Bí mật giám sát CSGT vẫy xe

Google News

Cùng với việc thành lập các tổ giám sát, Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67), Bộ Công an cũng công bố số điện thoại đường dây nóng để nhân dân cùng giám sát...

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67), cho biết như vậy khi trao đổi với PV khi Bộ Công an vừa có công điện yêu cầu CSGT cần nâng cao hiệu quả công tác.
Thưa ông, đâu là nguyên nhân để Bộ Công an ra công điện trên. Ông có suy nghĩ gì khi Chính phủ đánh giá một trong những nguyên nhân làm TNGT nghiêm trọng xảy ra nhiều vừa qua là do công tác tuần tra, xử lý yếu?
Trước tình hình giao thông diễn biến phức tạp vừa qua, từ công tác nắm tình hình từ các địa phương và trực tiếp đi thị sát, chỉ đạo lãnh đạo Bộ Công an thấy rằng, hiện trên các tuyến QL và đường đô thị, nơi thì có quá nhiều lực lượng, nơi thì để trống địa bàn; lực lượng CSGT ít tổ chức tuần tra cơ động, nhiều nơi có biểu hiện lập chốt cố định trên đường dẫn đến nhiều lái xe chỉ chấp hành giao thông mang tính đối phó, thông tin cho các xe khác. Khi dừng xe thì kiểm tra giấy tờ qua loa, không thực hiện đúng quy trình công tác.
 
Ở một số địa phương công tác phối hợp với các lực lượng khác chưa được thường xuyên. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình hình đi lại và hoạt động vận tải diễn biến phức tạp vừa qua.
Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao hiệu quả hoạt động của CSGT, ngày 27/7 vừa qua Bộ Công an đã có công điện yêu cầu C67 và Công an các địa phương kiểm tra và chấn chỉnh lại công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT.

Ngoài không được vẫy xe kiểm tra qua loa, công điện còn yêu cầu CSGT bỏ cắm chốt, đi tuần tra trên đường. Việc thay đổi cách làm này có hiệu quả trong giám sát, xử lý vi phạm?
Việc yêu cầu CSGT tăng cường tuần lưu là nhằm khắc phục tình trạng anh em cắm chốt ngoài đường quá lâu. Thẳng thắn mà nói cắm chốt cố định cũng có cái hay là kiểm tra được nhiều phương tiện, tuy nhiên lại làm cho anh em lái xe dễ đối phó, khi xe qua chốt thì đi từ tốn, hết chốt lại chạy vô tội vạ. Cùng với đó, lái xe thông báo cho nhau về vị trí CSGT đứng làm nhiệm vụ. 
Chuyển sang kiểm tra lưu động dù có kiểm tra được ít phương tiện nhưng việc này sẽ hạn chế được những tồn tại ở trên. Lúc đó khiến người tham gia giao thông phải ý thức được rằng luôn có CSGT theo dõi. Như vậy về cơ bản sẽ chuyển được ý thức lái xe và người tham gia giao thông từ đối phó sang tự giác. Khi đã tạo được ý thức chấp hành luật thì TNGT sẽ giảm.
 

Công điện có nói, nếu phát hiện CSGT vi phạm sẽ xử lý nghiêm. C67 có biện pháp gì để giám sát; người dân, lái xe nếu phát hiện CSGT vi phạm cần làm gì?
Công điện có hiệu lực thực hiện từ 27/7, do đó C67 đã thành lập các tổ công tác vừa công khai, vừa bí mật đi giám sát, kiểm tra việc CSGT địa phương thực hiện.
Ngoài giám sát trên đường, các tổ công tác còn căn cứ vào sổ nhật ký, biên bản làm việc để xác định các tổ làm nhiệm vụ có thực đúng quy định của Bộ Công an không.
Với người dân, lái xe khi tham gia giao thông trên đường, nếu phát hiện CSGT làm sai quy trình, điều lệnh, sau khi xác định vị trí, số hiệu xe hoặc số hiệu ngành CSGT đeo trên người cần báo cho C67 qua số điện thoại đường dây nóng 24/24h: 069 42608. Sau khi tiếp nhận thông tin, trực ban sẽ báo cáo lãnh đạo Cục, thông tin nào cần đưa về địa phương thì Cục sẽ chuyển về địa phương, thông tin nào Cục cần trực tiếp điều tra, xử lý thì Cục sẽ xác minh.
Các trường hợp CSGT vi phạm đều bị xử lý theo các mức kỷ luật: Phê bình, khiển trách, cảnh cáo, tước quân tịch đuổi khỏi ngành. Với trường hợp CSGT vẫy xe kiểm tra qua loa thì khiển trách, nhưng vẫy xe kiểm tra qua loa rồi nhận tiền cho đi thì sẽ đuổi khỏi ngành.
Cảm ơn ông!
Theo Tiền Phong

Bình luận(0)