Ngày 22/8, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2013-2014, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (MN), Bộ GD-ĐT đã trao đổi với phóng viên về chủ trương mới này.
|
Hình minh họa. |
Việc dạy trẻ mẫu giáo lớn tập tô, tập viết chữ đã được triển khai từ khá lâu ở trường MN và được nhiều phụ huynh ủng hộ. Lý do nào khiến Bộ GD-ĐT ban hành “lệnh cấm” này?
Chương trình giáo dục MN có nội dung yêu cầu dạy trẻ tập tô, tập viết chữ nhằm hoàn thiện các yếu tố cơ bản (về tri giác, về việc phát triển các cơ…) để tạo tiền đề cho việc viết chữ sau này của trẻ ở tiểu học. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, việc này không phù hợp với lứa tuổi mẫu giáo lớn. Trên thực tế, trẻ vẫn có thể tiếp thu được nội dung này, nhưng nó cũng khiến trẻ nhanh mệt mỏi, căng thẳng. Để tạo tiền đề cho việc viết chữ ở tiểu học, có nhiều cách khác hiệu quả và phù hợp hơn đối với lứa tuổi này và một trong số đó là thông qua việc tổ chức các hoạt động tạo hình.
Việc điều chỉnh, bổ sung một nội dung giáo dục mới đòi hỏi phải có các điều kiện, liệu ngân sách có cho phép tăng thêm một khoản phải chi, thưa ông?
Để tổ chức các hoạt động tạo hình và hình thành các yếu tố cho trẻ như đã nói thì các trường không cần bổ sung gì nhiều, bởi học liệu xung quanh ta rất đa dạng. Không nhất thiết phải “gò” trẻ bằng cách sử dụng vở ô ly với bút chì để tô theo nét chữ có sẵn. Thay vào đó, cô giáo có thể tổ chức cho các con tạo ra các nét thẳng, nét cong, quả trứng, mái nhà… bằng những thứ rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày của trẻ. Khảo sát thực tế cho thấy trẻ rất háo hức với hoạt động này và đây chính là cách tốt nhất để trẻ hình thành các kỹ năng.
Thực tế, bất chấp “lệnh cấm” của Bộ GD-ĐT, tình trạng dạy trước cho trẻ chương trình lớp 1 vẫn khá phổ biến ở một số địa phương. Năm nay, Bộ có giải pháp gì để kiểm soát tình hình?
Việc dạy cho trẻ tập tô chữ cái dưới dạng kỹ thuật (trong các ô ly) đã bị các trường MN lạm dụng để đáp ứng kỳ vọng của phụ huynh muốn con mình phải biết đọc, biết viết và biết nhiều hơn, nhanh hơn các bạn khác. Vì thế, họ tìm chỗ cho con học trước và thực tế là, những trường nào đáp ứng được các yêu cầu này thường được phụ huynh tin tưởng để gửi con. Để kiểm soát tình trạng này, ngay đầu năm học mới, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chủ trương trên, hạn chế việc “phổ thông hóa” trường MN để trẻ phát triển toàn diện theo đúng tâm sinh lý lứa tuổi.
Đẩy mạnh tiến độ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi
Năm học 2013-2014 là năm thứ 4 cả nước triển khai đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu, các địa phương tập trung thực hiện "3 đồng bộ" để bảo đảm phổ cập GDMN có chất lượng, đúng tiến độ, gồm: Tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng chính sách cho giáo viên và quan tâm hỗ trợ trẻ ra lớp. Bộ đề nghị các địa phương tập trung mở rộng quy mô trường, lớp để tăng tỷ lệ huy động trẻ ở tất các độ tuổi với tỷ lệ chung toàn quốc là 24% trẻ nhà trẻ và 87% trẻ mẫu giáo. Riêng với trẻ 5 tuổi, phải bảo đảm ít nhất 95% số trẻ đến trường được học 2 buổi/ngày, 78% trẻ được ăn bán trú.