“CSGT Thanh Hóa bắn người vi phạm là sai“

Google News

(Kiến Thức) - Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội, nói về vụ nổ súng bắn người vi phạm giao thông ở Thanh Hóa chiều 16/7.

Không chỉ dư luận tỉnh Thanh Hóa xôn xao mà dư luận cả nước cũng ngỡ ngàng khi biết thông tin CSGT TP. Thanh Hóa khi truy đuổi 2 người ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH) và có hành động khiêu khích đã nổ súng bắn đạn cao su, khiến hai nạn nhân bị thương.

Cụ thể sự việc, vào lúc 16h30 chiều 16/7, trong khi đang điều khiển giao thông tại ngã tư Lê Quý Đôn - đường Trần Phú, TP.Thanh Hóa, Đại úy Trần Ngọc Hoàng (SN 1967), Đội CSGT Công an TP Thanh Hóa phát hiện 2 người đi xe máy BKS 33L3- 2457 không đội MBH, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, nên đã dùng xe máy đuổi theo. 

Clip do người dân cung cấp cho thấy, người điều khiển chiếc xe máy đã lạng lách khiêu khích người CSGT đi phía sau. Nam thanh niên ngồi phía sau cầm MBH trên tay, người cầm lái có đội MBH nhưng sau đó tháo ra. Thấy CSGT đuổi theo nhưng 2 người này đã không dừng lại mà còn bỏ chạy, người lái xe còn có hành động vẫy tay như muốn gọi người CSGT đi phía sau đi lên sát xe của mình...

Hình ảnh chiến sĩ CSGT rút súng khi truy đuổi 2 người đi xe máy. (Ảnh chụp từ clip)  

Trước hành vi khiêu khích của hai người vi phạm trên, khi đến phố Quang Trung I, P. Đông Vệ, TP.Thanh Hóa, CSGT Trần Ngọc Hoàng đã rút súng bắn đạn cao su ra bắn cảnh cáo. Hai người điều khiển xe máy vẫn không chấp hành hiệu lệnh nên chiến sĩ Hoàng đã nổ súng làm anh Lê Văn Ngọc (điều khiển xe máy) bị thương nhẹ vào vai trái và anh Tô Thế Kỷ bị thương nhẹ vào má trái.

Ngay khi sự việc xảy ra, lực lượng công an đã lập biên bản sự việc và đưa 2 nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an TP. Thanh Hóa tạm đình chỉ công tác đối với Đại úy Trần Ngọc Hoàng để xác minh, làm rõ sự việc và sẽ xử lý nghiêm hành động sai phạm theo quy định. 

Người điều khiển xe máy bị bắn vào vai trái. 

Trao đổi với PV Kiến Thức về vụ việc trên, Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội, chiến sĩ CSGT có 34 năm công tác, đồng thời là “Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2012”, nhận định, việc hai người ngồi trên xe máy đang tham gia giao thông không đội MBH, còn tỏ thái độ thách thức CSGT là sai, đặc biệt khi có tín hiệu dừng xe của CSGT mà không chấp hành là vi phạm pháp luật, cần được xử lý. Nhưng việc CSGT nổ súng trong trường hợp này là hoàn toàn không thể chấp nhận.

“Ở trường hợp này, người vi phạm giao thông có lỗi không đội MBH khi đang tham gia giao thông, không chấp hành lệnh của CSGT. Tuy nhiên, chưa đến mức phải nổ súng, dù đó là súng bắn đạn cao su. Việc CSGT nổ súng trong trường hợp này là sai", Thượng tá Lê Đức Đoàn nói.

 Thượng tá Lê Đức Đoàn nhận định, CSGT Thanh Hóa bắn người vi phạm giao thông là sai.

Ông viện dẫn: Trong Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, súng bắn đạn cao su nằm trong danh sách “công cụ hỗ trợ”. Đồng thời, Pháp lệnh nêu rõ, khi thi hành công vụ chỉ được sử dụng công cụ hỗ trợ khi ngăn chặn người đang có hành vi đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người khác; bắt giữ người theo quy định của pháp luật; thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật. 

Người thi hành công vụ cũng có thể bắn đạn cao su trong trường hợp giống với điều kiện được nổ súng. Trong đó có tình huống được phép bắn vào phương tiện giao thông như: Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn. 

"Chiếu theo pháp lệnh, thì việc nổ súng của CSGT trên là không đúng bởi người vi phạm không thuộc trường hợp nào mà người thi hành công vụ được nổ súng”, Thượng tá Lê Đức Đoàn kết luận. 

Theo ông, trong trường hợp nêu trên, không thiếu gì cách để xử lý người vi phạm giao thông ngoài việc nổ súng. Ví như khi người điều khiển xe vi phạm không chấp hành hiệu lệnh CSGT, bỏ trốn, CSGT không cần đuổi theo vì như thế dễ gây tai nạn giao thông. Lúc này chỉ cần CSGT ghi lại biển số xe, lưu lại những hình ảnh vi phạm, sau đó xử lý "nguội" vẫn có hiệu quả cao. 

"Không nhất thiết phải dùng đến súng. Việc nổ súng đã làm mất đi hình ảnh đẹp của chiến sĩ CSGT trong mắt người dân. Trong trường hợp hai tên cướp rút vũ khí cướp của người đi đường và chạy chốn, CSGT có thể nổ súng, người dân ủng hộ, nhưng trong trường này việc nổ súng sẽ khiến người dân cho rằng CSGT lạm quyền, tạo hình ảnh xẩu”, Thượng tá Lê Đức Đoàn thẳng thắn bày tỏ.

Hải Ninh

Bình luận(0)