Theo thông tin từ Hội Nghề cá Việt Nam, Tân Hoa xã dẫn nguồn Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ đơn phương “ngăn chặn các hoạt động khai thác tài nguyên biển trong mùa sắp tới” ở Biển Đông.
Việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá ở Biển Đông nói trên kéo dài hai tháng rưỡi, bắt đầu từ ngày 16/5/2016 đến ngày 1/8/2016, phạm vi trải dài từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough (bao gồm một số khu vực thuộc chủ quyền biển Việt Nam).
Liên quan đến hành động ngang ngược nói trên của Trung Quốc, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
- Việc Trung Quốc ngang nhiên cấm đánh bắt cá trên biển Đông, trong đó có cả vùng chủ quyền biển của Việt Nam như trên không phải lần đầu tiên mà đã là lần thứ 18. Thiếu tướng nhìn nhận như thế nào về sự ngang ngược tự ban hành lệnh cấm bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông của Trung Quốc?
- Đây là một trong những hành động ngang ngược của Trung Quốc. Trước đây, chúng ta đã cảnh báo điều đó rồi nhưng họ vẫn cứ làm. Trung Quốc làm như thế, trước hết là tự phương hại hình ảnh đất nước, tự cô lập với thế giới, hoàn toàn không có lợi với Trung Quốc. Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục đi các nước trên thế giới để lấy hình ảnh. Tôi rất ngạc nhiên là sau những chuyến đi nước ngoài của Tập Cận Bình tuyên truyền quảng bá đất nước Trung Hoa hữu nghị hòa hợp với các nước trên thế giới như thế, nhưng hành động của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược. Việc cấm đánh bắt cá trên biển Đông chứng minh một điều, Trung Quốc nói thế nhưng hành động hoàn toàn khác, nói thế mà thực tế lại không phải thế.
- Hành động này phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trung Quốc đang muốn chứng minh điều gì cho thế giới?
- Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay, rõ ràng Trung Quốc càng làm càng bế tắc trong đường lối đối ngoại, cũng như đối nội. Tòa trọng tài quốc tế chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc bẽ mặt. Đây là tòa độc lập cho nên không chịu sức ép của bất cứ quốc gia nào. Trung Quốc đã ngấm đòn về chuyện đó rồi. Lẽ ra Trung Quốc không nên làm mất thể diện một quốc gia lớn có trách nhiệm đối với thế giới như vậy.
Những hành động của Trung Quốc rõ ràng đã đi ngược lại với xu thế hòa bình, đi ngược lại với các nước nhỏ Đông Nam Á trong khối ASEAN. Vừa rồi Trung Quốc cố ve vãn 3 nước trong khối ASEAN nhưng không được thành công cho lắm. Lẽ ra, Trung Quốc phải ý thức được điều đó để hành động bớt hung hăng nhưng Trung Quốc lại thể hiện sự bất cần với Luật pháp quốc tế, với quan hệ láng giềng...
|
Thiếu tướng Lê Mã Lương. |
- Bất chấp lệnh cấm phi lý của Trung Quốc, ngư dân vẫn ra khơi bám ngư trường truyền thống. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần làm gì để bảo vệ ngư dân khi Trung Quốc sẽ huy động số lượng lớn tàu hải cảnh, ngư chính, hải giám và các tàu chấp pháp địa phương tăng cường phối hợp tuần tra, nhằm thực thi lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông?
- Dù Trung Quốc có hành động ngang ngược nhưng ngư dân vẫn phải bám ngư trường của mình. Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải thể hiện sự quyết liệt hơn trong việc bảo vệ cho ngư dân.
Qua những những hành động ngang ngược của Trung Quốc trước đây, chúng ta hiểu rất rõ quốc gia này sẽ đi những bước phiêu lưu và mạo hiểm hơn. Do vậy tôi tin Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tổ chức cho ngư dân ra biển chiếm lĩnh các ngư trường truyền thống của chúng ta. Tuy nhiên, để bảo đảm cho ngư dân đánh bắt cá trên ngư trường truyền thống của mình, cần có sự phối hợp của hải quân, Bộ tư lệnh cảnh sát biển, kiểm ngư và các lực lượng, để đảm bảo an toàn tối đa cho ngư dân.
- Để chấm dứt hành động ngang nhiên cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trong khu vực thuộc chủ quyền biển Việt Nam, theo thiếu tướng, chúng ta nên có những hành động như thế nào cho phù hợp?
- Chúng ta cần thể hiện sự quyết liệt hơn trong việc phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc. Chúng ta cần phối hợp với các nước ASEAN, những nước có biển cũng như các nước không có biển đoàn kết lại, không để Trung Quốc chập lại với một vài nước để tạo ra ảnh hưởng. Bởi hiện nay Trung Quốc ở thế yếu chứ không phải ở thế mạnh. Bản thân nước Mỹ đã nắm được thóp của Trung Quốc nên Mỹ có những hành động mạnh mẽ trên biển Đông. Ngoài những lần tập trận với Philippine hay Nhật, Mỹ đã đưa hai cụm tàu sân bay diễu ở biển Đông, máy bay Mỹ bay vòng qua vòng lại bãi cạn Trung Quốc "cướp" của Philippine năm 2014. Nó như là một thông điệp của Mỹ gửi Trung Quốc là Mỹ không phải đứng ngoài, Mỹ có hành động mạnh mẽ hơn và Trung Quốc phải dè chừng với những hành động đó.
- Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng Lê Mã Lương về cuộc trao đổi trên.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc thông báo về thời gian, phạm vi và biện pháp thực thi dừng đánh bắt cá ở Biển Đông từ 12 giờ ngày 16/5/2016 đến 12 giờ 00 ngày 1/8/2016 được đăng tải trên trang thông tin của Chính quyền thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc và một số tờ báo điện tử của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định vô giá trị này."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982."
"Việc làm này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC),” ông Lê Hải Bình nói.