Sáng 19/1, có mặt tại ngã ba 621 - đối diện Nghĩa trang Liệt sĩ TP HCM, quận 9 - chúng tôi ghi nhận rất nhiều người sinh sống, làm việc tại TP HCM và một số tỉnh lân cận chờ đón xe về quê ở miền Trung. Từ 7 giờ, hàng trăm người lỉnh kỉnh đồ đạc, vali đã có mặt tại đây để đón xe.
Đành phải “hy sinh”
Tuy số người đón xe về quê ăn Tết chưa đông bằng các ngày cao điểm những năm trước nhưng nhiều nhà xe đã “hét” giá vé trên trời. Ai chấp nhận giá vé cao mới có xe đi. Giá mỗi vé đi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình giá từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng, gần gấp đôi ngày thường nhưng chất lượng xe thì chỉ trung bình hoặc kém. Với các loại xe giường nằm hoặc ngồi nhưng chất lượng đỡ hơn, mỗi hành khách phải bỏ ra 1,5-2 triệu đồng.
|
Hành khách đón xe về quê. |
Dọc Quốc lộ 1 đoạn đối diện Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, từ sáng sớm đã có hàng chục sinh viên, công nhân có mặt chờ đón xe. Đến 11 giờ cùng ngày, khi chúng tôi quay lại đây, nhiều người vẫn chưa đón được xe. “Gia đình tôi tranh thủ về quê sớm để đỡ phần nào giá vé, không ngờ mới bữa nay mà vé xe đã mắc thế. Chắc năm nay chúng tôi phải hoãn về quê” - anh Lê Văn Đạt, quê Thanh Hóa, tiu nghỉu.
Những ngày này, đội ngũ xe dù bắt đầu hoạt động rầm rộ. Tại khu vực gần cổng ra vào Bến xe Miền Đông hay Bến xe Lam Hồng (Bình Dương), ngoài lượng xe từ trong bến ra tranh thủ dừng đón thêm người còn hàng loạt xe dù chạy lòng vòng để kiếm khách. Một số người do không mua được vé trong bến hoặc chê giá cao đã bỏ ra ngoài đón xe dù. “Biết đi xe dù thì chất lượng kém, không an toàn lại bị nhồi nhét nhưng giá rẻ hơn, muốn đỡ tốn tiền thì mình đành “hy sinh” vậy” - chị Trần Ánh Thu - quê Quảng Ngãi, vào TP HCM bán vé số - giải thích.
Từ đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Đinh Bộ Lĩnh kéo dài đến cầu vượt Bình Phước, xe dù tấp nập. Nhiều xe vào các cửa hàng xăng dầu gọi là để bơm nhiên liệu nhưng thật ra chỉ dừng chờ đón khách. Một số nhà xe qua mặt cơ quan chức năng bằng cách cho phụ xe đi lòng vòng, thấy ai mang theo hành lý thì mồi chài, sau đó gọi điện cho tài xế đến đón.
Dịp này, nhiều bến xe dù cũng bắt đầu hoạt động trên Quốc lộ 1. Lực lượng cò mồi chuyên bắt khách cho các nhà xe để ăn phần trăm hoa hồng có vẻ hùng hậu hơn cả năm ngoái. Họ tranh nhau giành khách nên chuyện cãi vã, xô xát xảy ra thường xuyên.
Bến xe Miền Đông: Khách tăng gần 50%
Cùng ngày, hàng ngàn hành khách đã mua vé trước đổ về Bến xe Miền Đông để về quê ăn Tết. Ai cũng vali, túi xách, quà Tết lỉnh kỉnh, nỗi háo hức đoàn tụ gia đình hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người. Sinh viên Lý Văn Tuấn, quê Đà Nẵng, cho biết: “Năm nay, trường cho thi sớm, vừa xong là em tranh thủ mua vé về quê để phụ cha mẹ dọn dẹp nhà cửa đón Tết”.
Do về quê sớm nên giá vé xe khá mềm, nhiều người không phải vất vả chen lấn để mua. Tuy khách tăng cao nhưng bến vẫn bảo đảm phục vụ đúng giờ, không để ai chờ đợi lâu.
Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, trong 2 ngày 18 và 19-1, lượng khách qua bến bắt đầu tăng 50% so với ngày thường, đạt 30.000 lượt/ngày. Lượng vé xe Tết do bến bán ra khoảng gần 1.000 lượt/ngày.
Ông Hải cho rằng tình trạng hành khách về quê ăn Tết khá sớm, từ 18 tháng chạp, là bình thường. “Người có quê xa hoặc nghỉ làm sớm sẽ tranh thủ về. Khách tăng gần 50% nhưng bến xe vẫn phục vụ thoải mái. Dự kiến ngày 23 tháng chạp, khách bắt đầu tăng mạnh do sát thời điểm nhà xe được phụ thu giá vé 60%”.
Trong khi đó, tại Bến xe Miền Tây, Phòng Điều độ cho biết do các tuyến về miền Tây có cự ly ngắn nên khách vẫn chưa tăng. Dự kiến từ ngày 23 tháng chạp, khách sẽ tăng, cao nhất khoảng 60.000 lượt vào những ngày 28, 29 Tết.
Nhiều chuyến bay hết chỗ
Nhiều chuyến bay của các hãng hàng không nội địa hiện đều thông báo hết chỗ. Đại diện VietJet Air (VJA) cho biết các đường bay lẻ như TP HCM - Quy Nhơn/Vinh đã hết chỗ các ngày từ 27 đến 30 Tết. Các đường trục từ TP HCM đi Hà Nội/Đà Nẵng/Hải Phòng vẫn còn khoảng 20% vé Tết. Giá vé đang mở bán đều ở mức cao, chặng TP HCM - Hà Nội phổ biến 2,975-3,173 triệu đồng/lượt đã có thuế, phí; riêng 29 Tết giá thấp hơn, 2,755 triệu đồng. VJA vừa nhận thêm 1 máy bay mới, hiện có tổng cộng 11 chiếc phục vụ đợt cao điểm với khả năng khai thác hơn 600 chuyến bay/tuần. Trung bình mỗi ngày, chặng TP HCM - Hà Nội có 20 chuyến khứ hồi, bắt đầu từ 6 giờ đến 22 giờ 50 phút.
Theo hãng Jetstar Pacific (JPA), các đường bay lẻ từ TP HCM đi Vinh/Buôn Ma Thuột/Nha Trang gần như đã kín chỗ từ ngày 24 đến 30 Tết. Các đường bay trục cũng chỉ còn vé trên các chuyến sớm hoặc muộn trong ngày và tốc độ bán vé đang tăng nhanh. Mỗi ngày, JPA bay 20 chuyến khứ hồi TP HCM - Hà Nội, bắt đầu từ 6 giờ đến 20 giờ; giá vé đang bán trên các chuyến còn chỗ từ 3,008 triệu đồng đến mức kịch trần là 3,173 triệu đồng/lượt. Các chuyến khởi hành ngày 30 Tết vẫn có mức giá thấp hơn, 2,546-2,76 triệu đồng/ lượt.
Trong khi đó, Vietnam Airlines cũng thông báo nhiều chuyến bay vào giờ cao điểm trong ngày hết chỗ hạng phổ thông. Các chuyến sáng sớm (4 giờ 20 phút) hoặc chiều muộn, bay đêm (sau 17 giờ 40 phút) vẫn còn chỗ với giá vé 2,997 triệu đồng/lượt.
Các hãng hàng không khuyến cáo hành khách nên có kế hoạch mua vé ngay từ bây giờ, tránh tình trạng dồn vào các ngày cuối cùng của năm hoặc ra sân bay mua giờ chót rất có thể không có vé.