Bao nhiêu gia đình ly biệt phải bỏ bản chui rúc trên rừng, bao nhiêu tiền bạc phí tổn để khách qua đò, thậm chí có người còn phải bỏ mạng dưới đáy hồ sâu.
Tiền dân chìm dưới đáy hồ
Ai đã đến Tây Nguyên, có lẽ chẳng lạ gì với Quốc lộ 28 với sự xuống cấp trầm trọng. Nói dại, nếu ai phải đi cấp cứu mà qua con đường này có lẽ không chết vì bệnh mà chết vì đường quá xóc. Nhưng trong bài viết này, chúng tôi xin không đề cập đến thảm trạng đường xuống cấp như người Tây Nguyên vẫn hằng bức xúc.
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở: Quốc lộ 28 là một tuyến giao thông đường bộ quan trọng nối Nam Trung Bộ với Nam Tây Nguyên. Điểm đầu là điểm giao cắt quốc lộ 1A đoạn qua TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Điểm cuối là thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông. Quốc lộ 28 đi qua TP Phan Thiết, qua Lâm Đồng đến thị xã Gia Nghĩa (Đăk Nông). Toàn tuyến dài 197km, trong đó đoạn TP Phan Thiết - Di Linh dài 98km, đoạn thị trấn Di Linh - Gia Nghĩa dài 99km.
Quốc lộ 28 (đoạn từ Phan Thiết tới Di Linh) chỉ có 1 làn đường khá nhỏ hẹp, đường dốc quanh co, nhiều cua gắt. So với đèo Bảo Lộc hay đèo Prenn thì đèo Gia Bắc nguy hiểm và khó đi hơn nhiều. Đường được rải nhựa toàn tuyến nên xe du lịch 50 chỗ ngồi vẫn có thể lưu thông, tuy nhiên nếu 2 xe ngược chiều thì tránh nhau hơi khó.
|
Cả xe tải cũng phải thuê đò qua hồ. |
Phải nói rằng, mọi thông tin trong Từ điển Bách khoa toàn thư mở đều đúng, nhưng là đúng so với dăm năm trước. Còn hiện tại, Quốc lộ 28 đã bị chia cắt bởi hồ thủy điện Đồng Nai 3 khiến cả một đoạn đường dài thăm thẳm chìm sâu trong biển nước đến hàng chục mét. Đáng buồn là, từ khi đoạn đường ấy bị hồ thuỷ điện nhấn chìm, cơ quan chức năng cũng chẳng thèm thông báo hay gắn một biển báo kiểu "đường cụt" để người tham gia giao thông được biết.
Chúng tôi cũng rơi vào hoàn cảnh ấy. Khi từ thị trấn Đức Trọng (Lâm Đồng) theo Quốc lộ 28 sang Đăk Nông đến xã Đinh Trang Thượng (Di Linh) thì buộc phải dừng lại. Trước mắt chúng tôi là hồ thủy điện Đồng Nai 3 mênh mông nước. Người với người chen chúc nhau trên một chiếc thuyền nhỏ không phao cứu hộ, cũng chẳng được ai cấp phép.
Bà Vũ Thị Chúc ở xã Đinh Trang Thượng bảo: "Hồ này ngập nước được 4 năm rồi, đường ngập sâu xuống đáy hồ, không lên đò thì không bao giờ qua được đâu". Bà Chúc nói thế, vì bà mở dịch vụ vận chuyển khách qua hồ. Chỉ có những người phải lên đò là ngao ngán lẫn buồn tủi vì thuế của dân đóng góp làm con đường này không phải để đi lại, mà để làm cảnh dưới đáy hồ sâu.
|
Khách chuyển xe lên thuyền vì Quốc lộ 28 chìm dưới đáy hồ. |
Muốn thăm vợ, phải mất tiền
Giữa trưa nắng rát mặt, đứng ở đoạn đường cụt bên mép hồ thủy điện, ông Ya Thim người dân tộc Ê đê ở huyện Đăk Glong buồn bã nói: "Tôi ở phía bên kia hồ thủy điện. Trước đây khi hồ chưa ngập nước thì con đường này vẫn thông thoáng lắm. Chỉ phóng xe nửa tiếng là đến nhà vợ ở huyện Di Linh, nhưng bây giờ phải mất cả tiếng đi đò mới tới. Vợ tôi làm thuê bên này, mỗi lần sang thăm tôi phải mất 500 ngàn tiền đò chứ đâu có ít".
Cũng giống như ông Ya Thim, ông Ya Sut ở tận thị xã Gia Nghĩa mỗi lần đi thăm vợ bên Lâm Đồng đều phải chi phí tiền triệu cho thuê xe, thuê đò. Mà khổ nỗi, vợ ông chỉ bán vé số, ông thì làm nghề bán báo dạo nên mỗi lần thăm vợ là phải khốn đốn xoay sở nợ nần.
|
Đi thăm vợ cũng mất tiền. |
Theo bà Chúc, trước đây con đường này nối liền hai tỉnh Lâm Đồng và Đăk Nông. Hằng ngày, có hàng ngàn phương tiện qua lại nhưng từ khi hồ thủy điện ngập nước thì con đường trở nên vắng hoe. Hằng ngày, vẫn có những người không biết đường cụt, khi chạm đích mới buồn rầu quay lại.
Bà Chúc cũng than thở: "Tôi chẳng muốn làm cái nghề sông nước đâu, nhưng thấy khách không có đường sang tôi mới phải đóng thuyền cho thằng Tân (Tân là con trai bà Chúc, năm nay mới 17 tuổi - PV). Nguy hiểm lắm chứ không đùa, hồ thì sâu biết sống chết thế nào".
|
Mỗi lần qua đò, khách phải mất 200.000 - 500.000đ tuỳ thời điểm. |
Danh thắng và mạng người
Thời gian vừa qua, dư luận cũng như các đại diện cử tri kêu ca nhiều trong các kỳ họp Quốc hội về sự lạm phát dự án thủy điện. Chẳng biết hiệu quả mà các hồ thủy điện ở Tây Nguyên đem lại nhiều hay ít, nhưng hậu quả của nó gây ra là không nhỏ. Mỗi lần xả thải coi như một lần dân trắng tay vì nước lũ cuốn trôi tất cả.
Ngay ở hồ thủy điện Đồng Nai 3 cũng thế, đã lấy đi không biết bao nhiêu nương đồi làng mạc. Người ta phải di dân tái định cư, rồi khổ sở nghèo đói ở nơi ở mới. Trong khi đó, theo một cán bộ văn hoá tỉnh Đăk Nông (xin được giấu tên) là đang có dự án du lịch trên hồ thủy điện.
Những người trên chuyến đò hôm ấy với chúng tôi thì ngao ngán bảo, du lịch gì khi làng mạc bị nước nhấn chìm xuống lòng hồ. Cả mồ mả tổ tiên chúng tôi phải chịu chung số phận ngập lụt.
|
Đò thô sơ, không phao cứu hộ. |
Mới đây, vào tháng 9 một con thuyền qua hồ thủy điện Đồng Nai 3 cũng đã bị lật. Theo người dân nơi đây thì 3 người thoát chết, 2 người mất tích. Chẳng biết đến nay đã tìm thấy xác hai nạn nhân xấu số hay chưa nhưng không ai không rùng mình khi bất đắc dĩ phải ngồi trên những con đò gỗ mục ruỗng, không một thiết bị cứu hộ phòng khi nguy hiểm. Tính mạng của họ chỉ còn biết phó thác cho ông trời mà thôi.
Ông Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cũng đã trả lời báo chí rằng, tỉnh đã mua được 2 chiếc xuồng cứu hộ và cử người túc trực trên hồ thủy điện Đồng Nai 3, huyện Đăk Glong cũng thành lập đội cảnh sát đường thủy. Chẳng biết việc ấy đã được triển khai đến đâu. Nhưng hôm chúng tôi qua hồ trên chiếc thuyền gỗ của cậu bé 17 tuổi tên Tân mà tuyệt nhiên không thấy bất cứ chiếc xuồng cứu hộ nào.
Nước hồ thủy điện Đồng Nai 3 ngập làng cũ khiến hơn 40 hộ dân, với gần 200 nhân khẩu của xã Đăk PLao (Đăk Glong, Đăk Nông) phải kéo nhau lên rừng trú ngụ. Họ cũng được thủy điện Đồng Nai 3 sắp xếp chỗ ở mới, nhưng chỗ ấy sống không được, chết không xong. Lên rừng, về chỗ mà tổ tiên ngày xưa sinh sống dù sao cũng còn chút đất để tỉa cái ngô, hạt lúa.