Bộ Y tế “kiện” Bộ Giáo dục
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) về một loạt vấn đề tồn tại của đào tạo ngành y dược khiến chất lượng đào tạo ngành đặc thù nảy sinh nhiều bất cập.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường - người ký công văn, khẳng định chất lượng đào tạo ngành y dược không đồng đều giữa các trường, một số ngành như trung cấp dược, điều dưỡng có xu hướng dư thừa, khó tuyển dụng.
Bộ Y tế cũng chỉ ra, việc mở ngành y mà giao sở GD&ĐT thẩm định về các điều kiện bảo đảm chất lượng là chưa đủ, vì qua khảo sát có nhiều đơn vị không đảm bảo năng lực chuyên môn, không bảo đảm chất lượng, nhất là khối các trường ngoài công lập.
|
Vụ nhân bản kết quả xét nghiệm gây chấn động dư luận. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Thực tế, việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành còn hạn chế. Chỉ tiêu nhiều nên điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp so với trường công lập, không phù hợp với quy hoạch của ngành và ảnh hưởng lớn đến chất lượng.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD&ĐT cần có quy định chặt chẽ mở ngành đào tạo với sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế.
Ngoài ra, việc giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập cần căn cứ vào cả tiêu chí năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành.
Đào tạo ngành y: Dễ dàng quá!
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ngành y tế nước ta đang tồn tại rất nhiều điểm bất cập trong công tác đào tạo.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược (ĐH Thái Nguyên), cho biết, có rất nhiều trường ĐH công lập hoặc ngoài công lập đào tạo đa ngành mở thêm ngành y, một số trường chỉ có 1-2 bác sĩ cũng muốn đào tạo ngành y…
“Có thể do người ta thấy chỉ cần một người có trình độ sau đại học và còn lại chỉ cần tốt nghiệp đại học là mở được ngành, theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, dễ dàng quá! Có thể đó là lý do, hiện nay, có nhiều trường, thậm chí như ĐHQG cũng cho ra đời khoa Y-Dược, trường dân lập cũng mở ra một lớp để đào tạo nghề y. Lấy ví dụ, một trường như ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương là một trường đào tạo ra người sử dụng máy móc nay cũng đào tạo tới 50 bác sĩ đa khoa thì không hiểu sẽ đào tạo kiểu gì?” - ông Sơn dẫn chứng.
Ông Sơn cho rằng, bất cập lớn hiện nay là các trường của ta đang sống kiểu năm cha ba mẹ: có trường thuộc Bộ Y tế, trường thuộc Bộ GD&ĐT; trường trực thuộc tỉnh, trường trực thuộc Sở Y tế... Nếu trường trực thuộc Bộ Y tế thì mở mã ngành rất khó khăn; nếu trường nằm ngoài quản lý của Bộ Y tế thì mở mã ngành rất dễ dàng, đặc biệt các trường ngoài công lập.
|
Một phòng chứa thiết bị phục vụ giảng dạy sinh viên ngành y của ĐH Trà Vinh. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Vì vậy, theo ông Sơn: “Các trường đào tạo nhân lực ngành y nên có sự quản lý của Bộ Y tế. Cần quy định rõ điều kiện như thế nào mới được mở ngành đào tạo y khoa. Tình trạng trường trung cấp phấn đấu lên cao đẳng non; cao đẳng phấn đấu lên đại học yếu thì làm sao có thể đào tạo được ngành đặc thù này! Kiểm tra điều kiện cũng nên đi kèm với kiểm định chất lượng.
Đặc biệt cũng cần giải quyết tốt bài toán khó các cơ sở đào tạo cán bộ y tế: máy cái không tốt thì sản phẩm không tốt! Vì vậy, cần có chế độ đủ tốt cho các thầy cô giáo.
Cuối cùng, quan trọng nhất là hậu kiểm. Cần tránh để xảy ra tình trạng 1 thầy công lập có trong danh sách 4-5 trường ngoài công lập hay thậm chí giáo viên đã qua đời vẫn có tên trong danh sách cán bộ giảng dạy cơ hữu của một trường nào đó - danh sách người ta cứ đưa về Bộ, nếu Bộ không kiểm tra thực tế thì sao biết thầy còn hay mất, có thầy hay không?”
GS.TS Trương Đình Kiệt - nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, cũng cho rằng, ở lĩnh vực y tế, từ chỗ trong một thời gian dài chỉ có 10 trường đại học, đến nay đã có 26 trường đại học, rất nhiều trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có đào tạo nguồn nhân lực y tế và quy mô tuyển sinh hằng năm đều rất “khủng”. Từ đó số người tốt nghiệp một số ngành như điều dưỡng trung cấp, dược sĩ trung cấp trở nên quá dồi dào, dẫn đến dư thừa và thất nghiệp.
“Một loạt trường đại học đã được phê duyệt và cho phép thành lập, hoạt động, để đến hôm nay ta lo lắng về hoạt động và chất lượng đào tạo không chỉ của một mà nhiều trường. Có lẽ chính vì thế mà Chính phủ đã điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 (Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg).
Thế nhưng theo các điều chỉnh của quyết định này thì từ nay đến năm 2020 ở Hà Nội và TP.HCM sẽ không có trường đại học và cao đẳng mới nào được thành lập. Chỉ có các tỉnh, thành phố khác mới được ưu tiên. Tại sao ở những nơi có điều kiện tốt nhất lại không được phép thành lập trường đại học, cao đẳng mới suốt một thập niên. Xin hãy suy nghĩ đến điều này và bàn tới vấn đề này cho thấu đáo, trước khi bàn đến các vấn đề kỹ thuật, đào tạo thừa, chất lượng thấp...”, GS.TS Trương Đình Kiệt đưa ra ý kiến.
Thời gian vừa qua, có quá nhiều vụ việc “động trời” liên quan tới ngành y tế, gây bức xúc trong dư luận như: 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin, ăn bớt vắc xin và gần đây nhất là vụ nhân bản giấy xét nghiệm… Việc quá dễ dãi trong đào tạo dẫn tới những bất cập của ngành y dược hiện nay, phải chăng là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những sự việc đáng tiếc trong thời gian vừa qua, khiến Bộ Y tế quyết định lên tiếng “kiện” Bộ GD&ĐT?