàn Hàng không (Airsafe.com), ở ngay tại thời điểm này, các chuyên gia đang phải tập trung vào một sự việc mà chính họ cũng “không biết gì”. Vụ mất tích kể trên quá kỳ bí.
“Nếu giả sử có một lỗi kỹ thuật nhỏ nào đó xảy ra, hay thậm chí là nghiêm trọng hơn, cứ cho rằng cả hai động cơ máy bay đều bị hỏng cùng một lúc, phi công vẫn có thể có thời gian để điện đàm cứu trợ".
"Việc không hề có bất cứ cuộc gọi nào về trung tâm mặt đất cho thấy đã có một điều gì đó rất đột ngột và bạo lực xảy ra”, William Waldock, một giảng viên môn Điều tra Tai nạn của ĐH Hàng không Emby-Riddle tại Prescott, Ariz nói.
Malaysia tổ chức họp báo thông báo các thông tin liên quan tới vụ máy bay MH370 bị mất tích. Ảnh: TTXVN.
Sự việc diễn ra qua đột ngột và khó hiểu đến nỗi một số chuyên gia đã không loại trừ khả năng khủng bố hoặc một phi công đã cố ý phá hủy chiếc máy bay.
Theo Scott Hamilton, Giám đốc của Hãng Tư vấn Hàng không Leeham Co. cho rằng “hoặc đã có một sự việc khủng khiếp nào đó bên xảy ra bên ngoài chiếc máy bay, hoặc đã có một hành vi tội ác”.
Khi chưa có được một kịch bản nào khả dĩ cho những gì đã xảy ra, các chuyên gia cảnh báo rằng còn quá sớm để loại trừ bất cứ khả năng nào.
Theo thống kê của hãng Boeing, các tai nạn máy bay thường diễn ra trong thời điểm cất cánh và hạ cánh, chỉ có 9% các vụ tai nạn máy bay gây chết người xảy ra ở thời điểm máy bay đã đạt độ cao ổn định trên đường bay.
Cùng ý kiến với các chuyên gia kể trên, Cơ trưởng John M. Cox, người đã gắn bó 25 năm với đội bay của US Airway và hiện đang là CEO của Hệ thống Triển khai An toàn bay của US Airway, cho rằng những gì đã xảy ra với chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines quá đột ngột.
“Trục trặc lớn đến nỗi hệ thống nhận phát sóng liên lạc của máy bay không thể phát đi tín hiệu vị trí của máy bay, hoặc thậm chí hệ thống này có thể đã cố ý tắt đi từ buồng lái”, John M. Cox nói.
Một trong các dấu hiệu đầu tiên hé lộ những gì đã xảy ra chính là kích thước của các mảnh vỡ. Nếu mảnh vỡ lớn và trải rộng hàng chục dặm thì có nghĩa là máy bay đã bị vỡ thành từng mảnh ở trên cao. Đó là dấu hiệu của việc bị đánh bom hoặc một sự cố hỏng hóc nghiêm trọng.
Nếu những mảnh vỡ nhỏ hơn thì có lẽ máy bay đã bị rơi từ độ cao dưới, rơi xuống và vỡ tung khi tiếp xúc với mặt nước.
Chiếc Boeing 777 là một trong những chiếc máy bay có độ an toàn cao nhất trong lịch sử hàng không. Chiếc 777 đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 1995 và trong suốt 18 năm, Boeing 777 chưa từng gây ra bất cứ vụ tai nạn chết người nào, cho đến vụ tai nạn của Asiana Airline hồi tháng 7/2013 tại San Francisco. Tại đây, 3 trong số 307 người trên chuyến bay này đã thiệt mạng.
Chính vì những nguyên nhân trên, vụ mất tích của hãng Hàng không Malaysia thực sự khiến các chuyên gia bối rối. Dưới đây là hàng loạt các giả định đã được đưa ra bàn thảo.
1. Khủng bố
Hiện có tin đồn rằng máy bay MH370 có thể đã bị tấn công khủng bố sau khi nhà chức trách Malaysia ngày 9/3 cho biết đang điều tra hai hành khách sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp.
Tuy nhiên, nhà chức trách cùng các chuyên gia đã nhanh chóng chỉ ra rằng đến nay không có bằng chứng về nguy cơ này cũng như có thể giải thích theo cách khác về việc sử dụng giấy tờ nhận dạng giả.
Có hai hành khách mua vé thông qua hãng China Southern Airlines, liên danh tuyến bay này với Malaysia Airlines.
Cả hai sử dụng hộ chiếu của một công dân Italy và một người Áo bị mất cắp hộ chiếu ở Thái Lan khoảng hai năm trước đây và đã trình báo cảnh sát về vụ việc này.
John Goglia, cựu thành viên Ban An toàn Vận tải Quốc gia Mỹ - cơ quan chuyên điều tra các vụ tai nạn máy bay, cho rằng hiện thiếu cuộc gọi khẩn cấp của phi công để xác định liệu máy bay đã bị nổ một phần hoặc nổ tung do một thiết bị nổ hay không.
“Mọi chuyện phải xảy ra rất nhanh do không hề có sự liên lạc nào,” ông Goglia nói với hãng tin Reuters.
Phát biểu trên Bloomberg News, ông Kip Hawley, cựu quan chức Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ, cho rằng vụ việc này “nghe giống như nhiều âm mưu khủng bố khác.”
Ông nhắc đến sự kiện năm 2006 liên quan đến một số đối tượng khủng bố âm mưu dùng thuốc nổ lỏng để làm rơi máy bay trên Đại Tây Dương. Âm mưu này đã bị giới chức Anh và Mỹ phát hiện kịp thời.
Theo Hawley, ông đặc biệt quan tâm đến việc bom được giấu trong giày của hành khách bởi số lượng như thế là đủ mạnh để làm rơi máy bay.
Một máy bay chở khách Boeing 777 của Malaysia Airlines. Ảnh minh họa.
Theo báo cáo năm 2012 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Malaysia rất dễ bị tổn thương trước các nguy cơ khủng bố và nước này đã và đang được xem là một điểm trung chuyển và trung tâm đầu não của hoạt động khủng bố.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lưu ý Malaysia đã không chứng kiến bất kỳ vụ khủng bố nghiêm trọng nào trong “nhiều năm.”
Một số khác cũng lưu ý về việc máy bay MH370 mất tích vào cuối kỳ họp Quốc hội thường niên ở Bắc Kinh và xảy ra trong thời điểm ngày càng nhiều quan ngại về khủng bố tại Trung Quốc.
Phát biểu với báo chí Anh, Đại tá Richard Kemp, cựu trưởng nhóm chống khủng bố thuộc Ủy ban Tình báo Hỗn hợp của chính phủ Anh cho rằng khả năng về một vụ tấn công khủng bố cần được xem xét nghiêm túc.
Ông chi ra những mối liên hệ được cho là tồn tại giữa các đối tượng ly khai ở Tân Cương (Trung Quốc) với al-Qaeda.
Trung Quốc cũng đã quy trách nhiệm cho các đối tượng ly khai trong vụ tấn công mới đây ở Vân Nam khiến 29 người thiệt mạng.
Steve Vickers, giám đốc điều hành một công ty tư vấn an ninh đặt trụ sở tại Hong Kong, nói với tờ New York Times rằng sự xuất hiện của nhiều hành khách mang hộ chiếu bị đánh cắp trên một chuyến bay là hiếm hoi và đây là một manh mối tiềm tàng.
Tuy nhiên, một số cũng cảnh báo rằng hiện quá sớm để đưa ra kết luận do giấy tờ giả thường xuyên bị các đối tượng buôn lậu và nhập cư bất hợp pháp sử dụng.
Một quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói với tờ Los Angeles Times: “Nếu chỉ là chuyện hộ chiếu bị đánh cắp thì không có nghĩa các hành khách đó là khủng bố. Có thể đó chính là những kẻ đánh cắp hộ chiếu. Hoặc đơn giản là mua chúng ở chợ đen.”
Los Angeles Times cũng dẫn lời một quan chức hành pháp cấp liên bang ở Washington cho hay hiện chưa có mối liên hệ khủng bố nào xuất hiện, cũng như chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm trong vụ việc này.
Một số người lưu ý từng xảy ra nhiều vụ bắt cóc máy bay. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định dường như đây không phải là trường hợp đó do những kẻ bắt cóc thường sẽ buộc máy bay đáp xuống một sân bay và đưa ra yêu sách.
Dù vậy, một số khác lại cho rằng khả năng bắt cóc kiểu 11/9/2001 là hoàn toàn có thể, và những kẻ khủng bố đã buộc máy bay đâm xuống biển.
2. Nổ trên không
Một số phi công và chuyên gia hành không cho rằng máy bay bị nổ có thể là một khả năng. Khi gặp nạn, máy bay đang ở độ cao hành trình, giai đoạn an toàn nhất trong cả chuyến bay, và dường như đang trong chế độ bay tự động.
"Đó có thể là một vụ nổ, sét đánh hoặc mất áp suất nghiêm trọng,” một cựu phi công Malaysia Airlines giấu tên cho hay.
“Boeing 777 vẫn có thể bay sau khi bị sét đánh, thậm chí là cả khi mất áp suất nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu đó là một vụ nổ, thì không còn cơ may nào. Tất cả đều kết thúc.”
Một số khác cho rằng việc mất áp lực đột ngột và cực mạnh trong cabin đã gây nổ do mất áp suất và làm máy bay vỡ thành nhiều mảnh.
Nguyên nhân của một vụ mất áp suất như vậy có thể là do kim loại trong thân máy bay bị mài mòn hoặc mất tính chịu lực.
3. Hỏng động cơ
Có thông tin cho rằng máy bay MH370 đã tìm cách bay ngược trở lại trong thời khắc cuối cùng trước khi mất liên hệ trên radar, làm dấy lên nhiều đồn đoán rằng có thể máy bay đã quay lại do hỏng động cơ.
Các chuyên gia cho rằng việc máy bay quay trở lại (ATB) có nghĩa máy bay đó phải trở về sân bay xuất phát do lỗi sự cố hoặc nghi lỗi sự cố xảy ra với bất kỳ máy móc nào trên máy bay. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý khi quay trở lại phi công sẽ phát đi tín hiệu hoặc có cuộc gọi khẩn cấp.
Giám đốc điều hành Malaysia Airlines, Ahmad Jauhari Yahya cho biết thêm trên các máy bay Boeing 777 đều lắp đặt chuông báo động. “Một khi máy bay phải bay trở lại, phi công sẽ không thể đảo ngược tiến trình này.”
Hiện một số chuyên gia nêu khả năng cả hai động cơ của máy bay đều đã chết.
Tháng 1/2008, một máy bay 777 của British Airways đã phải hạ cánh với khoảng cách ngắn hơn quy định trên đường băng sân bay Heathrow ở London.
Khi máy bay tiếp đất, các động cơ đều mất lực đẩy do băng đóng trên hệ thống nhiên liệu. Rất may không có thương vong xảy ra.
Theo các chuyên gia, khả năng hỏng cả hai động cơ là có thể, song họ lưu ý rằng trong trường hợp đó máy bay sẽ rơi trong khoảng 20 phút, đủ thời gian để phi công có cuộc gọi khẩn cấp.
Tháng 1/2009, một máy bay A320 của US Airways đã hỏng cả hai động cơ sau khi cất cánh từ sân bay LaGuardia ở New York. Tuy nhiên, phi cơ trưởng vẫn giữ liên lạc với bên kiểm soát không lưu trước khi hạ cánh sáu phút sau đó trên sông Hudson.
Tin tức ngày 9/3 cũng cho hay máy bay Malaysia Airlines từng bị gãy đầu cánh khi va quệt với một máy bay khác vào năm 2012. Tuy nhiên, Malaysia Airlines cho biết phía Boeing đã khắc phục hoàn toàn sự cố này.
4. Mất lực nâng đột ngột
Một số chuyên gia đã chỉ ra rằng có một số điểm giống nhau trong vụ mất tích bí ẩn của máy bay MH370 với sự cố máy bay số hiệu 447 của Air France rơi ở Đại Tây Dương năm 2009 khi đang trên đường từ Rio de Janeiro đến Paris, làm toàn bộ 228 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Sự cố này ban đầu được Air France cho là do mưa bão. Song, các nhà điều tra sau đó phát hiện các cảm biến tốc độ lắp đặt bên ngoài máy bay Airbus đã bị băng che phủ gây mất tín hiệu của hệ thống lái tự động.
Dù vậy, các dữ liệu tìm thấy hai năm sau đó đã cho phép nhà chức trách kết luận rằng lỗi phi công cũng là một phần nguyên nhân trong vụ tai nạn này khi cách thức xử lý tình huống của họ sau khi hệ thống lái tự động mất tín hiệu đã gây hiện tượng stall không thể đảo ngược.
Stall (mất lực nâng) là một tình trạng trong khí động học và hàng không, khi góc tấn của máy bay tăng lên vượt một ngưỡng cụ thể, khiến lực nâng máy bay bắt đầu suy giảm (qua đó làm cho máy bay rơi xuống phía dưới). Hiện tượng stall xảy ra không có nghĩa khi đó động cơ máy bay đã ngừng hoạt động hoặc máy bay đã ngừng di chuyển.
Theo các nhà điều tra, các phi công, do không được đào tạo bay trong chế độ không phải tự động ở độ cao lớn, đã nâng mũi máy bay liên tục trong khi lẽ ra cần hạ thấp, khiến máy bay giảm tốc độ và cuối cùng là xảy ra hiện tượng stall.
5. Lỗi phi công
Hiện một số người cho rằng khả năng phi công mất phương hướng dù rất ít song có thể xảy ra. Các phi công đã tắt chế độ lái tự động của máy bay và thế nào đó lại không nhận thấy điều này cho đến khi mọi chuyện quá muộn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng khả năng này là không thể do radar chắc chắn sẽ phát hiện ra máy bay.
Ngoài ra còn có khả năng rất hiếm hoi là phi công tự sát.
Năm 1999, một máy bay của EgyptAir, cất cánh từ New York đến Cairo đã đâm xuống khu vực Đại Tây Dương ở phía Nam bang Massachusetts, khiến toàn bộ 217 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Ban An toàn Vận tải Quốc gia Mỹ kết luận rằng vụ tai nạn là do phi công Gamil el-Batouty.
Anh ta đã cố tình đâm máy bay để trả thù việc trước đó bị khiển trách vì hành vi không đứng đắn và cấp trên tuyên bố anh ta sẽ không được bay theo tuyến đến Mỹ nữa.
Tuy nhiên, nhà chức trách Ai Cập không chấp nhận kết luận trên, cho rằng vấn đề kỹ thuật mới là nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn.
6. Thời tiết xấu
Máy bay được thiết kế để có thể chống chọi với cả các cơn bão nghiêm trọng. Tuy nhiên, tháng 6/2009, một chiếc máy bay của hãng Air France đã gặp nạn trên đường bay từ Rio de Janeiro đến Paris vì gặp bão lớn.
Đá đóng dầy trên các kim chỉ tốc độ khiến nó bị sai lệch dẫn đến quyết định sai lầm của các phi công: máy bay bị chết máy và rơi xuống biển. Toàn bộ 228 khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng, không một cuộc gọi cứu hộ nào được thực hiện.
Tuy nhiên, trong vụ mất tích chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines, các báo cáo đều cho thấy bầu trời rất trong.
7. Phi công tự tử
Những năm cuối thập niên 90, một chiếc may bay của hang SilkAir và một chiếc máy bay của EgyptAir đã đâm vào nhau.
Người ta tin rằng vụ tai nạn trên là cố ý dù chính phủ không bao giờ công khai thừa nhận giả thiết trên.
8. Bị bắn nhầm bởi lực lượng quân đội nào đó
Năm 1988, một tên lửa hành trình của Hải quân Mỹ đã không may bắn trúng một máy bay của Iran Air khiến toàn bộ 290 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Năm 1983, một máy bay của hãng Hàng không Hàn Quốc cũng bị máy bay chiến đấu của Nga “bắn nhầm”. Đó là những kịch bản tồi tệ không ai mong muốn sẽ xảy ra với chiếc Boeing 777 của hãng Malaysian Airlines.
Theo Vietnam+, Infonet

Bình luận(0)