Cô bé ấm ức mang bài lên hỏi lại, thì cô giáo bảo phần quan điểm của em không đúng như trong sách!
Tôi thấy thật vô lý. Nếu đã hỏi như thế, học sinh phải nêu ra những suy nghĩ của mình về vấn đề đó, có thể không giống quan điểm của sách giáo khoa hay của cô giáo và giáo viên phải biết chấp nhận sự khác biệt đó, phải căn cứ vào những kiến thức, những lập luận của học trò mà chấm điểm. Chứ nếu đã hỏi quan điểm của học sinh mà lại bắt ghi đúng như trong sách thì hoá ra đó là một kiểu đánh lừa.
|
Ảnh minh họa. |
Tôi nhớ đến một trong những tính xấu của người Việt Nam mà các nhà nghiên cứu đã chỉ ra đó là nói sau lưng. Chúng ta lên án thói xấu này làm như nó là bản chất của người Việt, sinh ra đã có sẵn trong máu rồi. Nhưng thực ra nó là một tính cách được hình thành nên từ những kinh nghiệm sống. Hay nói cách khác đó là lỗi của người nghe, người ta không thích nghe người khác chê trước mặt mình (dù mình có nhiều điểm đáng chê trách thật). Mà không nói được lúc này thì người ta nói lúc khác, không nói trước mặt thì người ta nói sau lưng.
Đây cũng là kết quả của sự khôn ra. Ai cũng bảo thích nghe lời nói thật, nhưng cứ thử nói thẳng những khuyết điểm của họ ra mà xem, sau đó người nói phải hứng chịu đủ thứ: Từ sự thù ghét ra mặt hay những trù giập... Vậy thì chỉ có ai dại mới nói thẳng!
Và ngay trên ghế nhà trường học trò đã học được một điều, nếu nói thật những suy nghĩ của mình thì sẽ bị điểm kém. Vì vậy, chúng viết theo sách giáo khoa, nói theo cô giáo dù chúng suy nghĩ hoàn toàn khác thế.
Tất nhiên, đó chỉ là những người thiếu bản lĩnh, yếu bóng vía. Còn những người bản lĩnh họ không sợ điểm kém, không sợ trù giập, với họ không gì bằng được nói ra những suy nghĩ thật của mình. Họ không đánh đổi điều đó lấy bất cứ thứ gì.
Muốn người ta không nói sau lưng thì người nghe phải biết nghe lời nói thẳng. Mà biết không chỉ là cứ nói tôi thích nghe nói thật, tôi thích nghe nói thẳng... mà phải thực tâm lắng nghe. Thế nên mới khó!