Hiện tượng ăn tiền bảo kê rất nhiều!
Ngay sau sự việc Thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác chị Lê Thị Thanh Huyền xuống sông Hồng, Sở Y tế Hà Nội đã lập tức tiến hành rà soát thanh kiểm tra tất cả các thẩm mỹ viện trên địa bàn. Giống như câu chuyện cháu bé bị bạo hành ở một trường mầm non tư thục nọ, ngành giáo dục cũng ngay lập tức rà soát kiểm tra tất cả các cơ sở mầm non tư thục. Cái mô típ có sự cố là ngay lập tức thanh tra rà soát, diễn ra ở các ngành. Có người tự hỏi, vai trò quản lý của các cơ quan như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Quyền, Ủy ban Tư pháp Quốc hội khẳng định, đây là trách nhiệm quản lý Nhà nước. Trong trường hợp này, Sở Y tế Hà Nội nhận trách nhiệm tham mưu cho UBND TP Hà Nội về việc quản lý các cơ sở này, thì trách nhiệm rõ ràng là quy kết được. Tôi chả hiểu tại sao các cơ quan này lại chối bỏ trách nhiệm của mình. Cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra chứ không phải làm theo phong trào. Hằng tuần, hằng tháng, hằng quý phải kiểm tra đột xuất, thanh tra theo kế hoạch theo đúng quy định về luật thanh tra. Việc thanh tra xem sở đó có giấy phép hành nghề hay không đâu có khó!
Vậy theo ông, vì sao các cơ quan chức năng lại không phát hiện được sai phạm trước khi có sự cố?
Có hai khả năng, một là anh dốt nên không biết được. Hai là anh ăn tiền bảo kê rồi. Mà giờ cái hiện tượng ăn tiền bảo kê là có. Đoàn thanh tra đến, nhiều khi cứ phong bao phong bì là các anh lại kéo nhau về thôi thì làm sao mà thực thi công vụ được. Mà trách nhiệm quản lý nhà nước, thanh tra kiểm tra là của Sở Y tế Hà Nội. Trách nhiệm trong việc này như 1 + 1 = 2 rồi, cần gì phải truy trách nhiệm nữa. Sự việc xảy ra trong ngành nào, lĩnh vực nào, thì người đứng đầu ngành đó phải chịu trách nhiệm.
Ý ông là trách nhiệm trong việc Thẩm mỹ viện Cát Tường là Bộ Y tế?
Ở các nước, khi xảy ra những sự cố tương tự, người đứng đầu ngành sẽ chủ động xin từ chức, không cần ai phải nhắc nhở cả. Người ta có tự trọng lắm, người ta từ chức luôn.
|
Ông Nguyễn Đình Quyền, Ủy ban Tư pháp Quốc hội. |
Kỷ luật nặng thanh tra là sẽ sợ
Trong những vụ việc lớn gây nhiều bức xúc của dư luận, dường như các lãnh đạo ngành không bị liên đới trách nhiệm?
Cái thực thi công vụ ở ta quá yếu. Có lẽ ta phải ban hành luật công vụ quy định rõ ràng, mỗi vị trí đều phải chịu trách nhiệm cá nhân về từng vụ việc cụ thể. Giả sử Giám đốc Sở Y tế đã làm hết trách nhiệm của mình rồi, thường xuyên yêu cầu thanh tra, báo cáo, có hiện tượng là yêu cầu làm rõ, thì ông ấy sẽ được loại trừ trách nhiệm. Khi đó trách nhiệm sẽ thuộc về thanh tra.
Xem xét bằng cách nào?
Xem xét về năng lực và trách nhiệm của đội thanh tra này thế nào, trách nhiệm thực hiện đến đâu. Và quan trọng nhất phải làm rõ là liệu trong quá trình thanh tra đó có "nháy nháy" không. Nhà quản lý phải nhạy cảm chuyện đó mà làm rõ ra chứ.
Theo ông, liệu có cách nào để cái lối mòn "mất bò mới lo làm chuồng" này không tái diễn nữa?
Theo tôi thì để xảy ra sự việc ở địa phương nào thì UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm, tất cả các lãnh đạo ngành, địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Những người được giao nhiệm vụ này, và đặc biệt đội ngũ thanh tra là phải kỷ luật. Nhất định phải kỷ luật, mà là kỷ luật nặng ấy chứ không phải là kiểm điểm rút kinh nghiệm hay xử lý nội bộ.
Lãnh đạo phải nghĩ chứ!
Ông có nhắc đến lòng tự trọng của lãnh đạo, về việc từ chức khi có sự cố của ngành mình. Nhưng cái gì cũng đổ hết lên đầu của một người thì e có vẻ quá sức quá?
Bộ trưởng phải có văn bản chỉ đạo gửi tất cả 63 tỉnh thành là phải tăng cường công tác thanh tra kiểm tra đối với hoạt động hành nghề y nói chung cũng như hoạt động thẩm mỹ nói riêng chưa. Nếu bộ trưởng đã làm rồi, đôn đốc rồi mà các địa phương chậm triển khai thì trách nhiệm thuộc về các tỉnh. Còn bộ trưởng chưa làm thì trách nhiệm thuộc về bộ trưởng.
Nhưng bộ trưởng đâu thể bao quát hết được từng việc như vậy?
Không bao quát, nhưng là người đứng đầu ngành đó thì phải lường hết được. Phải thu thập thông tin xung quanh lĩnh vực mình quản lý. Nếu thấy có vấn đề thì phải chỉ đạo ngay. Phải tăng cường các trách nhiệm đó chứ không phải dư luận cứ nói, bộ trưởng cứ im. Việc ra văn bản chỉ đạo và đôn đốc thực hiện thì đâu có quá khó. Nó như một cái guồng máy, anh nọ yêu cầu anh kia, nhưng cái yêu cầu đó nó phải đi kèm với việc đôn đốc kiểm tra. Còn tung ra yêu cầu rồi bỏ lửng, không cần xem xét người ta làm thế nào thì khó mà chấp nhận được.
Vậy tới đây sẽ phải sửa luật thế nào để quy trách nhiệm cụ thể hơn nữa?
Nếu chúng ta có một luật công vụ rõ hơn thì khỏi phải bàn cãi tranh luận gì nhiều. Đứng trước một sự việc đau xót như vậy, một người quản lý nhà nước chân chính phải thấy hổ thẹn, phải chỉ đạo làm nghiêm minh. Sự tắc trách của quản lý nhà nước dẫn đến những hậu họa, mà hậu họa lớn nhất là chết người. Thế thì lương tâm người quản lý phải cảm thấy cắn rứt chứ. Mỗi người lãnh đạo hãy vắt tay lên trán suy nghĩ rằng nếu mình cố gắng một chút thì có thể sự việc đã không xảy ra. Lãnh đạo là phải nghĩ thế chứ.
Tránh nhiệm phải là hàng ngày hàng giờ
Trước những sự việc tương tự, dư luận thường có nhiều luồng ý kiến. Ông thì nghĩ gì?
Dư luận cho rằng có việc bảo kê, bao che, tiêu cực, ăn tiền theo cả dây... thì mới là dư luận chứ chưa có khảo sát đánh giá căn bản vấn đề này? Nhưng có hiện tượng đó thì các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc. Trinh sát điều tra đâu, phòng chống tội phạm đâu, thanh tra Nhà nước, thanh tra Chính phủ đâu, các bộ phận giám sát của HĐND và Quốc hội đâu... Nó là nỗi đau chung của xã hội thì tất cả những người có trách nhiệm phải vào cuộc.
Phải chăng ông cho rằng đội ngũ quản lý của ta hiện nay yếu kém quá?
Ở mức độ nào đó thì vẫn có những người làm đúng chức trách của mình, nhưng người làm không đúng thì phải xem xét và xử lý kịp thời, nghiêm minh để làm răn đe cho người khác.
Nhưng từ trước đến nay hình như chưa có ai bị xử lý vì không thực thi công vụ một cách đầy đủ?
Đó do hai phía, do cơ chế chưa rõ ràng minh bạch, chưa cụ thể đến mức mà có vụ việc gì đó thì chỉ ra ngay trách nhiệm. Thứ nữa là khi thực thi công vụ cũng có nơi nọ nơi kia còn nương nhẹ, chưa nghiêm minh, cần phải chấn chỉnh lại. Toàn bộ nền công vụ của ta cần chấn chỉnh lại. Vấn đề lớn nhất là quy trách nhiệm rõ ràng.
Xin cảm ơn ông!
Ở mỗi cấp, nếu đã làm hết trách nhiệm của mình rồi thì được loại trừ. Nhưng nếu giám đốc không thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, không đôn đốc hiệu lực thanh tra. Rồi là một nhà quản lý, thấy dư luận báo chí nói nhiều về việc đó, đoàn thanh tra về mà báo cáo là không có gì thì phải xem xét lại ngay đội ngũ thanh tra đó.