Trước hết, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương này nhằm thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận cũng như huy động sự tham gia đánh giá, giám sát, phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục nói chung, chủ trương một chương trình và nhiều SGK nói riêng.
|
Ảnh minh họa. |
Tiếp đó là phải thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Đổi mới chương trình, SGK và các Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thành lập ở cấp quốc gia một số đơn vị như Ban Những vấn chung về chương trình, SGK; Ban Xây dựng chương trình tổng thể; các ban xây dựng chương trình môn học (trong đó mỗi ban đều có tổng chủ biên chương trình từ lớp 1 - 12); các Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, SGK.
Cần phải ban hành và công khai quy định về quy trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông và quy trình biên soạn SGK; bộ tiêu chí đánh giá chương trình giáo dục phổ thông và bộ tiêu chí đánh giá SGK. Ban hành quy định về nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động, tiêu chuẩn thành viên của các Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Tăng cường xã hội hóa biên soạn SGK bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK (sách giấy và sách điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Tập huấn các tác giả SGK về các yêu cầu và tiêu chí đánh giá chương trình, SGK.
Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK. Cũng như các SGK khác, bộ SGK này phải được Hội đồng quốc gia thẩm định, được in và bán thông qua hệ thống xuất bản và phát hành theo Luật Xuất bản và các quy định hiện hành. Với các cơ sở giáo dục thì sẽ thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý thực hiện chương trình, sử dụng SGK.
Các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường hàng năm theo chương trình giáo dục phổ thông và hướng dẫn của địa phương (sở, phòng GD&ĐT). Cùng với đó, nhà trường tổ chức để chọn lựa từng bộ SGK phù hợp.
Chuyên nghiệp hoá đội ngũ về chương trình, SGK. Phát triển đội ngũ tác giả chương trình, SGK. Huy động tối đa trí tuệ của những người am hiểu và có kinh nghiệm về giáo dục phổ thông tham gia xây dựng, góp ý chương trình, SGK. Tổ chức cho đội ngũ tác giả chương trình, SGK và người tham gia thẩm định chương trình, SGK tham dự các khoá tập huấn, hội thảo ở trong nước, nước ngoài về yêu cầu, tiêu chí, cách thức triển khai xây dựng chương trình, viết SGK...