Cha con “người rừng” đòi về... thăm rừng

Google News

Sau 5 ngày trở về với cộng đồng, nỗi nhớ rừng quay quắt trong lòng khiến cha con “người rừng” nằng nặc đòi quay về… thăm rừng, thăm lại “ngôi nhà tổ chim”.

Ám ảnh chiến tranh
Sáng 12/8, ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND H.Tây Trà, cho biết huyện đã gửi báo cáo cho UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng các sở, ngành chức năng về vụ việc cha con “người rừng”.
Theo đó, qua xác minh, hai “người rừng” là cha con ông Hồ Văn Thanh (81 tuổi) và Hồ Văn Lang (44 tuổi) ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh.
Trong thời gian ông Thanh tham gia bộ đội Quân khu 5, gia đình ông chuyển về sống ở xã Trà Phong. Trong lúc ông Thanh đang làm nhiệm vụ trong quân đội, gia đình ông bị trúng bom của Mỹ làm hai người con đầu chết, sau đó vợ ông ôm hai con là Hồ Văn Lang và con út Hồ Văn Tri về sinh sống ở xã Trà Khê.
Từ quân ngũ trở về, ông Thanh bàng hoàng, đau đớn khi biết bom của Mỹ sát hại hai người con rứt ruột đẻ ra. Từ đó, nỗi ám ảnh về chiến tranh, chết chóc tang thuơng khiến cha mất con, gia đình ly tán luôn đeo bám từng giây, từng phút khiến ông Thanh như người mất hồn.
Đến khoảng năm 1974, ông Thanh ôm con là Hồ Văn Thanh lẳng lặng rời bản làng vào rừng sâu thuộc vùng núi Apon (thôn Trà Kem, xã Trà Xinh) sinh sống, cách biệt hoàn toàn với cộng đồng.
Mấy năm sau ngày đất nước thống nhất, trong lúc lên rừng người dân xã Trà Xinh phát hiện có hai người lạ sống trong rừng, sau đó xác định là cha con ông Thanh.
Biết người thân còn sống, anh Tri và anh Hồ Minh Lâm (gọi ông Thanh bằng chú ruột - PV) liên tục lên rừng tìm cách khuyên nhủ nhưng mỗi lần thấy mặt người thân, cha con “người rừng” lập tức chạy trốn vào rừng sâu, không chịu trở về nhà.
Cũng theo lời anh Lâm, suốt gần 40 năm sống trong rừng thẳm, cha con ông Thanh đã 8 lần thay đổi chỗ ở.
Nơi cha con ông Thanh chọn làm “tổ ấm” là những cây cổ thụ nằm gần suối nước, xung quanh bao bọc lớp lớp chông làm bằng tre nứa để phòng thú dữ. Nhiều người dân đi rừng phát hiện nhưng chẳng ai dám bén mảng vào. Đôi lúc gặp cha con ông Thanh, người đi rừng phải bỏ chạy vì lúc nào trong tay họ cũng lăm lăm dao và cung tên.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Ngãi tặng quà, trao tiền hỗ trợ cho cha con ông Thanh.
Sau khi được đưa từ rừng trở về nhà người thân vào chiều tối 7/8 vừa qua, do cơ thể bị suy nhược nặng nên ông Thanh được chuyển đến Bệnh viện đa khoa H.Tây Trà điều trị. Đến chiều 12/8, sức khỏe ông đã dần hồi phục.
Anh Lâm cho biết, mấy ngày đầu ở bệnh viện, ông Thanh không chịu ăn uống gì; miệng cứ lầm bầm những điều khó hiểu. Năn nỉ mãi đến hôm qua (11.8), ông mới chịu ăn cơm nhưng chỉ ăn gạo lúa rẫy (gạo đỏ).
Ai biết tiếng Cor hỏi thì ông Thanh mới trả lời vài từ, còn không thì im lặng nhìn mọi vật xung quanh với ánh mắt vô cảm. Ban đêm, ông cứ nhìm chằm chặp vào bóng đèn điện và rất sợ bóng tối nên cúp điện là trốn xuống gầm giường nằm, kiên quyết không chịu dùng chén sứ, ly nhựa hay thủy tinh.
“Người rừng” nghe nhạc cả đêm
Trong khi ông Thanh tỏ vẻ khó chịu với mọi vật dụng văn minh của thế kỷ 21 thì nguời con là Hồ Văn Lang lại thích nghi khá nhanh. Nếu như ngày đầu tiên trở về, anh Lang chỉ ngồi im một chỗ hút thuốc và ăn trầu, tỏ vẻ sợ sệt khi thấy đông người, không ăn được bún bò, mì tôm, bật tivi lên là quay mặt đi chỗ khác, không mặc được quần áo… thì bây giờ tuy chỉ nói chuyện với người thân nhưng dạn dĩ hơn rất nhiều; ăn được nhiều món, tự làm được nhiều việc.
“Sau một vài lần hướng dẫn, bây giờ nó đã biết dùng remote để điều khiển ti vi, không lấy lá quấn thuốc để hút mà chỉ xài toàn thuốc điếu đầu lọc, thích được mọi người dẫn đi dạo chơi xung quanh làng, thậm chí còn lấy điện thoại nghe nhạc cả đêm!”, anh Lâm cho biết.
Sống trong rừng sâu suốt gần 40 năm, mọi thứ đã in sâu trong tâm thức. Ám ảnh về chiến tranh vẫn đeo bám cha con “người rừng” nên dù trở về nhà, đuợc các sĩ, bác sĩ, người thân chăm sóc tận tình chu đáo, ăn uống đầy đủ nhưng cha con ông Thanh vẫn đau đáu nhớ rừng, nhớ “tổ ấm” trên cây, nhớ nương rẫy, nhớ bẫy thú nên nhiều lần nằng nặc đòi quay trở lại rừng.
Theo anh Lâm, cha con ông Thanh cứ nói: “Nhớ rừng lắm, về lại rừng xem cái bẫy có bắt được con thú nào không”.
Trong khi anh Lang tỏ vẻ thích thú với quà tặng thì ông Thanh chỉ nằm im nhìn.
Thương cha già nên anh Thanh lúc nào cũng ngồi gần bên.
 Sức khỏe ông Thanh dần hồi phục.
Từ rừng sâu trở về, anh Lang lập tức ngã bệnh.
Ông Thanh từ chối những vật dụng văn minh nên gia đình phải dùng cây lồ ô làm ly uống nước cho ông. 
Theo Thanh Niên

Bình luận(0)