Hai ngày qua, cuộc “khẩu chiến” trên báo chí giữa nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và nhà văn Minh Chuyên - biên kịch, đạo diễn bộ phim “Linh hồn Việt cộng” từng gây xúc động người xem vì cái kết có hậu của cuộc chiến tranh mà người của hai bên chiến tuyến: Người mất, kẻ còn... khiến dư luận càng “tá hỏa tam tinh”, bởi ai cũng giành phần đúng về mình.
Phải công nhận rằng, mấy tháng qua, dư luận được phen no nê về các cuộc “khẩu chiến” trước một sự kiện mà bên thì bảo đúng, bên bảo sai.
Bắt đầu từ clip của chương trình “Trở về từ ký ức”, tố cáo một số nhà ngoại cảm làm giả di vật, hài cốt của liệt sĩ để trục lợi. Người thì lên án tố cáo việc làm phi đạo đức- nhất là trục lợi trên xương máu người đã hy sinh vì nền độc lập nước nhà, người thì quả quyết, không thể vơ đũa cả nắm, cũng có những gia đình nhờ nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ, qua giám định gene, khẳng định là đúng danh tính liệt sĩ.
|
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng một mực khẳng định không hề có lọ penicillin trong mộ liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm. Đạo diễn Minh Chuyên lại xác nhận có nhưng không biết nguồn gốc từ đâu… |
Rồi đến chuyện “thật, giả” của “Như chưa hề có cuộc chia ly”, nay lại “có hay không” về chiếc lọ penicilin - di vật của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm.
Trong thực tế, không phải là không có người có khả năng ngoại cảm, nhưng con số này rất ít, chứ không thể “đâu đâu” cũng thấy ai đó xưng danh là nhà ngoại cảm như hiện nay. Có người bị nghiện ma tuý, đi tù...bỗng có khả năng ngoại cảm. Nhà ngoại cảm nhiều mức mà hơn chục năm trước chỉ lác đác vài tên tuổi, nay đã trở thành phong trào ngoại cảm đi tìm mộ liệt sĩ.
Người thân của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước trào nước mắt khi nhà ngoại cảm đưa đi tìm mộ, nhìn thấy di vật, xương dù chỉ còn một ít....cũng đã thấy thanh thản, yên lòng với người đã mất. Nhưng các gia đình liệt sĩ đâu có biết, không ít vụ tìm thấy lại là những mảnh xương động vật, những di vật được tạo dựng để lấy lòng tin, để xây dựng hình tượng... ngoại cảm tài ba, để trục lợi.
Sau sự kiện động trời “cậu Thủy” bị công an bắt vì làm giả hài cốt liệt sĩ, báo Lao Động ra ngày 4.11.2013 có bài viết nhằm cảnh báo với các gia đình liệt sĩ, cảnh giác với hiện tượng tạo giả di vật của liệt sĩ.
Minh chứng trong bài báo, đó là chiếc lọ penicilin được phát hiện khi cất bốc hài cốt liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm, quê làng Nha, xã Thái Giang ( Thái Thuỵ, Thái Bình), được thể hiện trong bộ phim tài liệu “Linh hồn Việt cộng”, công chiếu vào ngày 23 và 27.7.2008. Bộ phim đầy tính nhân văn này làm rung động bao trái tim người xem. Báo Lao Động đã tìm ra sự thật của chiếc lọ này là giả, được tạo dựng.
Diễn biến vụ việc như sau: Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã chỉ cho gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm phần mộ liệt sĩ chưa biết tên thuộc ngôi mộ ở hàng thứ năm, lô 1, mộ thứ hai tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã Ayun Pa (Gia Lai).
Hơn 40 năm trước, ngày 18.3.1969, chiến sĩ Hoàng Ngọc Đảm đã “chạm trán” lính Mỹ tên là Homer tại cứ điểm 20, đồi 467 (thuộc địa phận Ayun Pa). Homer nhanh tay bóp cò súng. Sau khi chôn cất đối phương, di vật của người lính Việt cộng được Homer gửi về Mỹ.
Nhiều năm sống trong day dứt, Homer đã đến Việt Nam vào tháng 5.2008, tìm lại gia đình người lính Việt cộng mà mình đã giết hại. Tấm ảnh, giấy khen trong chiếc balô của người lính Việt cộng - với sự giúp đỡ của một số người - Homer tìm được dễ dàng gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm, tại làng Nha, xã Thái Giang ( Thái Thuỵ, Thái Bình).
Câu chuyện có hậu của cuộc chiến tranh được nhà văn Minh Chuyên vừa làm biên kịch và đạo diễn, cho biết đã đưa 100% sự thật vào bộ phim “Những linh hồn Việt cộng”.
Ai xem phim mà chẳng tin hài cốt tìm được là của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm. Bởi chính nhà văn Minh Chuyên tuyên bố là tìm thấy lẫn trong hài cốt liệt sĩ Đảm có chiếc lọ penicilin, trong có mảnh giấy ố vàng , chữ đã nhòe nhưng còn rõ họ tên đơn vị, quê quán của liệt sĩ: Hoàng Ngọc Đảm, C2, D67, xã Thái Giang, Thái Thuỵ, Thái Bình.
Trong phim tài liệu” Linh hồn Việt cộng” có lời bình: “ Khi chúng tôi tìm thấy mẩu giấy có ghi tên, quê quán, đơn vị từ chiếc lọ penicilin, lẫn trong hài cốt, chữ đã nhoè ố nhưng vẫn đọc được... Các em của liệt sĩ Đảm đều tru lên khóc”.
Từ thông tin của bạn đọc, Lao Động là tờ báo đã đặt vấn đề nghi ngờ về chiếc lọ penicilin, được tìm thấy lẫn trong hài cốt liệt sĩ Đảm. Tố cáo sự giả mạo của chiếc lọ penicilin này chính là hai chữ “Thái Thuỵ”.
Liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm hy sinh ngày 18.3.1969; khi ấy, quê của liệt sĩ là xã Thái Giang, thuộc huyện Thái Ninh. Đến ngày 17.6.1969 - sau ba tháng ngày liệt sĩ hy sinh - huyện Thái Ninh và Thuỵ Anh hợp nhất và có tên mới là huyện Thái Thuỵ.
Câu hỏi đặt ra, vì sao liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm lại biết huyện của mình sẽ được đổi tên thành huyện Thái Thuỵ để ghi sẵn vào mảnh giấy để trong lọ penicilin?
Ai đã tạo dựng chiếc lọ penicilin này?
Một tháng sau khi Lao Động thông tin sự thật về chiếc lọ penicilin - di vật của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm- trên phương tiện thông tin xuất hiện cuộc “khẩu chiến giữa bà Phan Thị Bích Hằng và nhà văn Minh Chuyên về chiếc lọ penicilin.
Bà Hằng thì đổ cho “đạo diễn đưa vào”, ông Chuyên thì: “Bà Hằng có đi đâu mà biết.Tôi không bỏ lọ penicilin nào vào cả. Tôi thả vào để làm gì? Chả có lương tâm nào mà bỏ lọ penicilin vào... Tôi có hành nghề lừa đảo đâu. Tôi là người phản ánh sự thật. Sự thật như thế nào, tôi quay như thế”.
Lẽ nào nhà văn Minh Chuyên đã quên câu chuyện 5 năm về trước. Sau khi báo chí - trong đó có Lao Động - “tố” phim “Linh hồn Việt cộng” không đúng sự thật, nhất là việc cất bốc trộm một ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên trong NTLS Ayun Pa, “đẩy” nhà văn Minh Chuyên phải đưa bằng chứng là chiếc lọ penicilin, để khẳng định phần hài cốt đã cất bốc trộm đúng là của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm.
Khi Lao Động đưa bằng chứng về huyện Thái Thuỵ để bác bỏ lọ penicilin là được tạo dựng, thì nhà văn Minh Chuyên lại khẳng định mình không bỏ vào.
Vậy, có hay không chiếc lọ penicilin lẫn trong hài cốt liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm? Nếu có thì ai đã bỏ vào? bỏ vào làm mục đích gì? hay chỉ được ai đó “bỏ” vào trong phim? Hẳn lương tâm người đã tạo dựng chiếc lọ penicilin ấy sẽ không khỏi day dứt và hổ thẹn với vong linh liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm. Người đưa thông tin giả về chiếc lọ penicilin trong phim “Linh hồn Việt cộng” còn phải chịu trách nhiệm trước hàng triệu khán giả đã xem bộ phim này.