Đến sáng 19/2, chính quyền TP Đà Nẵng đã hoàn tất hồ sơ và sẵn sàng đưa vụ kiện Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) ra tòa.
Tính mạng người dân bị xem nhẹ
Nếu ai từng sống ở Quảng Nam, Đà Nẵng hoặc ít nhất chỉ cần lướt nhẹ qua các trang báo xuất bản cách đây ít tháng thì hẳn vẫn không thể nào quên sự tàn phá ghê gớm của những cơn lũ lịch sử cuối năm 2013 vừa qua. Hàng trăm người dân vô tội đã gieo mình dưới dòng nước lạnh, hàng nghìn ngôi nhà và hàng vạn héc ta hoa màu bị nước lũ cuốn trôi. Những thiệt hại ấy đến nay vẫn chưa khắc phục hoàn toàn.
“Thế mà dự thảo về quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 do Bộ TN-MT soạn thảo lại cho rằng Thủy điện vô can. Điều này làm cho lãnh đạo địa phương và hàng nghìn người dân vùng hạ du bức xúc và mất niềm tin trầm trọng”, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Trưởng ban PCLB&TKCN TP Đà Nẵng bức xúc nói.
|
Ông Huỳnh Vạn Thắng: “Thủy điện là “tội đồ” khiến hàng trăm ngôi nhà ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) ngập chìm trong nước”. |
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra nhận định, chính các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn là tội đồ khiến hơn 1,7 triệu dân vùng hạ du thiếu nước vào mùa không và ngập lụt vào mừa mưa. Ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) dẫn chứng: “Từ khi có các nhà máy thủy điện đến nay, số lượng cơn lũ ngày càng nhiều với cường độ phá hoại ngày càng ghê gớm. Nguyên nhân chính là do Thủy điện xả lũ. Đơn cử, trận lũ diễn ra ngày 15/11/2013 vừa qua, khi thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ với lưu lượng lên đến 3.900 m3/s (số liệu báo cáo của thủy điện Đăk Mi 4- PV) thì chỉ trong vòng vài phút đã khiến 14 căn nhà của người dân dọc sông Trường tại thôn 3 và thôn 11 trong xã bị sạt lở nghiêm trọng. Do không kịp trở tay nên nhiều đồ đạc của nhiều người dân đã trượt xuống sông, trôi theo dòng lũ.
Một dẫn chứng khác, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2013, việc thủy điện Đắk Mi 4 hầu như không xả nước khiến vùng hạ du thiếu nước. Hậu quả, toàn bộ hệ thống sông suối ở vùng hạ du khô cạn, nước mặn xâm nhập sâu vào sông Thu Bồn, các trạm bơm ở vùng hạ lưu huyện Điện Bàn, Duy Xuyên phải ngừng hoạt động. Hàng ngàn héc ta lúa ở các vùng này bị chết cháy vì khô hạn. Tương tự, vào những tháng đầu năm 2013, do lượng nước trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đổ về “nhỏ giọt” khiến tình trạng xâm nhập mặn vùng hạ lưu (thuộc TP Đà Nẵng) càng lấn sâu. Hơn 2.000 héc ta lúa tại huyện Hòa Vang và quận Ngũ Hành Sơn khô cháy.
Bộ TN-MT làm trái ý kiến chỉ đạo của Chính phủ
Chính quyền Quảng Nam, Đà Nẵng đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan Trung ương. Sau khi nghiên cứu, Chính phủ đã có chỉ đạo nhà máy thuỷ điện Đắk Mi4 xả nước để cứu dân nhưng đơn vị này vẫn phớt lờ, tiếp tục chặn tiệt dòng nước sông Đắk Mi ở thượng nguồn Vu Gia.
Ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết: “UBND TP Đà Nẵng đã gửi góp ý dự thảo về quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 do Bộ TN-MT soạn thảo. UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ TN-MT sửa nội dung dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, dự thảo quy trình đã khống chế mực nước tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại lộc, Quảng Nam) H = 2,53m để làm cơ sở cho vận hành. Nghĩa là mỗi năm lấy 1 tháng có dòng chảy trung bình thấp nhất, bất kể rơi vào tháng nào (có thể tháng 3, 6 hay 7). “Đây cũng đồng nghĩa với việc bắt hạ du sông Vu Gia luôn luôn ở trong trạng thái thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước làm ảnh hưởng đến khoảng 1,7 triệu dân vùng phía Bắc Quảng Nam và TP Đà Nẵng”, ông Thắng phân tích.
Theo tính toán, thủy điện Đăk Mi 4 đã lấy đi trong mùa cạn trung bình hàng năm 1.300 triệu m3 nước của sông Vu Gia. Trong khi đó, hồ A Vương chỉ mới bổ sung lại khoảng 266 triệu m3 nước, sau này khi đi vào vận hành (cuối năm 2014) cũng chỉ bổ sung thêm được 234 triệu m3. Có nghĩa là khi xây dựng được quy trình vận hành tối ưu nhất thì hạ du sông Vu Gia trong mùa cạn vẫn thiếu đến 700 triệu m3 nước so với điều kiện tự nhiên không có thủy điện trước đây. Ông Huỳnh Vạn Thắng cho rằng, khi khống chế mực nước tại thị trấn Ái Nghĩa bằng 2,53m có nghĩa là gần như thủy điện Đăk Mi 4 sẽ không xả trả lại cho sông Vu Gia bất chấp hạ du thiếu nước, ngoại trừ 5m3/s để duy trì dòng chảy trên đoạn sông chết từ thủy điện Đăk Mi 4 đến Bến Giằng (huyện Nam Giang, Quảng Nam). “Đơn vị tư vấn lập dự án dự thảo quy trình chỉ biết đặt lợi ích của thủy điện lên trên hết, bất chấp lợi ích của gần 1,7 triệu dân sống vùng hạ du sông Vu Gia (gồm huyện Đại Lộc, Điện bàn, TP Hội An tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng) luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước. Điều này cũng đi ngược lại với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 phải xả trả lại sông Vu Gia 25m3/s”, ông Thắng bức xúc.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, ông Thắng cho rằng, dự thảo quy trình đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước tại Khoản 2, 5, 7, 8 Điều 3, Nguyên tắc quản lý, bảo vệ khai thác sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Khoản 1 điều 9; Khoản 1, 2 Điều 54; Khoản 1 Điều 55; Khoản 3 Điều 60; Khoản 1 Điều 61…