Tìm kiếm thủ cấp LS Phùng Chí Kiên: Nghi ngờ chưa sáng tỏ

Google News

(Kiến Thức) - Phải chăng cách giám định sai nguyên tắc là nguyên nhân và kết quả của việc giám định không chính xác? 

“Hội thảo khoa học về việc tìm hài cốt liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt và phần hài cốt còn lại của liệt sĩ Phùng Chí Kiên (LS PCK)” do Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người, Liên hiệp UIA, Báo KH&ĐS tổ chức. Nhiều vấn đề đã được đặt ra trong cuộc hội thảo này.
Chiếc răng lợn trong phần đầu được tìm thấy
Đại tá Hàn Thụy Vũ (Phó Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người - NC&ƯDTNCN): Việc tìm phần đầu LS PCK là một việc rất khó, không có thông tin được cung cấp từ người thân hay bất kỳ một nguồn tin hoặc đầu mối gì. Qua việc viếng mộ LS PCK tại nghĩa trang Mai Dịch, Phan Bích Hằng đã nhận được thông tin về người thợ cạo đã bí mật lấy phần đầu của LS PCK bọc vào khăn che trước ngực khi cắt tóc cho khách, cho vào hòm cắt tóc và mang đi chôn. 
Những thông tin này đã được kiểm chứng. Khi khai quật, các cơ quan chính quyền địa phương, quân sự, gia đình đã thấy một khối đất đen có hình mắt, mũi, miệng rất rõ (có ảnh và quay phim), có các mảnh sành và bát kê đầu theo tục lệ địa phương... Việc giả sử có xương lợn lẫn vào trong khi cất bốc cũng chưa phải lý do xác đáng để phủ nhận kết quả tìm kiếm. 
Kết quả sai do cách giám định sai
GS.TS Phan Đăng Nhật (Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Văn hóa Kỹ thuật truyền thống): Quá trình bốc cất diễn ra công khai, hàng trăm con mắt đều quan chiêm, thấy cả hộp sọ hóa thổ, hố mắt hóa thổ, cụm răng và xương hàm của LS. Xong xuôi, niêm phong cũng tiến hành công khai. Vậy tại sao mở niêm phong không báo cho gia đình biết? Kết quả giám định không báo gia đình? Phải chăng cách giám định sai nguyên tắc là nguyên nhân và kết quả của việc giám định không chính xác? 
Gia đình vẫn tin đó là phần đầu
Ông Nguyễn Văn Nam (Hiệu trưởng trường THPT Diễn Châu – đại diện gia đình LS PCK): Ngay từ trước khi đi tìm kiếm và cất bốc, gia đình đã xác định: Mang phần di cốt về hợp táng với phần thân ở Mai Dịch chứ không phải là để giám định. Suốt quá trình tìm kiếm cũng như thời gian cất bốc là việc làm có tổ chức chặt chẽ, đảm bảo tính khách quan nên dẫu phần đầu chỉ còn nắm đất màu đen (cũng như phần thân khi được di chuyển từ Cao Bằng về) gia đình vẫn tin đó là phần đầu và thân của LS PCK. 
Nên vạch trần kẻ giả mạo để sàng lọc người chân chính
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải: Ngoại cảm là lĩnh vực mới ra đời, còn non nớt, bị cú sốc lớn, bị đánh đập thì khó đứng vững được. Trường hợp tìm mộ LS. PCK quan điểm của tôi hơi khác. Mẫu mà bên giám định đưa ra có mấy mảnh sành và 1 răng thì không chính xác. Có cụm răng không phải 1 răng. Khi giám định lẽ ra phải dùng phương pháp 2 lần mù. Mẫu phải được chia ra. Người đưa mẫu cho ai không biết mẫu đó là gì, người được xét nghiệm cũng vậy. Khi chập hai kết quả vào nhau thấy trùng khớp thì mới chính xác. Kết quả giám định vừa rồi thiếu khoa học nên tôi không công nhận. Tôi rất lo, pháp y không cẩn thận, để phòng thí nghiệm không khóa, không niêm, có kẻ nào đó thù Bích Hằng vứt cái gì vào thì ai mà biết được (?).
Quang cảnh “Hội thảo khoa học về việc tìm hài cốt liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt và phần hài cốt còn lại của liệt sĩ Phùng Chí Kiên". 
Chính xác vẫn phải xác định ADN
GS Nguyễn Lân Cường (Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam): Tôi đã có 48 năm nghiên cứu về xương với khoảng 800 bộ xương người. Tôi không có mặt trong đoàn tìm phần đầu LS PCK nhưng dựa vào những bức ảnh chụp lại, tôi thấy rõ đây là sọ người với vòm sọ, hốc mắt, hốc mũi còn sọ của ai, chính xác nhất vẫn là xác định ADN. Khi xương đã tan hết, việc xác định răng sẽ là căn cứ khoa học. Với chúng tôi, xác định răng người hay răng lợn rất dễ, chúng tôi có thể nhìn là biết. Tôi sợ là răng lợn lẫn vào.
Chắc chắn là răng động vật
Đại tá Nguyễn Văn Hòa (Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội): Ở trường hợp giám định phần đầu LS PCK (do Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn gửi giám định), mẫu vật hầu như là đất, mảnh sành (sứ), duy nhất có răng thì khi giám định lại là răng lợn. Trong quy trình giám định của chúng tôi, ADN là giám định cuối cùng. Đầu tiên phải xác định có phải là xương không? Xác định đúng là xương rồi thì phải xác định tiếp là xương người hay xương động vật? Ở đây toàn mảnh sành, răng lợn. Có một số ý kiến là trong việc giám định LS PCK có đánh tráo. Tôi đặt câu hỏi: Viện Pháp y Quân đội có được mang danh không mà phải đánh tráo? 
Phản đối kết quả xét nghiệm
Ông Nguyễn Văn Quang, cháu LS PCK: Tôi là người thay mặt gia đình tham gia cất bốc, ký biên bản niêm phong mẫu phẩm gửi nhà tang lễ Bộ Quốc phòng để chờ hợp táng mà cũng không được chứng kiến việc gỡ bỏ niêm phong. Gia đình phản đối về kết quả xét nghiệm ADN.... 
Đau buồn về dị nghị “ngoại cảm rởm”
Nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng: Tháng 3/2008, tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt vấn đề đi tìm phần đầu của LS PCK. LS đã hy sinh từ năm 1941, thời điểm đi tìm là đã qua 68 năm. Tôi chỉ biết đến LS PCK qua sách vở, không biết ông đã hy sinh như thế nào, chôn cất ở đâu; không ai biết phần đầu chôn ở tọa độ nào. Tôi cũng không gặp bất kỳ người thân nào của LS PCK. 
Ngày 7/5/2008, tôi lên Bắc Kạn. Sau nhiều cuộc khảo sát tiền trạm, chứng cứ tâm linh, đã xác định phần hài cốt ở tiểu khu 1, Vân Tùng, Ngân Sơn, Bắc Kạn. Sau đó, do có việc gia đình, tôi bàn giao lại cho gia đình LS, cơ quan chức năng. Tôi còn nhớ ứng báo cuối cùng, bác PCK nói: “Cháu hãy ra chỗ đằng sau, ở đó có cây bưởi”... Phần đầu sau đó được đưa về số 5 Trần Thánh Tông. 
Sau khi có thông tin phần đầu đưa đi giám định không phải xương người, chỉ là xương động vật và trước những dị nghị về “ngoại cảm dởm”, tôi thực sự đau buồn. 
Kết quả ngoại cảm hầu hết là sai
Bà Nguyễn Thị Nga (Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền): Trong mấy trăm bộ hài cốt mà Trung tâm giám định, chỉ có khoảng hơn 10% là tìm đúng. Đa số các ca tìm đúng là từ chương trình “Trở về từ ký ức” của VTV. Số người tự mang mẫu vật hài cốt đến đây để giám định xem có đúng hài cốt người thân không thì rất ít trường hợp tìm đúng. Hầu như các kết quả sai là tìm từ nhà ngoại cảm. Trường hợp tìm đúng mà chỉ từ nhà ngoại cảm, tại trung tâm của tôi chưa thấy trường hợp nào.
Sai số ngoại cảm 30 - 40%

Dù hiện nay, sai số của các nhà ngoại cảm là 30 – 40% nhưng kết quả tìm kiếm vẫn đảm bảo chính xác bởi thông tin ngoại cảm chỉ mang tính tham khảo, ngoài ra còn phải căn cứ vào cách sử dụng thông tin, cách tường minh thông tin thì mới dẫn đến kết quả tốt. Chẳng hạn, việc đi tìm mộ LS Nam Cao, tuy cô Bích Hằng mới cung cấp 60% thông tin, nhưng ban tổ chức đã kết hợp với nhiều phương thức khác để giải mã và kết quả cuối cùng vẫn cho độ tin cậy 100% của ngôi mộ Nam Cao. Vì vậy, việc giám định gen chỉ là một biện pháp trong muôn vàn cách giám định của ngành hình sự.                                                                            TS Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học UIA)

Nhóm PV (Thực hiện)

Bình luận(0)