Sau khi nhận được thông tin từ Báo LĐ&ĐS số 14/2015 về hoạt động lợi dụng quảng cáo giới thiệu sản phẩm để khám bệnh, bán thực phẩm chức năng, Sở Y tế Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đình chỉ mọi hoạt động của Công ty cổ phần Thực phẩm chức năng và Vật tư y tế Việt Nam, đồng thời kỷ luật một cán bộ trạm y tế xã.
|
Quyết định xử lý kỷ luật đối với cán bộ y tế của Trung tâm y tế huyện Nông Cống. |
Cháy nhà ra mặt… công ty “rởm”
Trước những bằng chứng do PV cung cấp về toàn bộ sai phạm của Công ty cổ phần Thực phẩm chức năng và Vật tư y tế Việt Nam (Cty CP TPCN và VTYT VN) trong việc lợi dụng quảng cáo giới thiệu sản phẩm TPCN dưới dạng hội nghị, hội thảo để thực hiện trò lừa đảo khám bệnh miễn phí, bán TPCN cho người dân, đồng thời công ty không được cấp giấy phép khám chữa bệnh nhưng vẫn lén lút khám bệnh, Sở Y tế Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, trực tiếp là Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, tiến hành xác minh, kiểm soát hoạt động quảng cáo của Cty này.
Ngày 31/3, Chi cục ra công văn số 109/ATTP nêu rõ: “Công ty trên chưa hoàn chỉnh các thành phần, hồ sơ mà Chi cục yêu cầu theo công văn số 433/ATTP - HCTH ngày 1/12/2014 về việc trả lời đề nghị cấp xác nhận nội dung, hội thảo nên chưa được cấp giấy xác nhận nội dung, hội thảo hội nghị”. Công văn số 109 của Sở Y tế cũng nêu rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan trong việc “tăng cường kiểm soát việc tổ chức các hội nghị nhằm giới thiệu, quảng cáo TPCN của các doanh nghiệp trên địa bàn”.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Nông Cống tiến hành kiểm điểm, kỷ luật những cán bộ y tế có dấu hiệu vi phạm quy định, quy chế của ngành, đơn vị. Ngày 3/4, Trung tâm Y tế huyện Nông Cống ra quyết định số 106/QĐ - TTYT nêu rõ: “Kỷ luật khiển trách 06 tháng đối với ông Lê Đình Vị - Trưởng trạm y tế xã Thăng Long, chậm lên lương 06 tháng và cắt các hình thức thi đua khen thưởng trong năm”.
Trao đổi với PV, ông Lê Hữu Uyển - phát ngôn báo chí của Sở Y tế - cho biết: “Công ty trên có dấu hiệu lừa đảo, Sở đã thông báo sang bên phía công an, nếu công ty trên còn quay lại địa phương lợi dụng quảng cáo để khám bệnh, bán TPCN, chúng tôi sẽ lập tức xử phạt, bắt giữ”. Ông Uyển cũng nhấn mạnh: “Hiện Sở Y tế đang tăng cường công tác kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với các hoạt động quảng cáo giới thiệu sản phẩm TPCN, nhằm chấm dứt tình trạng lợi dụng quảng cáo giới thiệu sản phẩm để khám bệnh rồi bán TPCN”.
Phó Chủ tịch UBND xã chưa đọc văn bản của sở và huyện
Như LĐ&ĐS đã đưa tin, công văn số 433 của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế Thanh Hóa và công văn số 18 của Phòng Y tế huyện Nông Cống nêu rõ, Cty CP TPCN và VTYT VN chỉ được phép tiến hành quảng cáo giới thiệu sản phẩm TPCN dưới dạng hội thảo, hội nghị chứ không được phép khám bệnh, bán thuốc dưới bất kỳ hình thức nào. Nhưng về đến xã Thăng Long, huyện Nông Cống, ông Đỗ Huy Thu - Phó chủ tịch UBND xã - đã tự ý ký giấy cho phép Cty CP TPCN và VTYT VN được khám bệnh và bán thuốc trên địa bàn xã, đi ngược lại hoàn toàn với công văn 433, công văn 18 của sở và huyện.
Gặp ông Đỗ Huy Thu tại trụ sở làm việc của UBND xã Thăng Long, ông Thu cho biết: “Do tin tưởng người ta (chỉ trạm y tế xã và phòng y tế huyện - PV) quá, nên tôi đã không đọc qua công văn 433 và công văn số 18, do đó tôi đã ký vào giấy cho phép công ty trên về địa phương khám bệnh và bán thuốc. Mãi sau khi nghe báo chí phản ánh, tôi mới đọc lại văn bản mà tôi đã ký và xem lại công văn của sở, huyện. Lúc này, tôi mới biết mình đã làm việc sai, chưa cẩn thận trong công việc, cái này tôi đã sai hoàn toàn”.
Ông Lê Viết Thân - Chủ tịch UBND xã Thăng Long - cho biết: “UBND xã Thăng Long xin nhận khuyết điểm trong việc quản lý của xã, ai sai trong việc này, chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm rồi báo cáo lên UBND huyện để đề ra hình thức kỷ luật”. Hiện Sở Y tế đã có những biện pháp kỷ luật cương quyết đối với những cán bộ trong ngành vi phạm, nhưng bên phía UBND huyện Nông Cống vẫn chưa có hình thức kỷ luật đối với các cán bộ xã Thăng Long trong việc làm thiếu trách nhiệm kể trên.
Bộ Y tế nên siết chặt việc lợi dụng quảng cáo để khám bệnh, bán thuốc
Trong thời gian gần đây, báo chí liên tục đưa tin về một số công ty núp dưới danh nghĩa khám chữa bệnh miễn phí để bán TPCN. Báo Thừa Thiên Huế phản ánh việc Công ty cổ phần Bách Gia khám bệnh tại huyện Phong Điền, bài báo nêu rõ: “Trong sổ tư vấn và theo dõi sức khỏe, bên dưới chỉ ký khống, không có con dấu” và “chỉ được tổ chức hội thảo hội nghị nhưng lại tiến hành khám bệnh bán thuốc”. Báo Dân Việt phản ánh việc Công ty Việt Mỹ lợi dụng tư vấn khám bệnh để bán TPCN trên địa bàn huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Bài báo chỉ rõ: “Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau chỉ cấp giấy phép tổ chức hội thảo hội nghị giới thiệu sản phẩm”, nhưng “Công ty Việt Mỹ đã tổ chức khám chữa bệnh trái phép cho hàng trăm người dân tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau”.
Hiện nay, những công ty chuyên bán TPCN thường núp dưới chiêu bài lợi dụng việc quảng cáo giới thiệu sản phẩm, rồi sau đó lén lút hoặc công khai khám bệnh và bán TPCN. Cứ khám là ra bệnh, rồi nhân viên sẽ tư vấn cho người bệnh mua thuốc, khiến người bệnh hiểu nhầm rằng, “TPCN có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Để thuận lợi cho hành vi lừa đảo của mình, các công ty thường lợi dụng Thông tư số 08 của Bộ Y tế trong việc quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Các công ty này đến liên hệ với Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế các tỉnh để làm đơn xin cấp giấy phép quảng cáo giới thiệu sản phẩm tại địa phương. Căn cứ vào hồ sơ và đơn xin cấp giấy phép quảng cáo thực phẩm theo đúng quy định của thông tư 08, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh sẽ cấp giấy cho phép các công ty được tiến hành quảng cáo giới thiệu sản phẩm TPCN dưới dạng hội thảo hội nghị, nhưng không phải là giấy cho phép khám chữa bệnh, bán TPCN trên địa bàn.
Những công ty trên khi có được tấm “lệnh bài” do Chi cục tỉnh cấp, về đến các địa phương, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa nơi có sự quản lý nhà nước lỏng lẻo, trình độ dân trí thấp, sẽ thực hiện “nhất tiễn hạ song điêu” - vừa tiến hành giới thiệu quảng cáo sản phẩm vừa khám bệnh rồi bán TPCN, qua mặt chính quyền sở tại. Có những công ty “ma”, “ảo” còn sử dụng trò lừa bịp “mua hai tặng một” như mua một sản phẩm đồ dân dụng (nồi cơm, quạt máy, bếp ga...) với “giá thành đắt gấp đôi, chất lượng… kém gấp ba” để được tặng một sản phẩm TPCN.
Do công ty chỉ được phép quảng cáo sản phẩm, không được phép khám bệnh bán thuốc, nên đội ngũ bác sĩ khám bệnh cũng chưa được kiểm duyệt về trình độ chuyên môn và những sản phẩm TPCN cũng chưa được kiểm tra về chất lượng, kiểm tra độ an toàn, nguồn gốc xuất xứ. Bộ Y tế nên sớm vào cuộc để quản lý chặt chẽ hơn nhằm chấm dứt tình trạng lợi dụng quảng cáo sản phẩm để khám bệnh, bán TPCN trục lợi, nhằm tránh những tình trạng đáng tiếc “mất bò mới lo làm chuồng” sau này sẽ xảy ra.